Gỡ khó cho 'tàu 67': Nhiều chính sách sẽ sớm được sửa đổi

05/04/2022 05:30 GMT+7

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các 'tàu 67', ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản , Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết Bộ NN-PTNT đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 trước đây.

Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN-PTNT báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho số tàu cá làm ăn không hiệu quả, bổ sung chính sách hỗ trợ mới để phát huy hiệu quả của đội “tàu 67”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), liên quan thực trạng “tàu 67” mà Thanh Niên phản ánh trong những ngày qua.

Ông Trung cho biết Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 7.7.2014, đặt mục tiêu vừa khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, song song với việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

So với các chính sách trước đây, Nghị định 67/2014 có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện để phát triển ngành thủy sản, và đặc biệt hỗ trợ đóng tàu cá mới công suất lớn, trong đó có ưu tiên tàu vỏ thép. Sau 7 năm thực hiện, Nghị định 67/2014 đã chứng minh đây là chủ trương đúng, với cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ đã đi vào cuộc sống, được ngư dân ủng hộ và đến nay cơ bản đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu cá.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, giai đoạn thực hiện Nghị định 67 từ 2014 - 2017 các ngân hàng cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp). Sau khi đưa vào khai thác đến nay có 41 tàu bị hư hỏng, trong đó 20 tàu hư hỏng nặng, có tranh chấp giữa chủ tàu và nhà máy kéo dài đến năm 2017 mới giải quyết xong. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 278 tàu cá vỏ thép chủ tàu không thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo quy trình dẫn đến nhiều tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ và hoạt động của tàu.

Cuối năm 2019 tổng kết Nghị định 67/2014, qua đánh giá nguyên nhân thì thấy việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, đóng mới một số trường hợp chưa đúng, chủ tàu không am hiểu về nghề, không có nghề; một số chủ tàu không đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác tàu mới có quy mô lớn, hiện đại.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trên biển những năm gần đây còn nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc ngày càng thực hiện yêu sách phi lý về chủ quyền, tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân trên các vùng biển tranh chấp, tôn tạo, kiểm soát các vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Các ngư trường khai thác của ngư dân bị thu hẹp đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của đội “tàu 67”…

Sẽ cho phép chuyển đổi chủ tàu

Cũng theo ông Trung, qua rà soát triển khai Nghị định 67/2014 thực hiện ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, chính sách đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho thuyền viên đi biển trên tàu vỏ thép, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm cho tàu từ 400 CV trở lên còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với yêu cầu thực tế. Ngư dân vay vốn lưu động mức lãi suất 6,5% là cao, trong khi cơ chế cho vay thủ tục phê duyệt qua nhiều cấp, từ cấp xã lên cấp tỉnh là không thuận lợi cho ngư dân. Chính sách hỗ trợ nhiên liệu đi, về cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển có rất ít địa phương triển khai. Đặc biệt về duy tu, bảo dưỡng cho tàu vỏ thép, đến nay chỉ có 5/28 tỉnh, thành triển khai chính sách này để hỗ trợ cho ngư dân…

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các “tàu 67” hiện nay nhằm hạn chế tổn thất, rủi ro cho ngư dân và các ngân hàng, ông Trung cho biết Bộ NN-PTNT đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 trước đây. Nghị định mới sẽ có quy định cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Nghị định mới sẽ nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên tàu và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá từ 15 m trở lên. Đối với hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép, sẽ thực hiện hỗ trợ một lần thay cho việc thanh toán trước đây yêu cầu nhiều hóa đơn thủ tục.

Đặc biệt, nghị định mới sẽ bổ sung đối tượng, nội dung chính sách đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ tiên tiến trên tàu cá, để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của đội “tàu 67”. “Trong quý 3/2022, dự thảo nghị định mới sẽ được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ để xem xét, thông qua”, ông Trung nói.

Cơ cấu lại nợ, tiếp tục cấp bù lãi suất

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết đến cuối năm 2021 tổng dư nợ của chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014 về hỗ trợ phát triển thủy sản khoảng 9.520 tỉ đồng, tương đương 1.132 tàu còn dư nợ. Hiện tỷ lệ nợ xấu của chương trình tín dụng này là khá cao. Nguyên nhân nợ xấu là số tàu cá hoạt động cầm chừng, không trả được nợ gốc và lãi theo đúng cam kết chiếm tỷ lệ cao (chiếm trên 87% tổng số tàu còn dư nợ, trong đó đã có 349 tàu hiện đã chuyển sang nợ xấu và trên 300 tàu có nguy cơ bị chuyển nợ xấu trong thời gian tới)…

NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tại 28 tỉnh, thành ven biển rà soát đánh giá từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng nguyên nhân; phối hợp các sở, ban, ngành để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp. NHNN cũng đã kiến nghị bổ sung quy định cơ cấu lại nợ được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, đồng thời sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại Nghị định 67/2014 để phù hợp hơn với thực tế.

Bộ Tài chính cũng cho biết đã chủ động rà soát, nghiên cứu và đang triển khai sửa đổi quy định tại Thông tư 114/2014/TT-BTC về hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014. Theo đó, sẽ bổ sung quy định về nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khách hàng được cơ cấu lại nợ và được hưởng chính sách cấp bù lãi suất được công bố theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Bộ Tài chính, Thủ tướng vừa ký quyết định giao hơn 1.817 tỉ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 67/2014. Trong đó, Agribank là hơn 982 tỉ đồng, BIDV khoảng 663 tỉ đồng, Vietcombank xấp xỉ 76 tỉ đồng, VietinBank khoảng 94 tỉ đồng.

Tàu cá ra khơi còn để khẳng định chủ quyền biển đảo

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đánh giá khó khăn đến với “tàu 67” ở các địa phương vừa qua xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan như ảnh hưởng dịch Covid-19, giá cả bán hải sản xuống thấp, chi phí nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi hải sản khai thác bị sụt giảm… Các cơ quan chức năng phải có tính toán sắp xếp để cân đối số lượng tàu, tổ chức lại khâu sản xuất trên biển, tái cơ cấu ngành thủy sản.

“Các “tàu 67” hoạt động kém hiệu quả dù có số lượng nhỏ thì vẫn phải có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ để giúp ngư dân vực lại sản xuất, chứ không thể buông bỏ họ được. Các ngân hàng cũng không nên vội vã siết nợ, bán thanh lý tàu với giá rẻ mạt. Những ngư dân đánh bắt xa bờ, ngoài làm kinh tế, họ cũng tự nguyện lãnh trách nhiệm thiêng liêng là tham gia gìn giữ và bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam”, ông Thắng nói.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.