Ông và 6 ngư dân khác có con tàu 800 CV đóng từ năm 2012. Năm 2017, sau khi Nghị định 67 ra đời hỗ trợ lãi suất vay cho ngư dân đóng tàu, ông Thìn chung với 2 người khác đóng thêm con tàu 10,5 tỉ đồng và ông không ngờ, đây là quyết định khiến ông và bạn nghề lâm vào cảnh đường cùng. Từ năm 2019 đến nay, mất mùa biển, tàu ra khơi toàn bị lỗ khiến nợ không trả được và đã bị ngân hàng xiết nợ. Tàu đóng 10,5 tỉ đồng, sau 3 năm, ông rao bán chưa đầy 2 tỉ đồng, nhưng không có người mua. 3 sổ đỏ của gia đình ông Thìn và 2 người khác đang mắc kẹt ở ngân hàng. Nguy cơ mất nhà với các ngư dân này là hiện hữu.
Không chỉ riêng trường hợp của ông Thìn, nổi tiếng về đánh bắt xa bờ và nghề biển đã nuôi sống hơn 80% số gia đình trong xã, nhưng hiện nay khoảng 60% ngư dân ở xã Quỳnh Long (H.Quỳnh Lưu) đã phải bỏ biển. Nghệ An có 104 tàu được vay vốn ngân hàng 860 tỉ đồng để đóng theo Nghị định 67, sau 4 năm ra khơi, hiện hàng loạt tàu đã “chết đuối”. 59 tàu hoạt động không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết với dư nợ hơn 438 tỉ đồng; 6 tàu đã bị ngân hàng xiết nợ.
Tỉnh Nghệ An đã vài lần họp, kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ để ngư dân được mua bảo hiểm cho tàu 67 và có phương án giãn nợ cho ngư dân. Đến nay, chỉ có Ngân hàng Argribank cho giãn nợ, còn các ngân hàng khác đều ráo riết thu hồi khiến ngư dân phải chấp nhận mất tàu, mất nhà.
3 năm qua, nghề biển liên tục bị mất mùa do ngư trường cạn kiệt. Đây là hậu quả của việc mạnh ai nấy bắt, không thực hiện quy hoạch khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản. Công nghệ bảo quản hải sản đánh bắt ít được cải thiện khiến giá trị hải sản thấp nên vẫn chỉ loay hoay tiêu thụ trong nước, giá rẻ, nhất là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Việc thẩm định năng lực cho vay đóng tàu 67 cũng có quá nhiều lỗ hổng, để ngư dân tự “bơi” ra biển và khi gặp nạn, chính họ lại phải cô đơn gánh chịu.
Bình luận (0)