Điều chưa biết về nữ tiến sĩ 'Tây học' đầu tiên của Việt Nam

Quý Hiên
Quý Hiên
06/03/2019 09:13 GMT+7

Tạp chí Khoa học số 97 (ra ngày 1.7.1935) có bài: ' Thật là vẻ vang cho đàn bà nước Nam: Cô Hoàng Thị Nga mới đỗ tiến sỹ về khoa vật lý học' .

Theo nhiều nhà khoa học, bà Nga không chỉ là nữ tiến sĩ “Tây học” đầu tiên mà còn là tiến sĩ ngành khoa học cơ bản đầu tiên của Việt Nam.
Gần đây, gia đình cố GS Đào Văn Tiến (một nhà khoa học được xem là người đặt nền móng cho ngành sinh học Việt Nam) công bố một số đoạn hồi ký của ông, trong đó có một đoạn viết về bà Hoàng Thị Nga với tư cách là hiệu trưởng của Trường đại học Khoa học (một thành viên của Đại học Việt Nam, được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập sau Cách mạng tháng Tám – PV) .
Theo đoạn hồi ký, thời điểm TS Hoàng Thị Nga nhậm chức là cuối năm 1945. Cố GS Đào Văn Tiến mô tả: “Bà khoảng 40 tuổi, người đẫy đà, mặt trái xoan trắng trẻo, mắt một mí, môi mỏng và trông hơi giống phụ nữ Nhật. Bà thường mặc bộ đồ tay-ơ, áo vét, váy ngắn màu xám, chân đi giày cao gót, tôi nhớ mang máng là bà để tóc xoăn dài, rẽ giữa và uốn thành hai mảnh vỏ trai úp sau đầu. Khi được tin bà về trường đại học đã có nhiều bàn tán trong giới sinh viên vì họ đã quen với các thầy giáo Pháp ở trường đại học trước kia – không có thầy giáo Việt Nam ở trường đại học. Ngay cả thầy Nguyễn Mạnh Tường, đã đỗ tiến sĩ luật khoa, cũng không được nhận vào dạy cho khoa Luật. Nay có giáo viên người Việt mà lại là nữ, đứng trên bục đại học giảng bài bằng tiếng Việt, quả là một hiện tượng hiếm có”.
Thông tin trên khiến nhiều người trong giới học thuật nước ta ngạc nhiên bởi nhiều lẽ. Trước hết, trong các tài liệu nói về lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội chưa bao giờ cái tên Hoàng Thị Nga được nhắc tới. Hơn nữa, trong các tài liệu nói về lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội đều không đả động gì đến việc thành lập Trường đại học Khoa học.
Trang bìa Luận án, trình bày tại Khoa Khoa học Đại học Paris để nhận Bằng Tiến sỹ về Vật lý, do Bà Hoàng Thị Nga trình bày ẢNH TƯ LIỆU
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Thanh Niên, đúng là sau Cách mạng tháng Tám, chính phủ ta đã thành lập Trường đại học Khoa học, nhưng việc “giải mã” câu chuyện này, chúng tôi sẽ thực hiện trong một bài báo khác. Còn ở đây, chúng tôi xin tiếp tục kể câu chuyện về bà Hoàng Thị Nga với tư cách bà là nữ tiến sĩ tây học đầu tiên của Việt Nam.
Từ đoạn hồi ký của GS Đào Văn Tiến, nhiều nhà khoa học, nhất là những nhà khoa học trong giới vật lý, đã hào hứng tìm hiểu về TS Hoàng Thị Nga. Trên một diễn đàn của giới khoa học vật lý Việt Nam, GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago) đã chia sẻ thông tin: “Đề tài luận văn của bà Hoàng Thị Nga năm 1935 rất hiện đại: Các tính chất quang điện của các chất hữu cơ. Một bài báo của bà từ năm 1939 đến năm 1996 vẫn còn được trích dẫn. Bà làm hiệu trưởng trường Đại học Khoa học ở Việt nam một thời gian ngắn, tới năm 1946 thì quay về Pháp”.
