Điện bán có thu tiền, sao lại trả 0 đồng ?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
27/04/2024 08:15 GMT+7

Quan điểm của Bộ Công thương về lý do ghi nhận sản lượng điện mặt trời mái nhà dư được phát lên lưới với giá 0 đồng nhằm tránh "trục lợi" chính sách đã nhận nhiều ý kiến băn khoăn bởi "đi ngược cơ chế thị trường" và ngược cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo.

An toàn cho quản lý ?

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, cả hai chính sách nói trên "hoàn toàn không mâu thuẫn". Trong giai đoạn hiện tại với điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu cấu nguồn, chống phát ngược và giải pháp mua với điện phát lên lưới giá 0 đồng là phù hợp, đảm bảo ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.

Việc mua điện với giá 0 đồng là đi ngược với cơ chế thị trường

Việc mua điện với giá 0 đồng là đi ngược với cơ chế thị trường

Vũ Hân

"Nếu không đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia thì được ưu tiên phát triển không giới hạn về công suất. Nếu có đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia thì tổng công suất phát triển trên cả nước không vượt quá 2.600 MW (theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8), nhưng cũng không cho phép mua bán điện trong trường hợp này. Việc này không gây thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cụm từ "lợi dụng chính sách" có trong bảng kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những sơ hở, bất cập, khuyết điểm, vi phạm trước đây trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và tham mưu cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công thương. Điều này dẫn đến việc có nhiều dự án điện mặt trời có công suất lớn được đầu tư trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư, tức được hưởng giá 8,38 cent một kWh trong 20 năm.

Thực tế, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh là 850 MW. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư lên tới 8.642 MW, cao hơn 10 lần so công suất được phê duyệt và hơn gấp đôi công suất quy hoạch đến 2025. Ngoài ra, trong giai đoạn này, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng phát triển mạnh với tổng công suất 7.864 MW, nâng tổng công suất nguồn năng lượng lên 16.506 MW, gấp 19 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.

"Xét về quản lý, đề xuất 0 đồng này của Bộ Công thương là một động thái "sửa sai" cho những đề xuất không đúng, vi phạm quy hoạch trước đây. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) từng kiến nghị không khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời bằng mọi giá, bởi việc khuyến khích đầu tư phải đồng bộ với lưới truyền tải và phân phối, nhưng lúc trước Bộ đã không tiếp thu kiến nghị này. Tuy vậy, xét về yếu tố làm chính sách, chọn giải pháp mua điện dư của nhà đầu tư với giá 0 đồng là cách làm… an toàn cho cơ quan quản lý. Nhưng đổi lại, chính sách này sẽ gây lãng phí rất lớn về cơ hội phát triển điện tái tạo trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện rất lớn, phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, phải mua nguồn với giá cao để bổ sung nguồn thiếu hụt…", một chuyên gia về năng lượng nhận xét.

Đi ngược nguyên tắc thị trường

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), bày tỏ băn khoăn với quan điểm mua điện 0 đồng nhằm ngăn chặn trục lợi chính sách của Bộ Công thương. Ông phân tích: Trong giai đoạn 2018 - 2020, khi Quy hoạch điện 7 gần như "phá sản", không theo kịp nhu cầu phát triển năng lượng, nguồn nhiệt điện không được đưa vào vận hành kịp, thiếu điện trầm trọng nên phương án được chọn nhằm gỡ tình trạng thiếu điện là dùng điện gió và điện mặt trời. Thế nên mới có chính sách giá FIT, tức mua giá cao hơn so với bình thường nhằm khuyến khích nhà đầu tư điện gió, mặt trời phát triển nguồn. Tuy vậy, đến hết 2020, chính sách giá FIT không được áp dụng nữa, nhiều dự án điện tái tạo không kịp hưởng giá FIT.

