Với các đơn vị giáo dục này, việc đẩy mạnh cập nhật và nâng cấp trang web, mang đến nhiều thông tin hữu ích là một cam kết quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Theo các cán bộ quản lý, đây cũng là cơ hội để trường truyền tải giá trị giáo dục của mình và tạo sự tin tưởng từ phụ huynh và học sinh. Cũng từ đó, phụ huynh không "quên" hay "lơ là" với trang web phòng GD-ĐT hay trang web trường học, đồng thời có thể khai thác được hết tiện ích từ đây.
Có thể nêu dẫn chứng như cổng thông tin điện tử của Phòng GD-ĐT Q.7 hay Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức (TP.HCM). Đang trong giai đoạn tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh rất quan tâm tới các thông tin tuyển sinh lớp 1, lớp 6, mầm non năm học 2023-2024. Do đó, trên cổng thông tin điện tử, các phòng GD-ĐT này đưa ra hướng dẫn cụ thể về tra cứu, đăng ký thông tin hay xem kết quả, xác nhận nhập học... và cập nhật các văn bản mới nhất. Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử còn đăng các câu hỏi thường gặp của người dân - giải đáp của phòng GD-ĐT về tuyển sinh đầu cấp.
Có phải cần thật nhiều tiền mới có thể làm?
Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS Group, cho rằng việc xây dựng và duy trì một trang web, fanpage có thể đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu, nhưng không nhất thiết phải tốn kém đến mức các trường học, đơn vị giáo dục không thể đảm bảo. Để chuyển đổi số hiệu quả, theo ông Bảo, các đơn vị giáo dục trước tiên cần xác định mục tiêu và lợi ích mà việc chuyển đổi số có thể mang lại cho trường học. Điều này giúp tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự hiệu quả và sử dụng tài nguyên một cách có tổ chức.
Sau đó, tạo một kế hoạch ngân sách dựa trên mục tiêu và ưu tiên của trường học.
Bước tiếp theo là tạo thiết kế sáng tạo và giao diện thân thiện, đảm bảo trang web dễ sử dụng và tương thích trên nhiều thiết bị, đặc biệt là điện thoại di động. Sử dụng hình ảnh, video và nội dung hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của người dùng và cập nhật thông tin định kỳ.
"Việc quan trọng khác là tương tác với phụ huynh và học sinh: Sử dụng trang web để tương tác và tạo một cộng đồng trực tuyến. Đáp ứng các câu hỏi, phản hồi và phản hồi ý kiến từ phụ huynh và học sinh. Điều này tạo sự tương tác tích cực và xây dựng lòng tin từ cộng đồng", ông Bảo trao đổi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Khang Phúc, TP.HCM, cho rằng yếu tố quan trọng nhất là đầu tư con người cho số hóa. Được biết, Sở GD-ĐT TP.HCM thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo và phát triển kỹ năng số cho giáo viên và cán bộ quản lý. Do đó, các đơn vị cần phải chủ động, sáng tạo, làm thế nào để tăng cường trao đổi thông tin của nhà trường và phụ huynh qua các kênh tương tác trực tuyến của trường như fanpage, trang web, lắng nghe, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh đang cần thông tin gì.
Để trải nghiệm số tốt hơn
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phiên, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, cho biết chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục là chủ trương chung của Sở GD-ĐT TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn có đơn vị giáo dục lơ là - từ chính việc duy trì trang web khá đơn điệu.
Theo thạc sĩ Phiên, để chuyển đổi số thật sự hiệu quả, các trường học cần xác định rõ mục tiêu, đầu tư vào nhân sự, tận dụng công cụ và nền tảng hiện có… Điều này sẽ giúp các trường tạo ra một trải nghiệm số tốt hơn cho người học và phụ huynh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Phiên nhấn mạnh: "Các trường cần có đội ngũ nhân sự có kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông tin. Các trường có thể đào tạo nhân viên hiện tại hoặc tuyển dụng nhân sự mới với kiến thức về công nghệ và truyền đạt sự quan trọng của chuyển đổi số. Hiện có rất nhiều công cụ và nền tảng công nghệ thông tin đã được phát triển và có sẵn trên thị trường, đặc biệt là mã nguồn mở. Các trường có thể tận dụng để xây dựng và quản lý trang web, hệ thống quản lý học tập, cung cấp tài nguyên giáo dục trực tuyến và tạo ra trải nghiệm số tốt hơn cho người dùng".
Đồng thời, theo ông Phiên, việc đào tạo, hỗ trợ người dùng cũng rất quan trọng. Có trang web thôi chưa đủ, trường học cần đào tạo và hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên và học sinh để họ có đủ kiến thức, tự tin, tận dụng tối đa các công nghệ và trải nghiệm số.
Những điểm chạm liên quan trải nghiệm số
Tại buổi gặp gỡ triển khai chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023 của Báo Thanh Niên hồi cuối năm 2022, ông Lê Đình Hiếu, chuyên gia cao cấp Tổ chức giáo dục MAX Education, đã có phần chia sẻ thú vị về kinh nghiệm từ các trường ĐH nước ngoài.
Từ một số nghiên cứu, ông Hiếu cho hay, có 8 điểm chạm khác nhau liên quan đến trải nghiệm số dành cho sinh viên. Trong số này, lễ tốt nghiệp được xem là rất hiệu quả, hình ảnh lễ tốt nghiệp chiếm tới 30% lượng tìm kiếm về một trường ĐH. Ông Hiếu lần lượt phân tích các điểm lưu ý khác như: quá trình nộp đơn dự tuyển có dễ dàng thuận lợi không, giai đoạn hội nhập trong thời gian đầu nhập học, môi trường học tập, cuộc sống của sinh viên, việc làm sau khi ra trường, giao lưu với cựu sinh viên.
Đâu là trang web trường học mà các phụ huynh mong chờ?
Theo các chuyên gia chuyển đổi số, một trang web chất lượng và cung cấp trải nghiệm tốt cho phụ huynh và học sinh cần có các đặc điểm sau:
- Thiết kế hiện đại và chuyên nghiệp: Giao diện thiết kế hấp dẫn, trực quan và dễ sử dụng, thân thiện với người dùng, dễ dàng tìm kiếm thông tin và tương tác trên mọi thiết bị, bao gồm cả máy tính và các thiết bị di động.
- Thông tin chi tiết và cập nhật: Trang web cần cung cấp đầy đủ, cập nhật thường xuyên thông tin về trường, bao gồm chương trình học, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khóa và thông tin quan trọng khác.
- Tích hợp các công cụ tương tác: Trang web nên cung cấp các công cụ tương tác cho phụ huynh và học sinh, bao gồm các kênh liên lạc như số điện thoại, email, form liên hệ hoặc chat trực tuyến.
- Tích hợp nền tảng học trực tuyến: Nếu có, trang web trường học cần tích hợp nền tảng học trực tuyến để phụ huynh và học sinh có thể tiếp cận tài liệu học tập, bài giảng, bài tập và các tài nguyên giáo dục khác.
Bình luận (0)