Điện ảnh Việt nhìn từ Cánh diều vàng

05/04/2017 07:09 GMT+7

19 phim truyện tranh giải Cánh diều vàng năm nay cho hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất là một con số khá ấn tượng và vượt trội so với vài năm gần đây, nhưng không tỷ lệ thuận với chất lượng.

Ngập tràn phim thương mại
Hơn một nửa trong số các phim tranh giải đạt chất lượng trung bình, thậm chí có thể gọi là thảm họa. Thế nhưng, chúng vẫn có mặt trong giải thưởng của Hội Điện ảnh VN để tranh giải nghề nghiệp!
Nhìn vào danh sách 19 phim tranh giải, chúng ta có thể thấy được bộ mặt cũng như xu hướng của điện ảnh Việt. Những bộ phim do nhà nước đặt hàng đã hoàn toàn vắng bóng vì năm 2016 không có phim điện ảnh nào của nhà nước được sản xuất do không có kinh phí! Những bộ phim nghệ thuật kiểu “art-house”, thể nghiệm về ngôn ngữ điện ảnh, cũng vắng bóng, cho dù đại diện tiêu biểu nhất của dòng phim này là Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di từng tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin từ 2 năm trước. Tất cả 19 bộ phim tranh giải Cánh diều vàng năm nay đều là phim của các hãng tư nhân, nhắm vào mục đích thương mại là chủ yếu.
Sự nở rộ của dòng phim giải trí phản ánh sự sôi động của thị trường điện ảnh. Con số 19 phim này thực ra mới chỉ chiếm khoảng 50% số lượng phim chiếu rạp của năm 2016, năm mà có thời điểm một tuần có một bộ phim ra rạp (so với khoảng 10 năm trước, một năm chỉ có vài phim tung ra vào dịp tết và lễ hội). Tuy nhiên, trong số 19 phim đó, thật khó để chỉ ra một bộ phim vượt trội về mặt nghệ thuật hay tái hiện được phần nào bộ mặt của xã hội đương đại, hay những thân phận con người tạo được sự đồng cảm cho khán giả.
Cha cõng con có thể được xem là một điểm sáng, vì tác phẩm đầu tay này có sự dấn thân và quyết liệt của đạo diễn Lương Đình Dũng để chuyển tải một câu chuyện đẹp về tình cha con, về ước mơ và khát vọng của một cậu bé miền núi. Phim trong trẻo với những khuôn hình đẹp, nhưng có vẻ vẫn còn thiếu một sự đột phá về mặt nội dung, về nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện để bộ phim bật lên. Hơn nữa, Cha cõng con ra rạp từ ngày 5.4 còn phải trải qua cuộc “thử lửa” từ khán giả để biết được sự dấn thân của đạo diễn, người bỏ ra gần 10 năm để theo đuổi tác phẩm này, có thực sự được đón nhận và mở ra một hướng đi, dù là ngách hẹp hay không?
Hai bộ phim dù theo xu hướng giải trí nhưng được kể khá tươi mới, hiện đại và phần nào đồng điệu được với cảm xúc của giới trẻ đương đại là Sài Gòn, anh yêu em của đạo diễn Lý Minh Thắng và 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy của Vũ Ngọc Phượng, bộ phim ra mắt từ cuối năm 2015. Cùng với Bao giờ có yêu nhau của Dustin Nguyễn và Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân là hai tìm tòi khác, thành công về mặt này nhưng thất bại về mặt kia - có thể được xem là top 5 bộ phim khá nhất, hứa hẹn sẽ được đề cử với các giải thưởng Cánh diều vàng, bạc và các giải cá nhân.
Năm 2016 cũng là năm chứng kiến sự “ngã ngựa” của những bộ phim được đầu tư lớn về kinh phí, ê kíp tên tuổi nhưng chất lượng kịch bản yếu kém và thiếu dấu ấn đạo diễn như trường hợp của Fan cuồng, Truy sát hay Vệ sĩ Sài Gòn. Nhưng tệ hơn nữa là những bộ phim giải trí tầm phào, nhảm, nhạt và thậm chí là thảm họa như Bảo mẫu siêu quậy 2, Lộc phát, Phim trường ma, Cao thủ ẩn danh hay Tik Tak anh yêu em... cũng góp mặt trong danh sách tranh giải Cánh diều vàng, trong khi đáng ra chúng phải có mặt trong danh sách đề cử giải... Mâm xôi vàng, nếu điện ảnh Việt có một giải thưởng tương tự như Mâm xôi vàng của Mỹ để chọn ra những bộ phim dở nhất của năm.