Kèm theo thông tin trên là đường link dẫn đến trang lưu trữ của Thư viện quốc gia Việt Nam, trong đó là ảnh chụp bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học số 97, ra ngày 1.7.1935, bài báo có tựa đề “Thật là vẻ vang cho đàn bà nước Nam: Cô Hoàng Thị Nga mới đỗ tiến sỹ về khoa học vật lý”.
Theo bài báo trên, TS Hoàng Thị Nga quê ở làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông. Thân phụ của bà là quan tuần phủ Hoàng Huân Trung. Anh em của bà có nhiều người là trí thức “Tây học”, chẳng hạn như ông Hoàng Cơ Nghị, cử nhân khoa vật lý học, giáo sư trường Trung học Bảo hộ; hoặc ông Hoàng Cơ Bình, thời điểm đó (năm 1935) đang học ở bên Pháp về y khoa (ngành bác sĩ). Bà sinh năm 1903, từng học trường con gái (thời đó ở phố Hàng Trống), sau học trường sư phạm (ở phố Hàng Bài). Sau khi tốt nghiệp sư phạm, bà từng dạy học ở Đáp Cầu. Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất bên ta, bà sang Pháp học tú tài phần hai rồi vào học tại Viện Khoa học (Faculté des Sciences) ở Paris. Sau khi đỗ cử nhân về khoa học, bà học tiến sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ vào ngày 19.3.1935.
Bài báo viết: “Hội đồng, sau khi nghe bài luận thuyết của cô, đồng thanh ngợi khen cô và nhận cho cô được lấy bằng tiến sỹ vào ưu hạng. Cô lại còn được khen về phương diện sư phạm nữa. Công chúng đến xem kỳ thi ấy đều tâm phục cái tài khoa học của một cô gái Việt Nam. Cô Hoàng Thị Nga lấy được bằng tiến sỹ khoa học trước nhất ở nước Nam này, thật cô đã làm vẻ vang cho nhà, cho nước, nhất là cho phái nữ lưu, cho các trường cô tòng học, cho các giáo sư đã luyện tập cho cô được thành tài, như ông Petelot, Bernard”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, không chỉ đến giờ tên tuổi bà Hoàng Thị Nga mới được giới trí thức đương đại nước nhà biết đến (qua đoạn hồi ký của cố GS Đào Văn Tiến). Từ cách đây nhiều năm, trên tạp chí Xây dựng Đảng, GS Hoàng Xuân Sính (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long) cũng đã nhắc đến TS Hoàng Thị Nga.
GS Hoàng Xuân Sính viết: “Người phụ nữ đầu tiên đỗ tiến sĩ tây học là bà Hoàng Thị Nga, tiến sĩ Vật lý - một ngành học khó với phụ nữ. Bà được Toàn quyền Pháp Đờ-cu, đại diện chính quyền Pháp ở Đông Dương tiếp lúc mới từ Pháp về sau khi đỗ tiến sĩ. Hồi đó nam giới người nào được tiếp xúc với Hoàng Thị Nga đều lấy làm vinh hạnh và cũng phải chuẩn bị trước lời ăn, tiếng nói để không hở ra những câu kém tri thức làm hổ thẹn đấng mày râu! Ngoài một số ít ỏi phụ nữ có bằng cấp ra, ta còn có một số những nữ văn sĩ và thi sĩ được biết trong văn học. Trí thức nữ thời đó cũng chỉ có vậy, không nhiều hơn thời phong kiến là bao”.
Trao đổi với Thanh Niên, một người họ hàng gần của TS Hoàng Thị Nga cho biết, bà Hoàng Thị Nga sau này có tham gia trong nhóm phát minh sáng chế vô tuyến màu ở Pháp, nên được nước Pháp vinh danh bằng cách ghi tên bà trên Bia tưởng niệm ở nghĩa trang Danh nhân Pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.