Điện Biên Phủ trong nghệ thuật

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/05/2024 07:26 GMT+7

Những ngày này ngập tràn các hình ảnh, hoạt động giới thiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa trong nghệ thuật.

Mở kho tư liệu

Ông Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, gần như đã thuộc những tác phẩm trong triển lãm Đường lên Điện Biên của Bảo tàng Mỹ thuật VN (diễn ra từ nay đến ngày 15.5). Trong số các tác phẩm này có bảo vật quốc gia Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng, có tác phẩm điêu khắc Cả nước ra trận của Lưu Danh Thanh, ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân.

Giây phút liên quan đến quyết định lịch sử ở Điện Biên Phủ của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở Mệnh lệnh từ trái tim

Giây phút liên quan đến quyết định lịch sử ở Điện Biên Phủ của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở Mệnh lệnh từ trái tim

SÂN KHẤU LỆ NGỌC

"Có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và lịch sử như Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng và các ký họa trên đèo Lũng Lô của ông Tô Ngọc Vân. Sau khi vẽ những ký họa này, họa sĩ Tô Ngọc Vân lại tiếp tục lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ rồi hy sinh vì bom của giặc Pháp", ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng có tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (từ ngày 3 - 6.5, tại rạp chiếu phim điện ảnh Quân đội nhân dân, 17 Lý Nam Đế, Hà Nội). Tuần phim trình chiếu 4 phim tài liệu do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất: Hùng ca Điện Biên Phủ, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ, Nhìn lại Điện Biên, Điện Biên Phủ trận quyết chiến lịch sử. Tuần phim còn có 4 bộ phim truyện: Hoa ban đỏ; Đào, phở và piano; Sống cùng lịch sửKý ức Điện Biên. Hoa ban đỏ, phim truyện nhựa được Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất cách đây 30 năm, sẽ được chiếu mở màn trong tuần phim.

Trong khi đó, Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư cũng có một cuộc "mở kho" qua sự kiện "Những ngày phim tài liệu" (từ 3 - 5.5) với 6 phim về Điện Biên Phủ. Các bộ phim Điện Biên Phủ (sản xuất năm 1964), Hồi ức Điện Biên (1994), Chuyện những người lính già (1984), Đồng hành cùng lịch sử (2017), Chia lửa cùng Điện Biên (2024), Điện Biên Phủ niềm hy vọng (2024) sẽ được chiếu miễn phí ngay tại hãng.

Hình ảnh trong phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Hình ảnh trong phim tài liệu về Điện Biên Phủ

BTC

Ông Trịnh Quang Tùng, Phó giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, cho biết bộ phim Chia lửa cùng Điện Biên vừa được sản xuất lại có một góc nhìn khác khá thú vị. "Phim nói về việc khu 5 đã chia lửa với Điện Biên Phủ như thế nào. Mà khu 5 là ở tận Tây nguyên. Người xem sẽ thấy cách lúc đó chúng ta làm để giảm sức mạnh của quân Pháp ở Điện Biên. Câu chuyện đó cũng ít người biết", ông Tùng nói và cho biết thêm: "Điện Biên Phủ là một phim rất đặc biệt. Phim được sản xuất sau 10 năm Chiến thắng Điện Biên nên rất nhiều khán giả chưa được xem. Trong khi, việc phim ra đời sau thời điểm lịch sử mới 10 năm nên hình ảnh cuộc chiến vẫn còn nóng. Chúng tôi cũng sử dụng được nhiều tư liệu quay trong thời kỳ trước đó. Hãng tuy thành lập năm 1956 nhưng đã có mặt từ 1950. Do đó, các tư liệu thời chống Pháp, từ các ATK… đều có. Sau đó những tư liệu này được sử dụng và phim có nhiều hình ảnh quý giá".

Tác phẩm mới do "mệnh lệnh từ trái tim"

Năm nay, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP.Điện Biên), bức tranh tường vẽ toàn cảnh chiến dịch có rất đông người xem. Tác phẩm sơn dầu này cao 20,5 m, dài 132 m, do hơn 200 họa sĩ vẽ trong gần 2 năm. Tuy nhiên, một phiên bản đặc biệt của tác phẩm này cũng đang được thực hiện ngay tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). "Cinemagraph cả tranh luôn", KTS Đinh Việt Phương, một cái tên quen thuộc trong làng số hóa và 3D hóa di sản, cho biết. Bức tranh sơn dầu từ bảo tàng được số hóa, sau đó được thêm vào các chuyển động, từ đó người xem có cảm giác chân thực của việc kéo pháo, của lá cờ chiến thắng bay trên nóc hầm De Castries.

Bức tranh tường kỷ lục về chiến dịch Điện Biên Phủ

Bức tranh tường kỷ lục về chiến dịch Điện Biên Phủ

TUẤN MINH

Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm của ông Phương cũng số hóa một số vũ khí, trong đó có pháo để đưa vào trưng bày cùng bức tranh cinemagraph về chiến dịch Điện Biên Phủ. Những vũ khí này sau khi quét 3D sẽ được tính toán lại tỷ lệ thích hợp rồi "in ra". Ứng dụng công nghệ này hướng tới việc mô tả lịch sử trở nên cụ thể, sinh động.

Với sân khấu, một vở diễn về Điện Biên Phủ mang tên Mệnh lệnh từ trái tim cũng vừa ra mắt. Đây là tác phẩm của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc. Vở diễn thu hút được 100 diễn viên kịch lẫn cải lương, một con số hùng hậu. Mệnh lệnh từ trái tim tái hiện thời khắc quan trọng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Câu chuyện chuyển phương châm tác chiến này vốn không xa lạ với nhiều người quan tâm đến lịch sử, đến Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, ngôn ngữ sân khấu đã cụ thể hóa nhiều giây phút, nhiều suy tư của Bác Hồ, của Đại tướng Tổng tư lệnh khiến hình dung câu chuyện gần hơn. Chính những nghệ sĩ tham gia vở diễn cũng xúc động vì điều này. NSND Lệ Ngọc chia sẻ đây là vở diễn làm từ trái tim của những nghệ sĩ yêu nước, kính trọng Bác Hồ và Đại tướng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.