Điện thoại phát nổ, học sinh tử vong: Làm sao để học trực tuyến không thấp thỏm?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/10/2021 17:01 GMT+7

Điện thoại đang sạc phát nổ khiến một học sinh lớp 5 tử vong khi đang học trực tuyến, vụ việc khiến nhiều học sinh, phụ huynh bàng hoàng. Học trực tuyến vẫn còn kéo dài, làm sao để hạn chế những câu chuyện đau lòng này?

Các chuyên gia khuyên học sinh khi học trực tuyến, tuyệt đối không sử dụng điện thoại đang sạc pin, dễ khiến điện thoại phát nổ

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Sáng 15.10, đọc tin tức về vụ học sinh lớp 5 ở Nghệ An tử vong trong giờ học trực tuyến do điện thoại phát nổ, lửa bén vào quần áo khiến em bị bỏng nặng, anh Nguyễn Thanh Tùng, trú trên đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM thảng thốt. Anh có con học lớp 12 và lớp 9, đều là cuối cấp, chương trình học rất nặng. Thời gian các con phải ngồi trước điện thoại, máy tính để học trực tuyến kéo dài, do đó, anh càng lo lắng hơn.

Tuyệt đối không vừa sạc pin vừa dùng

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phiên, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM cho biết trong thực tế đã có rất nhiều vụ điện thoại phát nổ do vừa sử dụng, vừa cắm sạc pin. Nhiều sạc pin không phải hàng chính hãng, không đảm bảo chất lượng, do đó gây ra điện áp bất thường và phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phiên cho hay, điều kiện lý tưởng để học trực tuyến là cho các con sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính chất lượng cao, nhà sản xuất uy tín, có những cảnh báo trong quá trình sử dụng như cảnh báo điện thoại đang nóng, cần tắt nguồn, tạm dừng sử dụng. Song, trong tình hình thực tế phải học trực tuyến lâu dài, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị cho con máy tính để bàn, laptop hay ipad, điện thoại chất lượng cao, nhà sản xuất uy tín để sử dụng.

“Để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa những rủi ro có thể gây ra cho các em học sinh trong quá trình học trực tuyến, cha mẹ, thầy cô nên cảnh báo, nhắc nhở con em mình tuyệt đối không vừa cắm sạc pin vừa sử dụng, dù sử dụng trong bất kỳ tình huống học trực tuyến hoặc xem phim, chơi game...”, anh Phiên nói.

Trong thực tế có nhiều vụ điện thoại phát nổ khi đang sử dụng

ctv

Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết với thời gian học trực tuyến kéo dài, nếu học sinh không có wifi, phải sử dụng 3G/4G thì điện thoại rất nhanh hết pin.

Nếu học trực tuyến trên các nền tảng như Zoom, Google Meet, dùng 3G/4G thì có thể điện thoại hết pin sau khoảng 1,5 tiếng đến 2 tiếng sử dụng. Điều kiện lý tưởng nhất để học trực tuyến là sử dụng máy vi tính (laptop, máy tính bàn). Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị các thiết bị này cho các con.

Điều kiện tốt nhất là học trực tuyến trên máy vi tính, song trong thực tế không phải học sinh nào cũng có khả năng như vậy

độc lập

Một giải pháp thạc sĩ Phiên đưa ra là học sinh có thể học trực tuyến từ ti vi thông minh (smart TV), hiện đã phổ biến ở nhiều gia đình. Hoặc, với chiếc tivi thông thường, cha mẹ có thể mua thêm một số phụ kiện để biến thành tivi thông minh như Android Box, webcam, để trẻ em có thể học trực tuyến an toàn hơn.

“Các phụ kiện này hoàn toàn không đắt đỏ, bán đại trà tại các xã, phường, thị trấn, phù hợp với túi tiền của các gia đình, để giúp các con học trực tuyến an toàn, tránh các vụ việc như điện thoại phát nổ, cha mẹ cũng yên tâm hơn”, thạc sĩ Phiên nói.

Tắt các phần mềm không cần thiết để tránh tốn pin

Những vụ việc điện thoại vừa sạc pin vừa sử dụng đã phát nổ, gây thương tích, dập nát bàn tay, phỏng khuôn mặt, thậm chí tử vong cho người sử dụng không phải hiếm xảy ra, từ trước tới nay.

Song, trong thực tế, nhiều học sinh cho biết, không phải bạn nào cũng có laptop hay máy tính bàn để học trực tuyến tại nhà. Kể với phóng viên, nữ sinh T.B, lớp 12, Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho hay xung quanh em có rất nhiều bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn may mắn lắm có một chiếc điện thoại thông minh cũ của ba mẹ, người thân cho để học trực tuyến.

Mùa dịch, phải học trực tuyến kéo dài, thời gian học tập một ngày nhiều tiếng đồng hồ, rất nhiều học sinh đã không còn cách nào khác phải vừa phải cắm sạc pin những chiếc điện thoại cũ này, vừa sử dụng mà chưa lường trước hậu quả khôn lường do điện thoại có thể phát nổ xảy ra.

Thạc sĩ Lê Văn Nam giảng bài trực tuyến cho các học sinh

nvcc

Trước vấn đề này, thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên Hóa học, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM khuyên các em học sinh nên sạc pin đầy đủ trước khi vào buổi học, thường xuyên kiểm tra thiết bị sử dụng có nóng không. Sau mỗi tiết học sẽ có khoảng 5 phút để chuyển tiết, nên tắt máy để máy bớt nóng.

“Các học sinh nên chú ý tắt các phần mềm không cần thiết để tránh tốn pin. Tuyệt đối không vừa sạc pin vừa sử dụng. Các em có thể xin giáo viên xem lại bài giảng vào thời điểm khác, thạc sĩ Nam nói.

Phòng tránh tai nạn thương tích trong khi học trực tuyến, tránh điện thoại phát nổ, theo thạc sĩ Lê Văn Nam, học sinh nên để thiết bị xa cơ thể một chút, khoảng 50 cm để hạn chế rủi ro nếu có. Đồng thời, phụ huynh, giáo viên dạy các trò về sự nguy hiểm của điện. Lưu ý, nên để điện thoại sáng mức độ vừa, sử dụng đèn gia đình chiếu sáng, không nên ở phòng tối mà để độ sáng màn hình tối đa. “Các em cũng chú ý thường xuyên sử dụng thuốc nhỏ mắt. thời gian chuyển tiếp nên điều phối mắt nhìn ra phía khác, không nhìn màn hình liên tục và kéo dài. Nếu có điều kiện thì mua tấm kính phóng to để phóng to màn hình điện thoại, tránh bị cận thị”, thạc sĩ Nam khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.