Điều dưỡng 30 năm gắn bó với nghề: 'Chính người bệnh đã neo tôi lại'

Lê Cầm
Lê Cầm
12/05/2023 10:27 GMT+7

Nhìn ánh mắt đầy lo âu và mệt mỏi của bệnh nhân trước khi vào phòng phẫu thuật, chị Trần Thị Bích Thủy (khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), nắm chặt tay động viên bệnh nhân.

Những "chiến binh" thầm lặng

Trước đó, khi vừa kết thúc ca mổ cắt dạ dày cho một cụ bà lớn tuổi thì chị nhận thông tin có ca cấp cứu tắc ruột ở bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Chị Thủy và ê kíp vừa lo dọn dẹp vừa tức tốc chuẩn bị lại phòng mổ để sẳn sàng đón bệnh nhân, chuẩn bị các thuốc gây mê, máy thở, monitor theo dõi, điều chỉnh lại bàn mổ, máy nội soi, máy đốt…

Sau khi tiếp nhận, chị Thủy nhận dạng người bệnh, đối chiếu mã ID qua vòng đeo tay với hồ sơ bệnh án, lướt nhanh hồ sơ xem qua các xét nghiệm, dự trù máu, các y lệnh đặc biệt đánh giá nhanh tiên lượng hô hấp… và chuẩn bị mọi công tác sẵn sàng cho ca mổ cấp cứu.

Sau đó, chị và ê kíp tiến hành khởi mê nhanh và lập các đường truyền cần thiết, mỗi người một việc, không ai bảo ai đều cố gắng thực hiện nhanh, chu đáo mọi công đoạn.

Tiếng điều dưỡng dụng cụ vang lên, cả ê kíp tập trung xác nhận lại người bệnh, phương pháp, vị trí vết mổ, thời gian mổ, nêu lên những vấn đề cần quan tâm theo dõi ca mổ...

Điều dưỡng Thủy liên tục theo dõi người bệnh qua monitor, huyết động học, nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy trong máu…, theo dõi lượng máu mất qua cuộc mổ để kịp bồi hoàn cho người bệnh, mặc khác dùng máy sưởi ấm làm ấm thân nhiệt cho người bệnh, bồi hoàn lượng dịch thoát ra trong khi mổ, tiếp cận ca mổ liên tục, lắng nghe từng mệnh lệnh cấp trên chỉ đạo cho ê kíp.

Gần một giờ đồng hồ căng thẳng trôi qua, ca mổ thành công và người bệnh được thoát mê, chuyển sang phòng hồi tỉnh để tiếp tục quá trình điều trị và chăm sóc. Lúc này cả ê kíp đều mệt nhoài nhưng từng khuôn mặt của mọi người đều rạng rỡ vì ca mổ thành công, lúc này đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng.

Đó là một trong những ca trực của chị Thủy khi đảm nhiệm công việc điều dưỡng trước khi chuyển sang vai trò quản lý. Thấm thoát đã hơn 30 năm, chị Trần Thị Bích Thủy gắn bó với nghề Điều dưỡng Gây mê.

"Người điều dưỡng thường như những chiến binh thầm lặng, họ luôn đi trước về sau trong mỗi cuộc phẫu thuật. Họ lặng thầm làm việc như những người lính với khát khao cống hiến tất cả trách nhiệm dành cho người bệnh", chị Thủy chia sẻ.

Với chị, dù công việc này có vất vả bao nhiêu thì chị cũng luôn yêu nghề và kiên định với con đường đã chọn. Mỗi ngày đến bệnh viện vui hay buồn, chị Thủy đều tâm niệm không bao giờ để chuyện cá nhân, hay tâm trạng của mình ảnh hưởng đến người bệnh.

"Bởi chỉ cần một chút sai sót nhỏ của ê kíp sẽ ảnh hưởng lớn đến tính mạng của người bệnh, nhất là khi họ đang ở trạng thái "ngàn cân treo sợi tóc"", chị Thủy nói.

Nữ điều dưỡng: “Chính người bệnh đã neo tôi lại với nghề” - Ảnh 1.

Cử nhân Trần Thị Bích Thủy (khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

NVCC

Biết đau nỗi đau của người bệnh

Theo chị Thủy, làm nghề điều dưỡng đã vất vả nhưng làm ở khoa Gây mê - Hồi sức còn áp lực hơn rất nhiều. "Nếu ở các chuyên khoa khác người bệnh còn chưa xác định mình bị bệnh gì thì khi đến đây, hầu hết ai cũng biết tình trạng của mình, họ trông chờ vào cuộc phẫu thuật để cứu sống họ. Họ mang một tâm trạng lo âu và niềm hi vọng vào các y bác sĩ, đây là một áp lực rất lớn, nhất là những ca bệnh nặng", chị Thủy bày tỏ.

"Tôi thường chia sẻ với các điều dưỡng trẻ là hãy xem nỗi đau của người bệnh là nỗi đau của chính mình, cần thấu hiểu nỗi đau để giúp người bệnh biến nỗi đau thành động lực vượt qua bệnh tật. Chỉ có sự tận tụy, tình yêu thương người bệnh, đồng nghiệp mới giữ chúng ta tồn tại được lâu với nghề. Với tôi, người bệnh đã neo tôi lại với nghề cho đến tận hôm nay", chị Thủy tâm sự.

Do đó, khi tiếp nhận ca bệnh, chị Thủy thường ân cần hỏi han, động viên để người bệnh vững vàng tâm lý trước khi gây mê và lên bàn mổ. Ngoài ra, bệnh nhân đến với khoa Gây mê - Hồi sức phần lớn trong trạng thái chưa thoát mê và không có người nhà bên cạnh. Do đó, mọi khó chịu, đau đớn trong người họ rất cần sự quan tâm chăm sóc và thấu cảm. Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, điều dưỡng phải nắm bắt tâm lý người bệnh để xoa dịu những đau đớn sau cuộc mổ.

Hơn 30 năm cần mẫn với nghề và truyền lửa cho nhiều thế hệ điều dưỡng trẻ, chị Thủy tâm niệm "Khi ta gánh được trách nhiệm, vác được sứ mệnh thì cuộc đời này sẽ có giá trị hơn, hạnh phúc hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.