Điện mặt trời 'vượt trần'

Chí Nhân
Chí Nhân
07/01/2019 06:48 GMT+7

Việc Bộ Công thương xin bổ sung thêm 17 dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện mặt trời khiến nhiều người lo ngại có quá nhiều dự án nên khó được phát điện lên hệ thống vì quá tải.

Xã hội hóa cung cấp điện

Tại VN, theo tính toán để tăng trưởng kinh tế 1% thì nguồn cung điện phải tăng trưởng 1,5 - 2%. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 bằng hoặc cao hơn 7,08% của năm 2018, tăng trưởng điện phải khoảng 15%. Giải pháp tốt nhất là tháo gỡ khó khăn cho ĐMT phát triển vì theo EVN, để một dự án ĐMT đi vào hoạt động thời gian thi công xây dựng chỉ khoảng 6 - 12 tháng, còn để xây dựng một nhà máy điện than phải mất từ 4 - 6 năm
Đến thời điểm cuối năm 2018, Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã ký 54 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư với tổng công suất gần 3.000 MW, vượt mục tiêu 850 MW trước 2020 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Kết quả này đạt được chỉ sau khoảng một năm giá và các cơ chế mua bán điện được ban hành.
Không dừng lại ở đó, các dự án mới vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển. Mới nhất là việc Bộ Công thương xin bổ sung thêm 17 dự án điện mặt trời (ĐMT) đã hoàn thành thẩm định vào quy hoạch ĐMT. Các dự án này nằm ở khu vực miền Trung, miền Nam nơi có tiềm năng phát triển. Trong bối cảnh đó, nhiều người tỏ ra lo lắng vì ĐMT phát triển vượt quy hoạch tới 9 lần, hệ thống truyền tải điện đã đầy tải, thậm chí quá tải dẫn đến nguy cơ nhiều dự án ĐMT khi hoàn thành cũng khó được phát điện lên hệ thống.
Tuy nhiên, ngay chính văn bản của Bộ Công thương trình Chính phủ về việc bổ sung 17 dự án mới khẳng định việc đấu nối của các dự án vào hệ thống lưới về cơ bản đều đáp ứng khả năng giải tỏa công suất cho các nhà máy. Tuy nhiên, để đấu nối được hiệu quả thì phải xây dựng mới các đường dây 110 kV, trạm biến áp, dây dẫn...
Đánh giá về sự “bùng nổ” ĐMT trong thời gian qua, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH-CN TP.HCM), tỏ ra hồ hởi: Toàn bộ do tư nhân bỏ vốn vào đầu tư, nhà nước không phải tốn một đồng chi phí nào là một thành công rất lớn, rất tốt trong việc xã hội hóa lĩnh vực cung cấp điện. Nó vừa bổ sung nguồn cung vừa giảm áp lực nhu cầu tiêu thụ điện. Việc phát triển ĐMT nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung hiện nay ở VN là hết sức đáng mừng và phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới. Chưa kể con số vượt quy hoạch 9 lần nghe "hoành tráng" nhưng theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tỷ lệ này rất khiêm tốn.
Cụ thể, tổng công suất các nhà máy (công suất thiết kế) từ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (gồm: thủy điện nhỏ, điện gió, ĐMT, điện sinh khối) mới chỉ đạt tỷ lệ 9,9%. Nếu trừ các thủy điện nhỏ ra thì tổng nguồn năng lượng tái tạo chỉ khoảng 7%. Nếu tính riêng ĐMT con số sẽ còn thấp hơn rất nhiều. Đó chính là lý do mà cuối năm ngoái, Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) kiến nghị: Trong Quy hoạch điện VIII sắp tới, Chính phủ cần tăng công suất năng lượng tái tạo. Cụ thể vào thời điểm năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) 27.000 MW tăng lên 32.000 MW, chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung điện. Giảm công suất điện than với tỷ lệ 42,6% xuống còn 24,4% (năm 2030).

Điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp lưới

Theo ông Huỳnh Kim Tước, việc mới phát triển đã vướng lưới là do công tác làm quy hoạch, dự báo của chúng ta chưa chính xác, không theo kịp và không nắm bắt được xu thế phát triển. Vì vậy, việc cần làm là quy hoạch lại cho phù hợp. Địa phương nào có tiềm năng, địa phương nào có nhu cầu bao nhiêu phải làm rõ; phải có giải pháp truyền tải từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ; các bộ ngành trung ương phải giúp đỡ các địa phương làm quy hoạch cũng như hướng dẫn các nhà đầu tư để việc đầu tư được hiệu quả.
TS Nguyễn Duy Khiêm, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), chuyên gia về kỹ thuật điện, nhận xét: Lo ngại lưới điện quá tải cũng có cơ sở vì hiện nay một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển rất mạnh. Nguy cơ lưới điện hấp thụ không hết sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư. Ở góc độ này, có 2 cách giải quyết. Thứ nhất, nhà nước đã không phải tốn tiền đầu tư sản xuất điện thì nên đầu tư nâng cấp lưới. Thứ hai, kinh nghiệm của nhiều nước là tạo cơ chế chia sẻ và hài hòa lợi ích của các bên. Theo đó, nhà nước mà đại diện là bên mua điện và nhà đầu tư sản xuất điện cần ngồi lại để xây dựng một cơ chế chung từ các giải pháp kỹ thuật như đấu nối thế nào cho an toàn, hiệu quả. Làm sao bảo đảm lưới điện an toàn hấp thu hết lượng điện, nhà máy vận hành hết công suất. Khi đó, nhà đầu tư sẽ bán điện dễ dàng hơn và nhà nước cũng nâng cấp lưới điện tốt hơn.
Khẳng định năng lượng tái tạo là điều tất yếu cho an ninh năng lượng, là ngành công nghiệp cần đầu tư và quy hoạch dài hạn 20 - 30 năm, tức đến năm 2035 - 2050, TS Đinh Văn Nguyên, Trung tâm năng lượng biển và tái tạo thuộc Trường ĐH Tổng hợp Cork (Cộng hòa Ireland), nhấn mạnh: Chính sách cho ngành này cần dài hạn và tổng thể dựa trên quy hoạch, khảo sát, dự báo nguồn, tải, lưới, tiêu thụ, nhân lực, chuỗi cung cấp tiêu thụ. Như vậy, năng lượng tái tạo sẽ phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.