Diện mạo mới ở xã đảo Sơn Hải

20/02/2019 12:27 GMT+7

Sau 2 năm có điện lưới quốc gia, diện mạo của xã đảo Sơn Hải đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên và cuối năm 2018 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Xã đảo khó khăn

Xã Sơn Hải (H.Kiên Lương, Kiên Giang) nằm trong quần đảo Bà Lụa, cách trung tâm H.Kiên Lương khoảng 10 km về hướng tây nam, dân số 691 hộ, với 2.552 khẩu, sống rải rác tại 14/42 đảo lớn nhỏ, thuộc 2 ấp là Hòn Heo và Hòn Ngang. Mặc dù có tiềm năng khai thác và nuôi trồng thủy sản, phong cảnh đẹp phù hợp với phát triển du lịch sinh thái… nhưng do điều kiện cách trở, hạ tầng hạn chế, nhất là thiếu điện, thiếu nước ngọt đã gây nhiều trở ngại cho quá trình phát triển của xã đảo.


Có điện, bà con ở đây mừng lắm. Nhiều hộ mở mang cơ sở kinh doanh để có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định. Riêng gia đình tôi cũng mở quán kinh doanh các món hải sản phục vụ du khách đến với ấp Hòn Heo, góp phần ổn định cuộc sống

Chị Nguyễn Thị Mơ, ngụ tổ 1, ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải


Là một trong những người dân sinh sống lâu năm ở xã Sơn Hải, ông Nguyễn Văn Chiến (67 tuổi, tổ 1, ấp Hòn Heo) cho biết trước đây điều kiện phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân trên đảo rất khó khăn. Nguyên nhân là chưa có điện lưới quốc gia, mọi sinh hoạt, phát triển kinh tế hộ gia đình, vui chơi giải trí đều phụ thuộc vào máy phát điện, giá thành tiền điện cao.
“Mặt khác, hơn 10 năm trước đây, phương tiện từ xã Sơn Hải vào đất liền cũng hạn chế, ít doanh nghiệp đầu tư mở các tuyến vận tải từ đảo vào đất liền và ngược lại. Không chỉ người dân đi lại khó khăn, mà địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch đến với xã đảo”, ông Chiến nhớ lại.

Diện mạo mới

Ngày 19.1.2017, Công ty Điện lực Kiên Giang, thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Nam, chính thức đóng điện vận hành dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã Sơn Hải, với tổng vốn đầu tư gần 45 tỉ đồng. Công trình góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn tồn tại bấy lâu nay của xã Sơn Hải. Có điện, nhiều hộ dân mở rộng cơ sở đóng, sửa chữa tàu đánh cá, xây nhà máy nước đá, hậu cần nghề cá, mở các cơ sở lưu trú, các dịch vụ ăn uống, phục vụ du khách…
Chị Nguyễn Thị Mơ (ngụ tổ 1, ấp Hòn Heo) bộc bạch: “Có điện, bà con ở đây mừng lắm. Nhiều hộ mở mang cơ sở kinh doanh để có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định. Riêng gia đình tôi cũng mở quán kinh doanh các món hải sản phục vụ du khách đến với ấp Hòn Heo, góp phần ổn định cuộc sống”.
Ông Nguyễn Văn Chiến vui mừng nói: “Trước đây giá điện 6.000 đồng/kw, nay còn khoảng 3.000 đồng/kw. Điện không chỉ giá rẻ mà dòng điện còn ổn định, giúp bà con chủ động mọi công việc, nhất là kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách ra xã đảo”.
Ông Chiến cho biết thêm, giao thông đi lại từ đất liền ra đảo giờ rất thuận tiện, góp phần thu hút du khách và việc đi lại, giao thương của người dân xã đảo. Hiện có ít nhất 6 chuyến/ngày (đi và về) từ xã Sơn Hải vào đất liền, với thời gian chạy chỉ mất khoảng 30 phút. Cuối năm 2018, xã Sơn Hải được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục củng cố kiện toàn ban chỉ đạo, tiếp tục nâng cao và giữ vững chất lượng các tiêu chí đạt được. Song song với đó là thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ xã xác định là phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái; làm tốt công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập”, bà Nguyễn Thị Thùy Trang khẳng định.
Đời sống nhân dân xã đảo Sơn Hải giờ đây đã có nhiều thay đổi, tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Minh chứng nổi bật nhất là thu nhập bình quân đầu người của người dân gần 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,61%. Nhiều hộ xây dựng nhà kiên cố, khang trang, mở các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, sản xuất với quyết tâm “bám đảo làm giàu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.