Theo đó, công ty khẳng định không thực hiện gọi điện bán hàng trực tiếp, kêu gọi mua gói bảo hành, không có các chương trình tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, không kêu gọi khách đánh giá sản phẩm nhằm mục đích kiếm tiền, không gọi điện để tặng nhiều sản phẩm cho khách hàng chia làm nhiều lần, cũng không có những chương trình khuyến mãi gọi điện trực tiếp cho khách hàng và chào mời với ưu đãi ở mức không tưởng…
Theo Điện máy Xanh, công ty chỉ sử dụng tài khoản duy nhất mang tên Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (cụ thể số tài khoản 123456 tại Ngân hàng Phương Đông - OCB và 979979 tại Ngân hàng Quân Đội - MB) mà không sử dụng tài khoản nào khác. Các thông tin liên hệ chính thức phải xuất phát từ các số điện thoại tổng đài, các trang sở hữu chính thức của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, các trang Facebook, Zalo… phải có tích xanh. Bên cạnh đó, nếu giao dịch với cá nhân nhân viên, khách hàng cần chắc chắn người này chính là người mình đang giao dịch tại cửa hàng của Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh.
Công ty cũng nêu phương pháp để phân biệt nhân viên đúng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh với nhân viên giả/lừa đảo, đó là khách hàng có thể yêu cầu được kiểm tra nhân thân (cung cấp số điện thoại, CCCD…) hoặc gọi điện video call để xác minh nhân viên đang trực tiếp làm việc tại cửa hàng, gọi điện cho gặp quản lý để xác minh nhân viên… Vì nhân viên đúng sẽ luôn mong muốn bán được hàng và phục vụ khách hàng, họ sẽ luôn sẵn sàng, vui vẻ để khách hàng xác minh nhân thân và sẽ tìm mọi cách để khách hàng có thể xác minh một cách chắc chắn, trong khi nhân viên lừa đảo sẽ từ chối trả lời hoặc trả lời vòng vo khi được đề nghị xác minh nhân thân.
Ngoài ra, Điện máy Xanh luôn đưa ra các chương trình đơn giản, dễ thực hiện cho khách hàng, vì thế, nếu một đối tượng kêu gọi khách hàng phải thực hiện nhiều bước, thực hiện nhiều ngày, nhiều lần… thì rất có thể đó là đối tượng lừa đảo.
Điện máy Xanh khuyến cáo khách hàng luôn cảnh giác trước những lời mời mọc mang lại lợi ích lớn mà không phải tốn công, tốn sức và đặc biệt là các yêu cầu chuyển tiền cho một cá nhân/tổ chức nào.
Ngoài việc giả mạo công văn, con dấu, đánh cắp thông tin cá nhân và hình ảnh của nhân viên Điện máy Xanh để tạo niềm tin, các đối tượng lừa đảo còn tinh vi hơn khi sử dụng thông tin có "dấu hiệu" liên quan đến Điện máy Xanh, chẳng hạn như dùng tên chuyển khoản có bao gồm chữ Điện máy Xanh hay DMX…
Trước thực trạng mạo danh tràn lan, Điện máy Xanh cũng đã báo cáo tình hình đến cơ quan chức năng và khẳng định không liên quan đến các tổ chức lừa đảo xuất hiện trong thời gian gần đây. Vì vậy người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác để tránh bị thiệt hại kinh tế.
Bình luận (0)