Bình luận về việc Mỹ triển khai hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu (ở Romania) từ ngày 12.5, người phát ngôn của tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng vấn đề không phải việc Nga có áp dụng biện pháp đáp trả hay không, theo TASS ngày 12.5. Bên cạnh đó, các biện pháp mà Nga đang sử dụng nhằm giữ vững an ninh nước này ở mức độ cần thiết.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa đặt ra mối đe doạ cho Nga. Tổng thống Vladimir Putin cũng nhiều lần yêu cầu làm rõ hệ thống đó nhằm chống lại ai và sẽ chống lại ai”, ông Peskov phát biểu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì nhấn mạnh hệ thống này nhằm chống lại các mối đe doạ ngoài vùng không gian châu Âu - Đại Tây Dương. Tổng thống Romania, Klaus Iohannis cũng khẳng định hệ thống đặt trên nước ông chỉ có mục đích phòng thủ và không chống lại nước nào, theo RT.
|
Theo người phát ngôn tổng thống Nga, vấn đề mục tiêu của lá chắn tên lửa “lúc đầu được giải thích một cách dài dòng tại nhiều hội nghị thượng đỉnh của NATO rằng nhằm đề phòng mối đe doạ tên lửa của Iran”. Tuy nhiên, tình hình liên quan đến Iran cơ bản đã thay đổi và phía Nga vẫn yêu cầu có những giải thích rõ ràng.
Ông Peskov nói rằng việc kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania là điều chẳng mới mẻ gì. “Mọi cơ quan có liên quan của chúng tôi, những cơ quan có trách nhiệm đảm bảo quốc phòng và an ninh đất nước, biết quá rõ những kế hoạch thế này”.
NATO ngày 12.5 công bố kích hoạt hệ thống phòng thủ chống tên lửa trị giá 800 triệu USD tại căn cứ không quân Deveselu (Romania). Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work phát biểu rằng chừng nào Iran tiếp tục phát triển và triển khai các tên lửa đạn đạo, thì Mỹ sẽ hợp tác cùng các đồng minh để bảo vệ NATO, theo Reuters.
Bất chấp Nga, Mỹ vẫn khởi động lá chắn tên lửa ở châu Âu
Lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày mai 12.5 nhằm đối phó với tên lửa Iran, bất chấp Nga cảnh báo động thái này là đe dọa hòa bình ở Trung Âu.
Các quan chức cấp cao của Mỹ và NATO cho rằng hệ thống phòng thủ Aegis này có khả năng ngăn chặn các tên lửa của Iran mà Mỹ cho rằng một ngày nào đó sẽ bắn tới các thành phố lớn ở châu Âu.
Khi hoàn tất, tầm bao phủ của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ trải dài từ Greenland đến quần đảo Azore của Bồ Đào Nha trên Đại Tây Dương. Ngày 13.5, Mỹ sẽ làm lễ động thổ khởi công một căn cứ nữa ở Ba Lan. Lá chắn phòng thủ đầy đủ sẽ còn bao gồm các tàu chiến mang tên lửa và các dàn radar trên khắp châu Âu. Trung tâm chỉ huy được đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.
Nga tố cáo rằng các radar tầm xa của hệ thống Aegis có thể được dùng để do thám các cuộc thử tên lửa của Nga cũng như máy bay Nga, giúp cho hoạt động tình báo của Mỹ. Hơn nữa, hệ thống phòng không Aegis sử dụng các dàn phóng tên lửa thẳng đứng, cùng loại mà các tàu khu trục Mỹ sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Nga cho rằng có thể căn cứ tại Romania sẽ bị chuyển thành nơi phóng tên lửa hành trình, có thể nhắm vào các mục tiêu ở Nga, theo RT.
Bình luận (0)