Diễn viên Kiều Chinh: Từ hót phân gà, trở thành diễn viên Hollywood

24/01/2017 15:55 GMT+7

Diễn viên Kiều Chinh nay đã bước sang tuổi 80, gương mặt bà vẫn giữ những nét đẹp thanh tú của thời trẻ. Đôi mắt sâu, đượm buồn, nhưng cương nghị.

“Tôi chỉ sống ở Hà Nội 16 năm, và đã sống ở Mỹ tới 42 năm. Nhưng tôi không hiểu vì sao với tôi, Hà Nội luôn là điểm chính trong cuộc đời mình”, bà tâm sự trong lần trở về Hà Nội, nhân chuyến tham dự lễ khánh thành ngôi trường được xây dựng tại Quảng Nam mà bà và những người bạn đã góp sức.

Sự nghiệp tại Hollywood

Diễn viên Kiều Chinh là người đẹp màn bạc của điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975. Vai diễn đầu tiên trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ của đạo diễn Lê Dân sản xuất năm 1957 đã đưa tên tuổi Kiều Chinh đến với đông đảo công chúng. Trong thập niên 60, 70, nhiều nhà sản xuất phim của các nước trong khu vực như Singapore, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan… đã mời Kiều Chinh tham gia vào nhiều bộ phim.

Năm 1975, bà đến Canada. Những ngày đầu tiên khi đặt chân đến miền đất mới, cuộc sống của bà vô cùng khó khăn. “Tôi chỉ được cấp 75 đô la và một cái áo, trong khi trời lúc đó rất lạnh. Tôi nghĩ ngay đến việc phải kiếm việc làm để có tiền sống”, nữ diễn viên nhớ lại. Thậm chí, bà chấp nhận làm cả việc hót phân gà. Làm việc ở trang trại 3 ngày, nghĩ mình không thể sống suốt đời như vậy được, bà gom góp dành dụm những đồng tiền lương ít ỏi được trả để gọi điện cho những người bạn - những diễn viên Mỹ mà bà đã từng làm việc, gặp gỡ - để nhờ giúp đỡ. Nhưng bà đã không gặp được ai sau 2 cuộc gọi, chỉ tới cuộc gọi thứ 3 mới có lời đáp, đó là nữ tài tử Tippi Hedren (diễn viên nổi tiếng với bộ phim The Birds của đạo diễn Alfred Hitchcock) - người mà lúc đầu bà không nghĩ rằng sẽ nhớ ra bà là ai.

Ngay sau cuộc trò chuyện với Kiều Chinh, bà Tippi Hedren đã đánh bức điện tín mời Kiều Chinh tham dự buổi ra mắt phim Jaws (Hàm Cá Mập) tại Mỹ. “Trong khoảng thời gian đó, tôi không nghĩ mình là tài tử hay là người nổi tiếng. Đến khi nhận được bức điện tín đề gửi diễn viên Kiều Chinh từ Tippi Hirden, tôi đã thật sự cảm động”, Kiều Chinh nhớ lại.

Kieu-Chinh
Diễn viên Kiều Chinh và nam tài tử Alan Alda trong phim MASH Ảnh Tư liệu
Trong bữa tiệc ra mắt phim Hàm cá mập tại Hollywood, gương mặt Á Đông của Kiều Chinh đã gây chú ý cho Burt Metcalfe - nhà sản xuất loạt phim MASH rất ăn khách tại Mỹ vào những thập niên 80.  Ông đã mời Kiều Chinh tham gia đóng vai người yêu của nhân vật nam chính do tài tử Alan Alda thủ vai. Bà đã bắt đầu sự nghiệp diễn xuất tại Hollywood với vai diễn trong MASH khi đã ở tuổi 38.

Năm 1996, bà tham gia đóng vai chính trong bộ phim The Joy Luck Club (Phúc lạc hội) của đạo diễn Wayne Wang, bộ phim này sau đó đã được nhận được đề cử giải thưởng BAFTA.  Bà cũng nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời do Liên hoan Phim châu Á San Diego (Mỹ) trao tặng vào năm 2006. Bà là nhân vật chính của bộ phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của dạo diễn Patrick Perez được nhận giải thưởng Emmy năm 1996.

tin liên quan

'Đoạt hồn': Nhiều hơn nỗi sợ
(TNO) Khi Âm mưu giày gót nhọn ra mắt, Hàm Trần lập tức lọt vào danh sách những đạo diễn kỳ vọng của điện ảnh hiện đại Việt Nam, vì sự chỉn chu và chuyên nghiệp. Bấy nhiêu thôi đủ làm bệ đỡ cho Đoạt hồn.

Trở về quê nhà

Năm 1995, nữ tài tử trở về Việt Nam để trao tặng ngôi trường được xây dựng tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, nơi trước đây là vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Đó là ngôi trường đầu tiên do Quỹ Trẻ em Việt Nam (The Vietnam Childrend Fund) tài trợ xây dựng.

Quỹ được thành lập vào năm 1993 do Kiều Chinh và nhà báo Terry Anderson đồng sáng lập. Khi đó Kiều Chinh là người Việt Nam duy nhất hoạt động trong quỹ, các thành viên còn lại đều là cựu chiến binh Mỹ. “Mục đích của chúng tôi là xây dựng trường học để tặng cho các trẻ em ở những nơi đã từng bị chiến tranh tàn phá”, nghệ sĩ chia sẻ.

Kieu-Chinh
Diễn viên Kiều Chinh ở tuổi 80 Ảnh Ngọc Thắng
Sau hơn 20 năm, đến nay 50 ngôi trường đã được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Đây là lần thứ 5 bà trở về nước. “Mỗi lần trở về là mỗi lần tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Đồng bào ta ở Quảng Nam đã đi qua chiến tranh, hiểu thể nào là vết thương sâu đậm mà chiến tranh để lại. Bây giờ, mọi người đã xây dựng lại cuộc sống trong ngôi làng thật bình yên. Tôi rất vui khi nhìn thấy bọn trẻ và cha mẹ tới dự buổi khánh thành ngôi trường. Và vùng đất ấy đã có thêm một ngôi trường cho bọn trẻ đến học”.

Hỏi bà vì sao đã ở tuổi cần được nghỉ ngơi mà bà vẫn còn miệt mài với công việc như thế, bà cười đôn hậu: “Tôi tưởng rằng ở tuổi này đã về hưu từ lâu rồi. Nhưng tôi không hiểu sao càng ngày càng lại bận thêm. Thì giờ có bấy nhiêu thôi, mà công việc cứ luôn đẩy mình ở thế vội vàng. Tôi còn khỏe mạnh được ngày nào, làm được việc có ích thì sẽ làm cho đến khi chân không còn bước được nữa thì ngưng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.