"Giai đoạn đó, việc ồ ạt đầu tư, lợi dụng chính sách ưu đãi nhằm thu lợi… khuyết điểm thuộc về cả nhà đầu tư, lẫn cơ quan quản lý và địa phương", ông Lâm nói và cho rằng hiện giờ, giá FIT không còn nữa nên cũng không thể gọi là trục lợi chính sách. Bởi sản lượng phát triển điện mặt trời bao nhiêu cũng được đưa vào Quy hoạch điện 8. Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được khống chế trong quy hoạch đến năm 2030 là 2.600 MW và cũng đã đủ nên con số đặt ra trong quy hoạch là không có ý nghĩa lắm. Thế nên mới có kế hoạch "8 phẩy" là cho phát triển điện mặt trời mái nhà không giới hạn nhưng vẫn phải tự sản, tự tiêu.

"Chúng ta đang từng bước xây dựng thị trường mua bán điện. Trong mua bán phải có trả tiền. Thà không cho đấu lưới, không nhận nguồn của nhà đầu tư thì thôi. Còn nhận nguồn, mang đi bán, sao trả cho nhà đầu tư 0 đồng?", TS Ngô Đức Lâm bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, trong bối cảnh áp lực thiếu nguồn, buộc phải huy động nguồn từ điện than, điện khí, cao điểm còn chạy bằng dầu diesel… với giá cao, ông Lâm cho rằng, giá điện mặt trời đã và đang giảm dần. Như vậy, nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên huy động. Hơn nữa, theo Quy hoạch điện 8, đa số các dự án phát triển nguồn đều phải đi vay vốn để làm, trong khi điện mặt trời là nguồn vốn đầu tư tư nhân, nhà nước không bỏ đồng nào nhưng lại thu được thuế, mua giá tốt…

"Chúng ta động viên xã hội hóa ngành điện, sao lại từ chối điện mặt trời mái nhà? Đây là nguồn năng lượng có thể khai thác vốn từ nhân dân rất tốt và cần thiết. Cách định hướng nhìn nhận vấn đề của nhà quản lý có gì đó sai sai ở đây, khăng khăng xây dựng cơ chế điện mặt trời mái nhà phải tự sản tự tiêu, không cho bán sang hàng xóm mà không phát lên lưới, cho phát lên lưới phải chấp nhận không có tiền. Rồi còn lập luận nếu bán phải theo luật Điện lực… Nên nhớ luật do chúng ta đưa ra, quan trọng là muốn thay đổi hay không mà thôi. Ngày trước, khi chưa sửa được luật, nhiều chính sách tạm thời nếu cần thiết, vẫn có thể trình ngay Chính phủ để Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội họp thông qua để áp dụng trong giai đoạn nào đó", ông Lâm bức xúc.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cũng đồng tình rằng đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường. "Gọi là khuyến khích nhưng xây dựng chính sách theo hướng chưa khuyến khích. Bởi rất khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư điện mặt trời mái nhà chỉ để dùng. Nếu dư, cần ghi nhận sản lượng để nhà đầu tư sử dụng khi không có mặt trời. Sản lượng dư thừa có thể đưa lên lưới và được khấu trừ vào sản lượng tiêu thụ hằng tháng tại kỳ thanh toán hóa đơn tiền điện theo tỷ lệ nào đó. Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, chia sẻ (bán) với hàng xóm, nên cho áp dụng trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng tại khu vực miền Bắc đã được dự báo", ông Việt đề xuất. 

Thực tế nguồn điện mặt trời được phát lên lưới, không bị mất đi mà EVN mang đi bán có thu tiền, nên ít nhiều phải trả cho nhà sản xuất nguồn. Một chính sách mua điện thừa giá 0 đồng có phải là quá vô lý? Nguồn đang thiếu, nếu có nguồn điện từ đầu tư tư nhân là quá tốt. Hoặc lý giải phát lên lưới kỹ thuật không cho phép vậy tại sao cho phát lên và ghi nhận trả 0 đồng? Thứ hai, kỹ thuật là việc của EVN và Bộ Công thương, không phải việc của doanh nghiệp và hộ gia đình.

TS Ngô Đức Lâm


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.