Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần có sự can thiệp chiến lược từ cấp Trung ương.
Đại diện Ngân hàng BIDV Phú Tài (Bình Định) cho biết các vụ kiện ngư dân vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu cá 67) đã được tòa thụ lý, giải quyết. Trách nhiệm của ngân hàng là phải thu hồi nguồn vốn đã cho vay, nhưng BIDV Phú Tài cũng không muốn ngư dân phải mất nhà, mất tàu rồi rơi vào cảnh túng quẫn. Vì vậy, khi ra tòa, phía ngân hàng đồng ý để ngư dân bảo quản tàu vỏ thép và tiếp tục ra khơi đánh bắt để có kế sinh nhai cũng như có điều kiện để trả nợ.
Ngư dân Nguyễn Văn Chúng (ở P.Hòa Hiệp Trung, TX.Đông Hòa, Phú Yên) cũng cho rằng đây là giải pháp tối ưu trong hoàn cảnh này, và cho biết thêm về tình cảnh của mình: “Ngân hàng đã khởi kiện, tòa án đã xử xong nhưng đang hoãn thi hành án. Hiện nay tôi đang tiếp tục quản lý tàu cá, nhưng mong muốn ngân hàng có kế hoạch cho trả nợ phù hợp với tình hình khai thác hiện nay để đảm bảo ngư dân chúng tôi tiếp tục khai thác tàu cá 67 hiệu quả hơn”.
Nhiều ngư dân cũng tha thiết mong nhà nước sớm có các giải pháp gỡ khó để họ tiếp tục bám biển, bảo vệ ngư trường. Ngư dân Đỗ Ngọc Tín (ở P.Hòa Hiệp Nam, TX.Đông Hòa, Phú Yên) bày tỏ: “Tôi rất mong các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ ngư dân trong việc xử lý vốn vay đóng tàu cá 67. Trước mắt, cần có chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ cho ngư dân để chúng tôi tiếp tục bám biển với tàu cá 67”.
Nhiều “tàu cá 67” của ngư dân Khánh Hòa phải nằm bờ nhiều tháng nay do các chi phí tăng cao |
THẾ QUANG |
Cơ cấu lại nợ, giãn nợ
Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã đề nghị các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với ngư dân. Đối với những trường hợp có biểu hiện ỷ lại, chây ì thì ngân hàng chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp, phối hợp các cơ quan chức năng để thu hồi nợ. Đối với trường hợp chủ tàu không còn khả năng trả nợ, các ngân hàng nên xây dựng phương án chuyển đổi chủ sở hữu, khoanh nợ đối với chủ tàu cũ và cơ cấu lại vốn vay cho chủ tàu mới để đảm bảo thực hiện chính sách có hiệu quả.
Ông Võ Văn Linh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi, đề xuất nhà nước cũng nên có những giải pháp hỗ trợ ngân hàng để xử lý các tàu cá vỏ thép trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, đăng kiểm nhằm giảm bớt thiệt hại cho chủ tàu cũng như ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thêm, đối với thực trạng “tàu cá 67”, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo cho Bộ NN-PTNT, đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế xử lý các rủi ro hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại đã cho các chủ tàu vay đóng mới theo Nghị định 67, để ngân hàng xử lý dứt điểm các tàu làm ăn không hiệu quả. Nếu để lâu, những con tàu này sẽ bị hư hỏng nặng, xuống cấp thì giá trị sẽ càng thấp đi.
Còn theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, để gỡ khó cho ngư dân, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành các công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, các ngân hàng thương mại gia hạn thời gian trả nợ cho các chủ tàu cá.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, như cơ cấu nợ, chấp thuận một thời gian trả chậm; cho vay vốn lưu động, đồng thời ngân hàng đã làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn; tìm kiếm các khách hàng chuyển đổi theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu, kéo dài thời gian vay.
Hiện nay, tổng nợ xấu của hoạt động tín dụng liên quan “tàu cá 67” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chạm mốc 250 tỉ đồng, chiếm đến khoảng 60% tổng nợ xấu của toàn tỉnh.
Ông Trần Châu Giang, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Duy Xuyên (Quảng Nam), cho biết trên địa bàn huyện có 9 tàu cá 67, nhưng đến nay có 7 chiếc đã bị thanh lý. “Trước đây, địa phương cũng kiến nghị tỉnh đề nghị ngân hàng hỗ trợ giãn nợ để ngư dân tiếp tục hoạt động, trả dần từng bước, nhưng sau này hoạt động không hiệu quả nữa thì ngư dân đành bỏ tàu nằm bờ rồi bị ngân hàng thanh lý”, ông Giang nói.
Riêng ở xã Duy Vinh (H.Duy Xuyên), có 4 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 mới hoạt động được thời gian ngắn đã phải nằm bờ. Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Duy Vinh, do ngư dân không đủ khả năng trả nợ nên sau đó cả 4 tàu không chỉ nằm bờ mà đành phải thanh lý, bán tháo.
“Hiện nay, những gia đình trước đây sở hữu tàu 67 đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn, khoản nợ lớn không biết cách nào để chi trả. Địa phương cũng kiến nghị lên huyện đề nghị với UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ xin tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân”, ông Tài chia sẻ.
Mong sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm
Theo ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), tình hình ngư dân nói chung hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn, nhưng các tàu cá 67 còn khó khăn gấp hàng trăm, hàng ngàn lần, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu tăng vọt cùng với đó là giá cá xuống thấp, ngư trường thì ngày một cạn kiệt.
“Ví dụ một ngư dân nợ ngân hàng 10 tỉ đồng thì họ làm gì ra hơn 100 triệu đồng mỗi tháng mà trả nợ cho ngân hàng?”, ông Phúc chia sẻ.
Trước tình cảnh điêu đứng của nhiều chủ tàu cá 67 như hiện nay, một số chủ tàu cho biết đã có rất nhiều lao động biển không còn mặn mà với nghề. Nhiều người đã lên bờ đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi gia đình. Vì thế, họ kiến nghị Chính phủ cần đưa ra chính sách phù hợp để ngư dân an tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Liên quan đến kiến nghị này, Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho rằng, để tạo điều kiện cho ngư dân có khả năng trả nợ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần cho phép ngân hàng thương mại điều chỉnh lại phân kỳ trả nợ theo từng quý chia đều trong thời gian vay vốn 16 năm mà vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ tàu được quy định tại khoản 15, điều 1, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018.
Một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận những vướng mắc nảy sinh đối với tàu cá 67 đang khiến địa phương rất bức xúc. Địa phương đã kiến nghị với Trung ương và các bộ, ngành bằng nhiều văn bản, để tập trung tìm cách tháo gỡ cho ngư dân cũng như xử lý các khoản nợ kéo dài cho các ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay mặc dù Trung ương đã có nhiều biện pháp, giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được các tồn tại của tàu cá 67, nhất là các tàu đang nằm bờ không đi đánh bắt được.
“Khoản nợ này là khoản nợ rất lớn đối với ngư dân, đồng thời cũng là khoản nợ xấu khó đòi đối với các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, mong muốn không chỉ riêng tỉnh Quảng Nam mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước là Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Trung ương sớm có giải pháp, giải quyết dứt điểm những tồn tại này”, vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói.
(còn tiếp)
Bình luận (0)