Làm gì để phim Việt khởi sắc ?
Sự đổ bộ ồ ạt của phim Việt tại các rạp chiếu năm 2016 với chất lượng trung bình, tay nghề kém; xuất hiện những bộ phim mì ăn liền kiểu mới, không phân biệt được giữa điện ảnh hay truyền hình, sân khấu, hài kịch nhảm... đã cho thấy một hậu quả nhãn tiền là thị trường phim Việt đang xuống dốc. Rất nhiều bộ phim Việt ra rạp không kèn không trống và chỉ một tuần sau bị đá văng ra khỏi rạp. Thậm chí, sự mất lòng tin vào phim Việt khiến những bộ phim có chất lượng khá hơn cũng không lôi kéo được khán giả.
Một nhà sản xuất cho biết thị trường phim Việt đang rớt từ 30 - 50% về doanh thu trong năm 2016 và kéo dài sang đầu năm 2017 với một mùa phim tết ảm đạm, đó là hậu quả nhãn tiền của những bộ phim hài nhảm, coi thường khán giả với vòng đời sản xuất đôi khi chỉ 3 tháng thi nhau ra rạp. Nhưng đó cũng là một tín hiệu tốt để thanh lọc lại thị trường, bởi khán giả Việt không còn ủng hộ phim Việt một cách vô điều kiện nữa nếu chất lượng của chúng yếu kém.
Nhưng điều quan trọng hơn là phải làm gì để phim Việt khởi sắc khi mà thị trường điện ảnh đang ngày càng rộng mở, số lượng rạp chiếu tăng lên mỗi ngày? Làm thế nào để cạnh tranh sòng phẳng và thậm chí chiến thắng phim Hollywood, phim Hàn, phim Hoa ngữ trên sân nhà như cách điện ảnh Hàn, Nhật làm được trong nhiều năm? Con đường duy nhất để điện ảnh Việt khởi sắc là phải có phim hay, những bộ phim vừa thể hiện được tay nghề, có nhiều tìm tòi về thủ pháp; đồng thời phải là những bộ phim mà khán giả Việt thấy họ trong đó hoặc chia sẻ được những đồng cảm, ưu tư của họ về cuộc sống đương đại. Sự thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh là 2 ví dụ điển hình nhất về sự khởi sắc của phim Việt trong năm 2015. Những tranh luận xôm tụ về Dạ cổ hoài lang hay Lô Tô gần đây (không tranh giải Cánh diều vàng vì ra mắt trong năm 2017) cũng cho thấy một xu hướng mới của phim Việt: những câu chuyện đời, thân phận bên lề của xã hội cũng được khán giả quan tâm.
Không có con đường nào để tự cứu mình ngoài chính mình. Sự khởi sắc của phim Việt chắc chắn phải đến từ những người làm nghề giỏi và có tự trọng nghề nghiệp!
19 bộ phim truyện điện ảnh tranh giải Cánh diều vàng 2016 gồm: Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Sút (đạo diễn Việt Max), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân), Chạy đi rồi tính (đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân), Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn), Sài Gòn anh yêu em (đạo diễn Lý Minh Thắng), Bảo mẫu siêu quậy 2 (đạo diễn Lê Bảo Trung), Sứ mệnh trái tim (đạo diễn NSƯT Đỗ Đức Thịnh), Chờ em đến ngày mai ( đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), Truy sát (đạo diễn Ngô Quốc Cường), Nàng Tiên có năm nhà (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), Lộc phát (đạo diễn Lê Bảo Trung), Phim trường ma (đạo diễn Vũ Thái Hòa), Cao thủ ẩn danh (đạo diễn Lê Khắc Hoài Nam), Tik Tak anh yêu em (đạo diễn Trần Kamy), Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu (đạo diễn Nguyễn Hoàng Phúc), Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai).
Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2016 sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 9.4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía nam, TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.