Diễn kịch phục vụ thật là “sung”

Hoàng Kim
Hoàng Kim
10/12/2023 07:23 GMT+7

Cuối năm nay, có 4 vở kịch được Sở VH-TT TP.HCM cấp kinh phí để biểu diễn phục vụ công chúng miễn phí tại các quận huyện của thành phố (thường gọi là diễn phục vụ). Đợt biểu diễn gây hiệu ứng rất tốt, khán giả lẫn nghệ sĩ đều hào hứng.


Từ mấy chục năm nay, biểu diễn phục vụ luôn nằm trong kế hoạch thường xuyên của Sở VH-TT TP.HCM. Trước kia, kinh phí hầu như chỉ dành cho các đơn vị sân khấu công lập, nhưng về sau được dành cho cả đơn vị xã hội hóa nếu các đơn vị này có tác phẩm mang nội dung tốt, thông điệp ý nghĩa nhân văn và có cả tính giáo dục. Đó chính là lý do mà đợt diễn phục vụ lần này đã chọn Rặng trâm bầu (Sân khấu Trịnh Kim Chi), Cánh đồng rực lửa (Sân khấu Quốc Thảo), Đại náo long cung (Sân khấu 5B) đều là các vở xã hội hóa, chỉ vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung là của đơn vị công lập Nhà hát Kịch TP.HCM.

Diễn kịch phục vụ thật là “sung” - Ảnh 1.

Diễn kịch phục vụ thật là “sung” - Ảnh 2.

Cảnh trong vở Cuộc hành trình tìm bức chân dungCánh đồng rực lửa - 2 trong số 4 vở được chọn diễn phục vụ cuối năm 2023

H.K

Các vở diễn phục vụ miễn phí tại các trung tâm văn hóa quận, huyện như: 4, 6, 8, 10, Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Chánh…, khán phòng luôn đầy kín người xem. NSƯT Mỹ Uyên hào hứng: "Khán giả xem rất nhiệt tình, vừa xem vừa tương tác, vỗ tay, reo hò, khiến diễn viên cũng "sung" theo. Vở Đại náo long cung của chúng tôi là vở thiếu nhi, nên cha mẹ dẫn con đi xem, cả gia đình hòa vào vở kịch. Nhiều gia đình vì nhà xa hoặc kinh tế hạn chế nên chưa lần nào mua vé cho con đi xem, nay mình đem vở diễn đến tận nơi, nên họ mới tiếp cận sân khấu, vừa ngỡ ngàng, vừa thú vị. Tôi và các bạn diễn viên xúc động muốn khóc luôn".

Đoàn của Quốc Thảo diễn tại một trại cai nghiện ở Hóc Môn, khán giả có phần "đặc biệt". Anh nói: "Trại có cả ngàn học viên, nhưng chỉ vài trăm bạn được chọn để đi xem, tuy nhiên đến phần chuyển cảnh, chúng tôi cũng không được tắt hết đèn để bảo đảm an toàn. Chúng tôi đã có một trải nghiệm rất quý trong nghề. Khán giả hầu hết đều trẻ, thưởng thức tác phẩm một cách hồn nhiên, nhiệt tình, nắm bắt nội dung rất nhanh và phản ứng với từng câu thoại, từng hành động kịch. Thí dụ, lúc tôi đóng vai đại úy Ngai xô đẩy một chị dân công té trên ghế xuống đất, thì khán giả la lên: "Ê, hông được nha, làm vậy kỳ lắm nha!". Hoặc lúc tôi tra tấn chú Hai (nghệ sĩ Minh Nhí đóng) thì các bạn kêu ầm lên: "Chú ơi, đừng khai!". Các bạn khiến diễn viên chúng tôi sung theo, diễn rất có lửa". Đạo diễn Hoàng Tấn đem vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của mình đi, phải lích kích thuê luôn màn hình LED, màn hình Gauze vì vở này lung linh nhờ kỹ thuật đó, nhưng bù lại khán giả quá thích thú trước một sân khấu tuyệt đẹp.

Nhờ khán giả "máu lửa" như vậy nên các nghệ sĩ, diễn viên không nề hà chuyện đi lại xa xôi, cát sê khiêm tốn. Tuyết Thu, Mỹ Uyên, Quốc Thảo, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Thanh Tuấn đều đắt sô, nhưng sẵn sàng sắp xếp lịch diễn phục vụ. Còn các diễn viên trẻ thì vui mừng vì có nơi trải nghiệm vốn sống, trải nghiệm tay nghề, tiến bộ dần lên.

Thiết nghĩ, nên duy trì hình thức biểu diễn phục vụ đến các vùng xa, thậm chí ngay trong nội thành TP.HCM, bởi khán giả không phải ai cũng có đủ điều kiện mua vé đi xem biểu diễn sân khấu. Và cũng rất nên đem các vở diễn chọn lọc đến với học sinh, sinh viên. Thực tế các buổi diễn vừa qua cho thấy người trẻ nắm bắt rất nhanh những thông điệp mà vở diễn gửi gắm. Bên cạnh các đề tài truyền thống cách mạng, có thể đầu tư thêm những đề tài khác, chẳng hạn đề tài gia đình, tình mẫu tử, tình bạn, nếp sống văn minh, lương thiện… Như vậy khán giả sẽ thấy gần gũi, dễ cảm hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.