Điều chuyển vốn dự án công không giải ngân được

Chí Hiếu
Chí Hiếu
17/07/2020 06:24 GMT+7

Ngày 16.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công .

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 6 tháng đầu năm ước tính gần 160.000 tỉ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Có 3 bộ, cơ quan T.Ư và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%, song có tới 33 bộ, cơ quan T.Ư và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, 7 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Từ đầu tháng 8 tới, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Báo cáo về tình hình giải ngân một số dự án lớn, quan trọng quốc gia, đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ GTVT cho hay, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437/8.970 tỉ đồng của kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.
Về nguyên nhân của sự chậm trễ này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ ra 3 “điểm nghẽn” lớn. Một là, trình tự, thủ tục giải ngân vốn còn bị kéo dài từ việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc trao đổi giữa các bộ, ngành… đến khâu lập dự án, thẩm định, đấu thầu có khi kéo dài đến 2 - 3 năm; khâu nghiên cứu, lập quy hoạch, báo cáo tiền khả thi, chấp thuận chủ trương đầu tư làm cũng chưa chất lượng, thiếu chắc chắn, triển khai lúng túng, dẫn đến điều chỉnh mất nhiều thời gian. Thứ hai, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, nhiều dự án không triển khai được bởi không có mặt bằng thi công. Thứ ba là nguyên nhân từ “lợi ích nhóm”, “xin - cho”, nhũng nhiễu kéo dài.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đầu tư công là một trong các giải pháp quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn, nhất là do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công nhân mất việc làm, tiền lương người lao động thấp, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đạt rất thấp… Người đứng đầu Chính phủ bức xúc kể lại rằng, mỗi khi làm việc ở địa phương, với các bộ, ngành thì luôn có kiến nghị xin nguồn vốn của nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. “Anh đi tìm nguồn lực nơi này, nơi khác nhưng để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, anh không chịu giải quyết”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng: “Phải sờ gáy những người làm trực tiếp, phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến”. Do đó, Thủ tướng đề nghị cần gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.
Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng yêu cầu minh bạch, công khai trên tinh thần “không ngâm hồ sơ quá 1 tuần” và phải chi tiết hóa ở khâu nào, bộ ngành nào trong bao ngày cụ thể gắn với việc tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các chủ tịch UBND tỉnh, TP, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể ở ngành và địa phương mình, báo cáo Thủ tướng. “Từ đầu tháng 8 tới, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân”, Thủ tướng yêu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.