Điều chỉnh để 'tàu 67' vươn khơi

07/04/2022 05:25 GMT+7

Vì sao “tàu 67” với nhiều ưu đãi nhưng “mắc cạn”? Mang thắc mắc này hỏi cơ quan chức năng tại địa phương (và đã được Thanh Niên phản ánh trong loạt bài Gỡ khó cho tàu 67 ), chúng tôi “ngộ” ra nhiều điều.

Nhiều năm theo dõi, chúng tôi đã từng chứng kiến tại một cuộc họp về “tàu 67” tại TP.Đà Nẵng, một đơn vị có ý chê TP chậm phát triển đội “tàu 67”, vì kỳ vọng Đà Nẵng phải có đến 47 tàu trong khi TP chỉ phát triển 7 tàu. Một lãnh đạo ngành ngân hàng (NH) chia sẻ, khi đó gần như yêu cầu NH thương mại phải cho vay nhưng NH đã thấy rủi ro cao nên làm rất chặt chẽ.

Tàu 67 của ngư dân Trần Minh Tuấn với mức đầu tư khoảng 30 tỉ đồng vẫn “mắc cạn”

N.T

Một lãnh đạo TP cũng đồng quan điểm về việc TP.Đà Nẵng giai đoạn đó đã làm rất chắc chắn và khác biệt với các tỉnh thành khác với mục tiêu hạn chế rủi ro khi cho vay. Đó là đưa NH có ý định cho vay vào cùng thẩm định ngay từ đầu.

Cần phải khẳng định chủ trương “tàu 67” là đúng đắn; việc cho vay không sai đối tượng; quy trình thủ tục xét duyệt tại Đà Nẵng đã chặt chẽ hết mức có thể, nhưng ngư dân vẫn không thể trả được nợ…

Tại TP.Đà Nẵng, cũng trong năm 2014, ngoài Nghị định 67 của Chính phủ, TP cũng đã có Quyết định 47 khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn. Theo đó, “tàu 47” từ 400 - 600 CV được hỗ trợ 500 triệu đồng; từ 600 - 800 CV được hỗ trợ 600 triệu đồng và trên 800 CV được hỗ trợ 800 triệu đồng...

Cùng thời điểm với “tàu 67”, nhưng “tàu 47” đến nay phát triển hơn 140 tàu công suất lớn và vẫn đang hoạt động ổn định, đều đặn; còn “tàu 67” chỉ 7 chiếc nhưng 100% nằm bờ.

Từ đó cho thấy cần điều chỉnh phương thức tiếp cận vốn và tính khả thi của bài toán trả nợ cho “tàu 67”, có vậy ngư dân mới thực sự làm chủ con tàu, NH cũng không phải mắc kẹt với nợ khó đòi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.