Trận lũ lụt lịch sử vào tháng 10.2020 đã đẩy nhiều hộ gia đình ở Quảng Bình trắng tay, khi hơn 22.000 con gia súc bị cuốn trôi, chết. Vừa gượng dậy, khôi phục phần nào đàn gia súc thì gặp phải đợt rét đậm rét hại. Theo thống kê, đến tháng 1.2021, toàn tỉnh có 430 con gia súc, gia cầm (chủ yếu là trâu, bò) bị chết do đói rét, tập trung tại các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh. Trong đó, nhiều nhất là Minh Hóa (314 con).
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lan nhanh
Hết rét, Quảng Bình lại gồng mình đối mặt với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Khi bệnh xuất hiện tại thôn Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp, H.Quảng Trạch) khiến ít nhất 50 con trâu bò mắc bệnh, từ đầu tháng 3, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cách ly toàn bộ trâu, bò trong vùng có dịch; nuôi nhốt trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh để chăm sóc… Địa phương cũng khoanh vùng, lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào địa bàn có dịch, tổng vệ sinh liên tục trong vòng 3 tuần ở nơi xuất hiện dịch lẫn phun thuốc sát trùng đại trà tại các nơi có nguy cơ cao; đồng thời tổ chức cho người dân ký cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc mắc bệnh ra ngoài môi trường…
Thế nhưng, dịch ngày càng lây lan nhanh và diễn biến xấu. Tại H.Tuyên Hóa (địa phương bị dịch tấn công sau H.Quảng Trạch) dịch xuất hiện vào cuối tháng 2, đến đầu tháng 4 đã lan rộng đến 19/19 xã, thị trấn của huyện với 517 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó 17 con đã bị chết. Trên toàn tỉnh, tính đến giữa tháng 4 bệnh đã xuất hiện tại 8/8 địa phương; các huyện bị nhiễm dịch trên diện rộng như Quảng Trạch (16/17 xã), Tuyên Hóa (19/19 xã), Bố Trạch (21/26 xã), Quảng Ninh (14/15 xã)…
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Bình, cho biết lũy kế từ ngày 8.2 đến 26.4, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 4.010 hộ tại 8 huyện, thị xã, thành phố làm 6.337 con trâu, bò mắc bệnh và 412 con bò chết do bệnh… Nhiều nông dân không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh “con trâu là đầu cơ nghiệp” bỗng dưng đổ bệnh rồi lăn đùng ra chết.
“Lọt lưới” dịch tả lợn châu phi
Không chỉ có bệnh viêm da nổi cục hoành hành, nông dân Quảng Bình còn đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, lũy kế từ ngày 1.1 đến ngày 26.4, dịch bệnh xảy ra ở 135 hộ thuộc địa bàn 6 huyện, thị, thành phố (Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn, Minh Hóa, Đồng Hới, Quảng Ninh) làm 1.059 con lợn chết, phải tiêu hủy.
Dịch bệnh khiến người chăn nuôi thiệt hại đã đành, đến các hoạt động mua bán và dịch vụ ăn uống cũng bị ảnh hưởng lớn. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, rất nhiều chợ ở các huyện thị đều “vắng bóng” thịt lợn, thịt trâu bò. Lý do là nguồn cung hạn chế, tâm lý người dân lại e ngại thịt bệnh và cơ quan chức năng cũng thắt chặt việc mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế lây lan dịch. Ông Trần Công Tám chia sẻ thêm, ngay từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các tỉnh thành khác, chi cục đã lập nhiều tổ túc trực tại các cửa ngõ ra vào Quảng Bình để kiểm soát. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, dịch đã thấy xuất hiện tại H.Minh Hóa, từ một gia đình có người đi mổ lợn ở bên Lào về. Hiện tỉnh đang tích cực kiểm soát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng…
Bình luận (0)