Nợ chồng nợ
Hiện tỉnh Bình Định có 2 ngư dân bị ngân hàng (NH) bán đấu giá tàu vỏ thép để thu hồi nợ, là các ông Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn). Năm 2015, 2 ngư dân này vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Bình Định để đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Thời điểm đó, phía NH yêu cầu 2 ông làm đơn thế chấp cả con tàu đóng mới và sổ đỏ, tài sản trên đất để được vay vốn. Được NH giải ngân 17,7 tỉ đồng, mỗi ông phải đóng tiền vốn đối ứng 1,026 tỉ đồng (tương đương 6%) để đóng tàu vỏ thép tại Hải Phòng.
Tàu vỏ thép của ông Võ Văn Hân (Quảng Ngãi) đang chờ bán đấu giá để trả nợ |
HẢI PHONG |
Cuối năm 2016, tàu vỏ thép của ông Hạo và ông Khánh được hạ thủy. Tuy nhiên, 2 tàu này đánh bắt được vài chuyến rồi bị hỏng máy, thân tàu gỉ sét nên phải nằm bờ để sửa chữa. Khi tàu được sửa xong (vào năm 2018) thì việc đánh bắt cũng không được thuận lợi, chủ tàu liên tiếp thua lỗ, nợ cũ chưa kịp trả đã phát sinh thêm nợ mới. Do đó, Vietcombank buộc phải khởi kiện 2 ngư dân Hạo và Khánh ra tòa để phát mại tài sản thu hồi nợ. Đến nay, tàu vỏ thép của ông Hạo và ông Khánh đã được bán đấu giá hơn 1,53 tỉ đồng/tàu.
Ông Trần Mão (78 tuổi, ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn; cha của ngư dân Trần Văn Hạo) cho biết: “Con trai tôi vay 17,7 tỉ và bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để đóng tàu vỏ thép. Sau 5 năm, nợ gốc và lãi ở NH hơn 20 tỉ đồng. Tiền phát mại con tàu và ngôi nhà mặt tiền ở phố chưa trả được 1/5 tiền nợ NH. Còn nợ tín dụng đen thì không biết bao nhiêu. Con tôi đã phải bỏ trốn biệt tăm rồi”.
Ở Phú Yên, ngày 24.3 tại cảng cá Phú Lạc (TX.Đông Hòa), Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tuy Hòa đã tiến hành kê biên, xác minh kiểm kê tài sản đối với tàu cá PY 99993 TS của ông Đỗ Ngọc Tín ở P.Hòa Hiệp Nam (TX.Đông Hòa). Năm 2017, ông Tín vay 18,5 tỉ đồng của NH BIDV chi nhánh Phú Yên rồi đối ứng thêm 1 tỉ đồng, và thế chấp với NH 2 thửa đất để được đóng mới tàu cá vỏ thép dài 27,8 m, công suất 800 CV. “Tàu cá vươn khơi không được như kỳ vọng, liên tục bị thua lỗ, không đủ kinh phí trả cho NH, tiền gốc và lãi vay mỗi ngày một tăng”, ông Tín ngậm ngùi.
Ông Phạm Trí Thức (Quảng Ngãi) với những hồ sơ liên quan tàu cá 67 |
HẢI PHONG |
Không đường thoái lui
Cuối năm 2021, ngư dân Trần Văn Mười (ở P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã trả lại tàu vỏ thép ĐNa 90777 TS cho NH. Tàu được ông Mười đóng năm 2016, công suất 822 CV, đầu tư hơn 18 tỉ đồng, trong đó BIDV cho vay 95% (17 tỉ đồng) theo Nghị định 67.
Tại thời điểm đó, ĐNa 90777 TS là tàu vỏ thép độc đáo với biểu tượng “chim lạc, trống đồng” uy nghi trước mũi tàu. Nhưng rồi tình hình khai thác, sử dụng tàu ngày càng xấu, hoạt động không hiệu quả vì chi phí vận hành và duy tu bảo dưỡng cao gấp 2 - 3 lần so với tàu vỏ gỗ. Hiện ông Mười đang chờ BIDV đưa ra tòa để định giá và bán thanh lý, hy vọng được khoanh nợ trả dần.
Tàu ĐNa 90999 đóng từ năm 2017 với chi phí hơn 31 tỉ đồng của ông Trần Minh Tuấn (ở P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), trở thành tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép lớn nhất Đà Nẵng, dài gần 42 m. Ông Nguyễn Cao Phong, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Nam Đà Nẵng, cho biết Vietcombank cho ông Tuấn vay hơn 29 tỉ đồng (95% giá trị tàu). Nhưng rồi “tàu cá 67” của ông Tuấn hoạt động không hiệu quả, NH chẳng đặng đừng phải khởi kiện ra tòa, hiện thi hành án đang chuẩn bị đấu giá. “Trị giá tàu còn hơn 20 tỉ đồng nhưng giờ thanh lý chỉ 5 - 6 tỉ đồng, còn lại 20 tỉ ông Tuấn phải gánh nợ suốt đời rất mệt mỏi”, ông Phong chia sẻ.
