Điện mặt trời mái nhà 'núp bóng' trang trại, chuyển Bộ Công an xác minh

25/12/2023 15:50 GMT+7

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để xem xét, xử lý liên quan đến vấn đề quản lý điện mặt trời mái nhà.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Một trong những nội dung được đề cập là công tác quản lý điện mặt trời mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà 'núp bóng' trang trại, chuyển Bộ Công an xác minh- Ảnh 1.

Đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành lên tới 7.864 MW (ảnh minh họa)

T.N

Điện mặt trời mái nhà "núp bóng" trang trại

Kết quả thanh tra cho thấy, trong thời gian từ tháng 4.2020 đến hết tháng 12.2020, cũng là thời điểm sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 13/2020 và Bộ Công thương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nguồn điện mặt trời mái nhà đã được đầu tư nhanh. Đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành lên tới 7.864 MW.

Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình quản lý nguồn điện này, Bộ Công thương đã ban hành và tham mưu ban hành một số văn bản có sơ hở, bất cập.

Điển hình, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 16/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, trong đó khoản 2 điều 11 không đúng với quy định tại khoản 3 điều 4 Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng.

Bộ Công thương cũng tham mưu ban hành khoản 5 điều 3 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, theo đó không xác định, quy định cụ thể về "mái nhà" sử dụng để lắp đặt các tấm quang điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Do đó, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc xác định đối tượng hệ thống điện mặt trời mái nhà được áp dụng giá FIT 8,38 UScent/kWli.

Đặc biệt, cơ quan này ban hành văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng dự án nhưng không được gộp các hợp đồng mua bán hệ thống điện mặt trời mái nhà thành một hợp đồng.

Điều này không có tác dụng trong quản lý mà còn dẫn tới nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu tư các hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất..., nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư như hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Từ những cơ sở đã nêu, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin, kèm theo tài liệu đến Bộ Công an để xem xét đối với Bộ Công thương trong việc ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất lớn (xấp xỉ 1 MW) trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà (giá FIT 8,38 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm).

Phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Vẫn theo thông báo kết luận, việc đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí đã không hoàn thành theo quy hoạch (chỉ đạt 82%); nguồn điện mặt trời đã đầu tư, vận hành đến cuối năm 2020 lên tới 16.506 MW, trong đó công suất nguồn điện mặt trời nối lưới là 8.642 MW, cao gấp 10,2 lần so với quy hoạch được phê duyệt (850 MW), phát triển nhanh, tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây nguyên là các khu vực có phụ tải thấp, dẫn đến mất cân bằng về cơ cấu nguồn điện, vùng miền.

Thanh tra Chính phủ còn xác định Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không hoàn thành việc đầu tư lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là việc đầu tư đường dây chỉ đạt tỷ lệ thấp (đường dây 500 KV đạt 58,55%, đường dây 220 KV đạt 52,97%), trạm biến áp 500 KV đạt 87,07%, trạm biến áp 220 KV đạt 92,63%, nhiều dự án chậm tiến độ.

Việc đầu tư nguồn nhiệt điện than và khí đã không hoàn thành theo quy hoạch, nhất là việc đầu tư đường dây đạt tỷ lệ thấp, nhưng tổng công suất đặt các nguồn điện đã đầu tư tăng 15,57% so với quy hoạch.

Đáng chú ý, nguồn điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đã đầu tư đến cuối năm 2020 với tổng công suất 16.506 MW từ việc bổ sung nhiều dự án; cùng với việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đã khiến công suất nguồn điện mặt trời tăng cao, với tốc độ nhanh.

Cùng với đó, nguồn điện mặt trời nối lưới đầu tư tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây nguyên dẫn đến mất cân bằng hệ thống điện giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất, không đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện, phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Chưa kể, còn có 6 dự án/phần dự án với tổng công suất 452,62 MW đã đầu tư hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại (tổng chi phí đầu tư khoảng 10.388 tỉ đồng); 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 321,4 MW các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị/ký hợp đồng EPC, hợp đồng thuê đất/giao đất (tổng số tiền đã chi khoảng 1.496 tỉ đồng), gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư phát triển điện lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.