Các nghị định Bộ Công thương triển khai kỳ này gồm: Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; Nghị định 115 về quy định một số điều, biện pháp thi hành luật Đấu thầu…
Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, theo Nghị định 80, trường hợp có thể cấp điện qua đường dây riêng, tiềm năng khách hàng sử dụng điện lớn (trên 200.000kWh/tháng), đủ điều kiện tham gia cơ chế DPPA tại TP.HCM là 769 khách hàng với tổng sản lượng năm 2023 là 5,5 tỉ kWh (chiếm 19,3% tổng thương phẩm).
Ngoài ra, có 2 khu công nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA, qua lưới điện quốc gia. Đó là Khu công nghiệp Đông Nam có nhu cầu với tổng sản lượng năm 2023 là 400,2 triệu kWh; Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có nhu cầu với tổng sản lượng năm 2023 là 40,5 triệu kWh.
Bên cạnh đó, đến nay, TP.HCM mới có 2 khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài quan tâm cơ chế DPPA gồm Công ty TNHH Samsung, Công ty TNHH Heineken Việt Nam.
"Tổng công ty Điện lực TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM cũng đã tổ chức họp, thảo luận và phối hợp triển khai nghị định quy định về cơ chế DPPA trên địa bàn thành phố, song song đó, các công ty điện lực đã thông báo đến các khách hàng đủ điều kiện tham gia... Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Tổng công ty Điện lực TP.HCM chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ phía khách hàng đăng ký tham gia cơ chế DPPA", ông Bùi Trung Kiên thông tin.
Liên quan Nghị định 135 về điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ, EVNHCMC cũng cho biết sẵn sàng phối hợp cùng Sở Công thương để tiếp nhận đăng ký và thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà. Với việc ký hợp đồng thì sẽ tiếp tục phối hợp cùng tổ công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hoàn thành quy trình để có cơ sở áp dụng.
Ông Bùi Trung Kiên nhấn mạnh: Việc ban hành các nghị định trên là những quyết sách quan trọng, giúp tháo gỡ được nhiều nút thắt trong quản lý, vận hành điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trước yêu cầu xanh hóa ngày càng cao. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất của thành phố có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đại diện Bộ Công thương, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - nhấn mạnh, 3 Nghị định là các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá để tháo gỡ một số tồn tại của ngành điện trong thời gian vừa qua; đã được Chính phủ ban hành rất kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và năng lượng gió. Đặc biệt, các cơ chế chính sách sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của cơ chế thị trường điện cạnh tranh. Ông cũng kỳ vọng chính sách này nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho cả nước, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống điện tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng cung cầu.
Bình luận (0)