Điện mặt trời mái nhà sẽ không còn giá cố định

Chí Hiếu
Chí Hiếu
30/08/2021 19:51 GMT+7

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, giá bán điện mặt trời mái nhà sẽ được xây dựng theo hướng không còn giá cố định và hàng năm sẽ có khung giá.

Câu chuyện giá cố định điện mặt trời mái nhà thế nào là vấn đề rất được quan tâm tại buổi toạ đàm trực tuyến "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt”, được tổ chức hôm nay, 30.8.
Cụ thể, trả lời câu hỏi “khi nào cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà có và khi nào có giá cố định (giá FIT3)”, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay cơ quan này đang xây dựng quy định mới.
“Giá bán sẽ không cố định và nếu có sẽ cho bán điện dư với giá bán theo khung giá khác. Chúng tôi đang nghiên cứu khung giá này và Bộ Công thương sẽ ban hành khung giá hàng năm và chúng ta cũng không đi theo cơ chế bù trừ trong năm”, ông Hùng nói.
Theo Quyết định số 13 năm 2020 của Thủ tướng, giá mua điện mặt trời áp mái ở mức 8,38 cent/kWh. Tuy nhiện chính sách này đã hết hạn từ 31.12.2020.

Giá bán điện mặt trời mái nhà đang là vấn đề được nhiều người dân, doanh nghiệp thấp thỏm chờ

Ảnh Trung Hà

Tránh trục lợi, khuyến khích nhà đầu tư

Về các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái trong thời gian tới, đại diện Bộ Công thương cho rằng sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời áp mái và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ. “Phần chênh lệch đó có thể bán lên lưới điện thì làm sao có cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của Tập đoàn Điện lực (EVN) hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn”, ông Hùng nói thêm.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho hay, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, năng lượng sạch là một trong những tiêu chí thực hiện "chứng chỉ xanh" theo tiêu chuẩn quốc tế, chính vì vậy doanh nghiệp trong khu công nghiệp rất quan tâm để định hướng phát triển, có kế hoạch về sử dụng năng lượng, nhằm chiếm lợi thế tối đa cho các ngành hàng xuất khẩu như thực phẩm, dệt may, da giầy, chế biến gỗ và thuỷ sản.
Tuy nhiên, theo ông Phòng, năm 2021, bên cạnh việc chờ đợi các chính sách mới, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đang gặp nhiều rào cản trong việc triển khai lắp đặt hệ thống điện áp mái trong khu công nghiệp. “Do đó, để thúc đẩy mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ, cũng như các quy định rõ ràng về thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà như: Hướng dẫn cụ thể về quy trình lập cáo cáo đánh giá tác động môi trường, tiêu chí đánh giá điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp”, ông Phòng bày tỏ.
Dẫu vậy, trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp về việc cấp phép đấu nối với dự án điện mặt trời mái nhà tới đây như thế nào, thì ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn EVN thừa nhận chưa thể nói trước bởi Chính phủ chưa có chính sách mua điện với các dự án điện mặt trời áp mái sử dụng cho các khu công nghiệp. “Đối với các khu công nghiệp đấu nối vào lưới thì sẽ có trường hợp chúng ta phát lên lưới. Với thời điểm công suất sử dụng thấp như hiện nay thì việc phát lên lưới sẽ gây nguy hiểm cho an ninh lưới điện. Còn nhà dân phát lên rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không cao. Do đó, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn”, ông Dũng thông tin.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.