Vai trò chính quyền chưa được phát huy
Cụ thể, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 8.2018, toàn TP.Hà Nội có 120 nhà siêu mỏng, siêu méo, tập trung nhiều ở các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… Nhưng, tính đến tháng 8.2019, toàn TP.Hà Nội có đến 168 nhà siêu mỏng, siêu méo.
Mới đây, khi các tuyến đường trong nội đô được mở như Trường Chinh - Minh Khai (thuộc 2 quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng); Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân); Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (Q.Đống Đa)… thì nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo tiếp tục xây dựng trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Theo một số chuyên gia, nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội là vấn đề được quan tâm từ khoảng gần 30 năm trở lại đây rồi nhanh chóng trở thành bài toán khó giải, nhất là khi giá đất đô thị tăng mạnh.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (40 tuổi, ở Q.Đống Đa, Hà Nội), là người dân ở ven đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, cũng là giám đốc 1 doanh nghiệp xây dựng, cho rằng để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo là do phối hợp chưa kịp thời, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ khâu lập dự án mở rộng tuyến đường không có phương án xử lý các ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình. Trong khi giá trị ô đất thời điểm trước và sau khi mở đường là chênh lệch quá lớn, dẫn đến khó thỏa thuận hợp thửa hợp khối giữa hộ lớp trong và lớp ngoài.
Theo anh Mạnh, lúc này, vai trò của các cấp chính quyền địa phương nếu không phát huy được sẽ rất khó để thỏa thuận hợp thửa, hợp khối của người dân thành công. Nguyên nhân, hộ dân phía ngoài cố tình xây bịt tường đặc hoặc lớp nhà mỏng để ngăn bịt với mục đích tiếp tục tận dụng lợi thế kinh doanh và để "làm giá" với hộ dân lớp trong.
Còn hộ dân lớp trong ung dung kệ chính quyền can thiệp, giải quyết xác định giá cả ô đất của hộ lớp ngoài với niềm tin chắc chắn ô đất sẽ thuộc về họ để xây dựng hợp khối với công trình hiện có của mình mà không tốn công sức thoả thuận. Vì khó thống nhất cộng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở một số nơi nên các công trình siêu mỏng, siêu méo vẫn xuất hiện.
Có cơ chế nhưng Hà Nội không dùng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo ngay từ khâu lập dự án mở đường cần mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch; áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ; phát triển dự án bất động sản hai bên đường mới mở, tái phát triển nhà cửa; tổ chức tốt các khâu lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng…
Ông Hiệp cho biết, cơ chế pháp luật cũng đã có quy định tại Điều 9, luật Thủ đô 2013 đã nêu khi thực hiện dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch, cơ quan thẩm quyền của thành phố đồng thời tổ chức thu hồi đất 2 bên đường để sử dụng theo quy hoạch. Phạm vi thu hồi đến đâu thì trong luật này cũng đã giao quyền cho HĐND thành phố phê duyệt nghị quyết chủ trương đầu tư từng tuyến đường để UBND thành phố ra quyết định thực hiện. Đây là cơ chế đặc thù, tạo điều kiện rất thuận lợi cho Hà Nội, nhưng đáng tiếc chưa được phát huy.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng việc sau giải phóng mặt bằng tại một số tuyến đường xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ dị là lỗi của cấp quản lý kiến trúc đô thị, trật tự xây dựng do từ khi lên phương án thu hồi đất đã có thể xác định được những phần nhỏ, hẹp.
Để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo, thay vì lấy đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để làm những công trình công cộng như vườn hoa, bảng tin… Thậm chí, cần xem xét thu hồi thêm 10 - 15 m phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng những ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao theo đúng quy hoạch rồi tiến hành bán đấu giá.
Cũng theo ông Võ, tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị.
Theo đó, những người mất hoàn toàn đất được bố trí tái định cư tại chỗ. Người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng. Như vậy, diện tích đất vẫn thu xếp đủ cho những người mất đất nhiều, mất ít. Một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền góp phần xây dựng tuyến đường.
Với phương thức này, lợi ích từ hạ tầng mới được chia sẻ hợp lý giữa nhà nước và người đang sử dụng đất. Nhà nước không mất ngân sách để giải phóng mặt bằng, người đang sử dụng đất dễ đồng thuận, bảo đảm công bằng xã hội và đường phố được quy hoạch lại khang trang hơn.
Bình luận (0)