Điện mặt trời mái nhà bán lên lưới giá 671 đồng/kWh?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/07/2024 20:08 GMT+7

Thay vì 0 đồng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu dùng thừa có thể bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá 671 đồng/kWh và không quá 10% tổng công suất.

Tại dự thảo nghị định cơ chế chính sách với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 11.7, Bộ Công thương đã chọn mức giá mua điện mặt trời dư có phát vào lưới quốc gia là 671 đồng/kWh cho năm 2024.

Mức giá này cũng được cho là không cố định và sẽ được Bộ Công thương điều chỉnh theo năm, sau khi có đề xuất của EVN, nhằm đảm bảo khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia và lượng điện mặt trời dư không dùng hết bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.

Cách xác định giá mua điện mặt trời mái nhà còn dư được Bộ Công thương đưa ra 3 phương án.

Cụ thể, phương án 1 là áp dụng bằng bình quân giá điện năng theo chi phí tránh được do Bộ Công thương ban hành. Phương án này được cho là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với hiện trạng của hệ thống đo đếm hiện nay mà không cần tốn chi phí nâng cấp đảm bảo thanh toán theo thị trường điện; đặc biệt là các hộ nhỏ; đúng với bản chất của việc bán điện dư, không cam kết công suất…

Điện mặt trời mái nhà bán lên lưới giá 671 đồng/kWh?- Ảnh 1.

Giá mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới được Bộ Công thương đề xuất là 671 đồng/kWh

H.H

Phương án 2 là lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không bao gồm giá CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh do EVN đã đầu tư lưới phân phối để cấp điện cho khách hàng, nên phải thu hồi để bù đắp một phần chi phí phân phối không thu được trong quá trình khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mà không mua điện của EVN. Phương án này có thể áp dụng cho cả bán điện dư trong cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) không sử dụng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện lại rất phức tạp, khối lượng tính toán tăng lên nhiều vì phải tính từng chu kỳ giao dịch theo thị trường điện và phải tốn nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống đo đếm theo thị trường, đặc biệt là những hộ tiêu thụ điện nhỏ (chi phí trang bị hệ thống đo đếm gấp 8 - 10 lần hiện nay).

Trong thực tế, cả hai phương án trên đều phức tạp, Bộ cho rằng để đơn giản trong thực hiện, đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 - 700 đồng/kWh. Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hằng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia. Giá đề xuất mua cho năm nay là 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).

Trước đó, ngày 10.7, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. 

Để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu và hoàn thiện dự thảo nghị định trước ngày 11.7 để xem xét, ký ban hành trước ngày 12.7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.