Điện mặt trời chờ giá mới

03/08/2019 06:58 GMT+7

Theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện của các dự án điện mặt trời được ngành điện mua lại theo giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh từ 1.6.2017 - 30.6.2019.

Mức giá ưu đãi này đã hết hạn hơn 1 tháng, nhưng bảng giá mua điện mặt trời mới vẫn chưa có.

Chần chừ không dám đầu tư

Ông Nguyễn Văn Khuynh, đầu tư nuôi tôm tại Sóc Trăng, cho biết ông và một số người bạn đang dự tính đầu tư khoảng 3 tỉ đồng làm điện mặt trời (ĐMT) để cung cấp cho các hồ tôm, và bán lượng điện dư cho ngành điện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, giá ĐMT trong tương lai sẽ thấp hơn mức 9,35 cent/kWh đã áp dụng nên ông Khuynh phân vân không biết có nên đầu tư hay không. “Tôi được biết giá ĐMT sắp tới phân chia theo vùng, mà giá mua ĐMT ở các tỉnh miền Tây thuộc vùng 3 thấp hơn mức hiện tại rất nhiều trong khi mức đầu tư như nhau. Hỏi bên ngành điện lực, họ bảo chưa rõ, mức giá mới vẫn đang được Bộ Công thương xây dựng. Quan trọng là biết mức giá ĐMT được mua thế nào mới tính tiếp được”, ông Khuynh băn khoăn.
TS Nguyễn Duy Khiêm  (Trường đại học Quy Nhơn), người tham gia lắp đặt nhiều dự án ĐMT lớn, cho biết rất nhiều hộ dân tại khu vực miền Trung đang e dè, chờ giá ĐMT mới nhà nước ban hành để quyết định có lắp đặt hệ thống ĐMT hay không, nếu lắp thì lắp bao nhiêu là phù hợp. Do đó, mức độ lắp đặt ĐMT áp mái đang chững lại.
Thực tế, trong Quyết định 11 cũng có chi tiết yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất cơ chế phát triển các dự án ĐMT áp dụng cho giai đoạn sau ngày 30.6.2019. Theo dự thảo quyết định thay thế Quyết định 11 do Bộ Công thương soạn thảo vào ngày 12.4 vừa qua, biểu giá ĐMT ban hành kèm theo dự thảo được chia ra 4 vùng. Cụ thể, giá mua điện với những dự án ĐMT áp mái vùng 1 gồm 28 tỉnh tập trung phía bắc và bắc Trung bộ cao nhất lên đến 10,87 cent/kWh, vùng 2 có 6 tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với mức giá 9,36 cent/kWh, vùng 3 có 23 tỉnh tập trung khu vực miền Tây và miền Đông Nam bộ giá 8,38 cent/kWh và vùng 4 gồm 6 tỉnh khu vực phía nam Trung bộ giá mua thấp nhất với 7,89 cent/kWh.

Chỉ ưu đãi điện mặt trời áp mái?

 
TS Trần Văn Bình (Việt kiều Đức), thành viên Ban Chấp hành Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, cho rằng cách phân chia biểu giá mua ĐMT theo 4 vùng còn nặng cảm tính, chưa thực sự theo mức bức xạ mặt trời. Chẳng hạn, khu vực từ Thanh Hóa trở ra các tỉnh phía bắc, đầu tư làm ĐMT nếu được mua với giá 10,87 cent/kWh vẫn lỗ bởi mức bức xạ vùng này rất thấp. Có khuyến khích ưu đãi cũng không ai làm.
“Theo tôi, cách chia giá mua ĐMT theo vùng xuất phát từ việc quy hoạch quá tải như trường hợp tại Bình Thuận và Ninh Thuận, ép giá xuống để giảm đầu tư. Đây là cách làm không công bằng với nhà đầu tư. Tập đoàn điện lực VN (EVN) phải có nhiệm vụ là tiếp nhận và mua toàn bộ lượng điện của nhà đầu tư đúng theo chính sách ưu đãi của Chính phủ”, ông Bình nhấn mạnh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, thừa nhận việc chưa có quyết định giá ĐMT áp dụng sau ngày 30.6 khiến EVN rất lúng túng, không đủ cơ sở pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện với người dân và doanh nghiệp muốn đầu tư hệ thống ĐMT. Trong 1 tháng qua, đối với các hồ sơ đăng ký, EVN phải báo cáo xin hướng dẫn của Bộ Công thương nhưng vẫn phải chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
TS Nguyễn Duy Khiêm cho rằng, các dự án ĐMT đang quá tải, tập trung tại một vài khu vực, có phát điện cũng không thể truyền tải được nên cần cân nhắc hạ giá mua xuống để tạm ngưng làn sóng bùng nổ. Còn ĐMT áp mái được người dân lắp đặt trực tiếp trên mái nhà, trải khắp cả nước, chỉ cần nối lưới, không cần truyền tải điện nên cần tiếp tục khuyến khích với cơ chế giá ưu đãi.
“Nếu nhà nước chưa kịp xây dựng quy hoạch ĐMT thì nên nhanh chóng ban hành giá ĐMT áp mái trước để khuyến khích các hộ dân tham gia. Còn các dự án ĐMT lớn cần dựa vào quy hoạch tổng thể nên thời hạn giá cũng cần linh động theo hướng thăm dò thị trường. Vì thế, giá ưu đãi không thể duy trì quá lâu vì EVN cũng là doanh nghiệp, họ không thể kéo dài việc bù lỗ khi mua giá điện cao, bán ra giá thấp như vậy”, TS Khiêm nói.

Cần xây dựng Quy hoạch điện VIII

Theo TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng mặt trời), cần cân nhắc kỹ việc duy trì mức giá ưu đãi đối với các dự án ĐMT nổi, ĐMT mặt đất quy mô lớn. Các dự án này chủ yếu nằm ở vùng ven biển, xa các trung tâm công nghiệp, phải nối lưới truyền tải.
Trong khi đó, hệ thống truyền tải điện theo Quy hoạch điện VII hiện nay đã quá tải, muốn làm lại, bổ sung mất rất nhiều thời gian vì liên quan đến cả quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, lại đi qua nhiều địa phương.
“Muốn phát triển ĐMT, cần xây dựng Quy hoạch điện VIII, xác định tỷ lệ ĐMT phát triển đến mức nào, ở đâu, sau đó mới tính đến phương án giá phù hợp. Nhà đầu tư cũng cần xác định mức giá ưu đãi nhằm khuyến khích ĐMT chỉ có thể duy trì trong thời gian ngắn hạn.
Nhà nước chắc chắn không thể bù lỗ quá lâu và về lâu về dài, giá sẽ do thị trường quyết định”, TS Lâm nói.
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.