Thi xong học kỳ, tôi cho học sinh làm một 'đề kiểm tra đặc biệt' với nhan đề 'Điều con muốn nói' với thầy cô, cha mẹ. Và lời mong muốn trên đây là một trong số những gửi gắm của học sinh ngày nay chuyển đến cha mẹ mình.
Từ những dòng chia sẻ của các em để tôi hiểu các em hơn, cố gắng hoàn thiện bản thân người thầy (nếu trong bài viết, các em “muốn nói” về tôi, về thầy cô khác ...) đồng thời để hiểu nỗi lòng của học trò mình hơn.
Đọc những dòng chia sẻ, đa phần các em muốn nói với ba mẹ. Trong những dòng chia sẻ của học sinh, có nhiều ba mẹ luôn hiểu con, làm bạn, đồng hành cùng con khiến cho con rất vui và hạnh phúc. Tuy không nhiều nhưng đây là “điểm sáng” trong quá trình tương tác với con mỗi ngày, tôn trọng quyền cá nhân của con.
Tuy nhiên còn khá nhiều bài viết mong ba mẹ hãy hiểu con, tôn trọng quyền cá nhân, và nhất là đừng so sánh con với ... con người ta.
Cho con quyền được quyết định nghề nghiệp trong tương lai
Những dòng tâm sự - điều muốn nói của em T.H. đầy ... nỗi niềm. Em viết: “Ba mẹ làm lụng mọi thứ, vất vả kiếm tiền cũng chỉ vì muốn con có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng con có một điều muốn nói là: ba mẹ có thể tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con dù chỉ là một lần. Nhiều lúc ba mẹ thường tự quyết định cuộc sống của con. Ba mẹ là như vậy vì muốn tốt cho con, muốn con có một tương lai tươi sáng. Nhưng có khi nào ba mẹ nghĩ đến cảm nhận của con không? Đôi khi chính điều đó khiến con bị áp lực và tước đi quyền tự do vậy. [...] Con còn vẫn nhớ như in vào một buổi chiều, bỗng ba mẹ hỏi con rằng ngành nghề sau này con muốn là gì, con đã trả lời là hướng dẫn viên du lịch. Nghe vậy, ba mẹ tỏ vẻ không vui và lập tức bác bỏ ý kiến của con, bắt con phải theo như ngành nghề ba mẹ muốn. Lúc đó lòng con rất ấm ức như muốn òa khóc lên. Vì thế hôm nay con viết điều này hy vọng ba mẹ có thể suy nghĩ lại và lắng nghe con nhiều hơn”.
Điều cô học trò muốn nói với ba mẹ là điều mà nhiều học trò hiện nay đang rơi vào trường hợp “cùng chung cảnh ngộ”. Nhiều bậc phụ huynh luôn “mở bài ca vất vả kiếm tiền vì con, tất cả vì con” nhưng quên đi điều con muốn nói, điều con cần. Vật chất đủ đầy là yếu tố cần thiết nhưng không phải là tất cả những gì các con muốn. Các con rất muốn quyền được lắng nghe, được tôn trọng, được chia sẻ và quyền được quyết định nghề nghiệp trong tương lai. Hãy để con được sống với ước mơ của con chứ đừng ép con sống với ước mơ của cha mẹ. Hãy để con là chính mình chứ không phải người khác.
Đừng "so sánh con nhà người ta"
Còn việc so sánh con mình với con người ta cũng trở thành “bài ca đi ùng năm tháng” của khá nhiều phụ huynh. Hệ lụy luôn “đồng hành” cùng sự so sánh kiểu này, thế nhưng không ít bậc phụ huynh vẫn ... hồn nhiên so sánh.
Cũng từ việc bị ba mẹ so sánh, em Đ.T.P. cảm thấy rất buồn khi ba mẹ thường so sánh mình với người bạn cùng lớp. Người bạn thì luôn học giỏi “Còn con thì không thiếu thứ gì mà kết quả học tập chỉ có ... nhiêu đó thôi”. Đọc những dòng chia sẻ của em, lòng tôi cũng chùng xuống: “Ba mẹ đừng bao giờ đem con ra so sánh với người khác. Bởi vì con sợ mình bị yếu mềm, con sợ con mất sự cố gắng và gục ngã trước lời so sánh của ba mẹ. Con không muốn trở thành một ai khác, con chỉ muốn là chính mình. Con muốn ba mẹ đừng bao giờ nhìn nhận con với ý nghĩ con phải trở thành một người tài giỏi, đừng bao giờ bọc con quá mức khiến con phải cô đơn và lạnh nhạt. Hãy cho con một đôi cánh để con có thể bay đi, con đã lớn rồi”.
Thiết nghĩ, ba mẹ không chỉ muốn con lắng nghe lời ba mẹ nói mà cũng rất cần lắng nghe nỗi lòng của các con, điều con muốn nói. Cần đặt mình vào con để hiểu và tôn trọng quyền cá nhân các con. Và hãy hiểu rằng, mỗi đứa trẻ có điểm mạnh, điểm hạn chế để “thôi bớt so sánh con mình với con người ta”. Hãy tạo động lực cho con trong học tập, trong cuộc sống. Đừng gây áp lực cho con.
Bình luận (0)