Tàu vỏ thép QNa 94989 TS (công suất 822 CV) của ngư dân Trần Công Chi (52 tuổi, ở xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam) cũng vừa thanh lý cách đây mấy ngày, sau nhiều năm neo đậu tại âu thuyền. “Thật sự rất mệt mỏi với con tàu này. Đã dính vào con tàu 67 là không có đường thoái lui. Ôm nó như ôm một cục nợ, mà món nợ này không biết cách nào giải quyết nổi”, ông Chi ngao ngán.
Tàu “chim lạc, trống đồng” nổi tiếng một thời của ngư dân Trần Văn Mười (Đà Nẵng) |
NGUYỄN TÚ |
“Tôi không thể tin được”
Đắng cay nhất với tàu vỏ thép, phải kể đến trường hợp ông Phạm Trí Thức (68 tuổi, ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Thời hoàng kim, ông Thức có đến 3 tàu vỏ gỗ với tổng công suất hàng ngàn CV. Đội tàu của ông Thức khai thác bình quân đạt khoảng gần 1.000 tấn hải sản, thu về hơn 3 tỉ đồng mỗi năm. Với kết quả hoạt động hoành tráng đó, ông Thức là ngư dân miền Trung duy nhất được nhận Cúp vàng Thủy sản Việt Nam, rồi nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Năm 2016, ông Thức bán 3 tàu cá vỏ gỗ thu về gần 3 tỉ đồng để đầu tư đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67. Tàu vỏ thép của ông Thức có trị giá 16,6 tỉ đồng, trong đó NH cho vay 15,8 tỉ đồng, còn lại 800 triệu đồng do ông tự đầu tư và thêm 2,4 tỉ đồng cho ngư lưới cụ, đồ dùng đi biển.
Đến năm 2018, do đánh bắt khó khăn, tàu lại bị mất ngư lưới cụ, ông Thức tìm mọi cách để vay NH đầu tư lại nhưng không được, vì căn nhà đã thế chấp NH rồi. Từ đó, tàu vỏ thép của ông không ra khơi được, nợ NH cũng không trả được. Khoản vay nhanh chóng trở thành nợ xấu, ông Thức bị NH kiện ra tòa. Thế rồi, con tàu vỏ thép của ông được đem ra bán đấu giá thanh lý chỉ được 1,6 tỉ đồng để trả nợ NH.
Ngân hàng cũng khổ
Ông Trần Văn Trí, Phó giám đốc NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh Phú Yên, cho biết hiện nay các NH gặp khó khăn trong việc phát mại tàu cá 67 để thu hồi nợ. Ông Trí phân tích: “Thời gian xử lý nợ kéo dài nên giá trị thanh lý tài sản dự kiến thu hồi rất thấp. Đối với tàu cá đang được NH thu giữ để xử lý, vẫn chưa bán đấu giá thành công vì không có người mua”.
Một cán bộ NH thương mại ở Bình Định cũng cho rằng, các NH cho vay vốn và ngư dân vay vốn đóng tàu 67 đều gặp khó khăn. Tài sản thế chấp vay vốn là tàu cá, ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải qua nhiều năm đã giảm giá trị nhiều do hao mòn, xuống cấp nhanh. Con tàu và ngư lưới cụ khi sắm mới có giá từ 16 đến hơn 18 tỉ đồng, nhưng chỉ sau vài năm sử dụng, giờ bán đấu giá chỉ được 1 - 1,5 tỉ đồng.
Mới đây vào ngày 10.3, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Quảng Ngãi có văn bản thông báo cưỡng chế thi hành án đối với ông Thức và vợ, bằng biện pháp kê biên quyền sử dụng đất cùng toàn bộ tài sản gắn với thửa đất 122 m2 ở xã Tịnh Kỳ. Mất tàu, giờ ông Thức mất luôn cả nhà. “Tôi không thể tin được rồi mình có ngày này”, ông Thức rầu rĩ nói, mắt rưng rưng nhìn ra phía biển.
Vì sao một chủ trương đúng với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng, sau vài năm triển khai đã khiến hàng loạt ngư dân trắng tay, còn các NH như ngồi trên đống lửa vì khó có thể thu hồi được nợ? (còn tiếp)
Bình luận (0)