Yếu tố nào ảnh hưởng đến việc học sinh chọn trường đại học?

26/06/2023 10:17 GMT+7

Kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy đa số học sinh THPT tại TPHCM chọn trường, tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) thông qua nền tảng trực tuyến. Vì vậy, nhiều trường chú trọng việc cập nhật, nâng cấp nền tảng trực tuyến bao gồm website và fanpage.

Theo kết quả khảo sát, 63,6% học sinh cuối cấp THPT tìm kiếm thông tin tuyển sinh thông qua những nền tảng trực tuyến (bao gồm website, fanpage) của các trường ĐH; 21,8% kết hợp hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp; và các hình thức khác chiếm 27,3%.

Đây là cuộc khảo sát do Báo Thanh Niên với hơn 150 học sinh tại các trường bậc THPT tại Q.8, Q.12 và H.Bình Chánh, TP.HCM.

Trong đó, hai yếu tố chính làm ảnh hưởng đến học sinh trong việc chọn trường ĐH là: thông tin trình bày trên fanpage, website và khả năng tiếp cận với nhân viên tư vấn tuyển sinh thông quan tin nhắn trên Facebook hoặc số điện thoại liên lạc trên website.

Nền tảng trực tuyến ảnh hưởng đến quyết định chọn trường ĐH của học sinh - Ảnh 1.

Chẳng hạn, Lê T.N.A, học sinh lớp 12, Trường THPT Trường Chinh, Q.12, cho biết: “Thay vì tốn công đến tận các trường để tìm hiểu, em và các bạn cùng lớp chọn tìm kiếm thông tin trên website nhà trường hoặc nhắn tin cho fanpage để được giải đáp thắc mắc. Em thấy như vậy tiện lợi hơn rất nhiều”.

Trường ĐH đầu tư xây dựng website

Nhiều trường ĐH đầu tư xây dựng, thiết kế website tuyển sinh với giao diện đẹp mắt giúp học sinh có thể dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, các trường ĐH còn đẩy mạnh truyền thông trên fanpage để tăng độ tương tác với học sinh sử dụng nền tảng mạng xã hội Facebook.

Lê Huỳnh Minh Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Phú Thứ, Q.8 chia sẻ: “Em tìm hiểu cũng như nộp hồ sơ xét tuyển cho các trường thông qua fanpage và website. Em để lại phương thức liên lạc sau đó được các anh chị trong ban tuyển sinh của trường gọi điện trực tiếp để trò chuyện và tư vấn”.

Điều này cho thấy các nền tảng trực tuyến giúp học sinh và phụ huynh kết nối trường ĐH dễ dàng. Những thắc mắc của học sinh sẽ được bộ phận tư vấn tuyển sinh giải đáp kịp thời và nhanh chóng qua điện thoại hay hỗ trợ trực tuyến. “Trong quá trình tìm hiểu các trường, nếu thông tin trên website đủ thì em sẽ nhắn tin qua fanpage của trường. Thông thường, em sẽ nhận được phản hồi rất nhanh và chi tiết về các thông tin mình cần", T.P.Dương, học sinh lớp 11 Trường THPT Đa Phước, H.Bình Chánh, cho hay.

Như vậy, các website, fanpage tuyển sinh giống như một cộng đồng thu nhỏ, là nơi trao đổi, kết nối học sinh với nhà trường. Đây là nơi cập nhật những tin tức mới nhất về nhà trường và phương thức tuyển sinh và cho phép tra cứu mọi thông tin giúp tiết kiệm chi phí, thời gian.

Cô Nguyễn Thùy Dương, Trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Ngày nay, học sinh rất thành thạo công nghệ, nên việc trường ĐH xây dựng website, fanpage là một phương pháp tốt để truyền tải thông tin rộng rãi và dễ dàng hơn dù ở bất cứ đâu, nơi nào chỉ cần các bạn có nguyện vọng học ĐH thì việc được tiếp cận, tìm hiểu về các trường ĐH không còn là quá khó”.

Nền tảng trực tuyến ảnh hưởng đến quyết định chọn trường ĐH của học sinh - Ảnh 2.

Một nữ sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh thông qua Facebook

LÊ TUYẾT

Website của một số trường chưa thân thiện với người dùng

Một bất lợi của việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh thông qua các nền tảng trực tuyến là học sinh không thể tiếp cận được những gì cần biết về ngành học và trường ĐH tương lai.

Một số trường ĐH vẫn chưa chú trọng xây dựng, thiết kế bố cục, giao diện website, không cập nhật thông tin thường xuyên, ít tương tác, phản hồi tin nhắn chậm… Những yếu tố này góp phần khiến học sinh gặp khó khăn trong việc tìm hiểu về nhà trường.

Lê.T.T.Y, học sinh Trường THPT Đa Phước, H.Bình Chánh (TP.HCM), cho hay luôn chủ động trong việc tìm hiểu trường ĐH cho tương lai qua nền tảng trực tuyến và gặp một số khó khăn về cách thiết kế bố cục cũng như trình bày thông tin trên website. 

“Có một lần em cảm thấy hụt hẫng khi truy cập vào mục tuyển sinh trên website của một trường ĐH. Mọi thứ trên website rất lộn xộn, em không biết nên đọc từ đâu, đọc cái gì, tìm kiếm thông tin về trường hay học phí ở đâu. Do đó, em không thể tìm được thông tin mình cần”, nữ sinh kể.

Trang web chuyên nghiệp phản ánh chính xác giá trị của tổ chức

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phiên, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, cho rằng: “Trong thời đại số hóa hiện nay, một trang web cập nhật và chuyên nghiệp không chỉ tạo ra trải nghiệm tốt cho người dùng mà còn phản ánh một cách chính xác giá trị và chất lượng của tổ chức. Đây là công cụ mạnh mẽ để trường học giao tiếp, chia sẻ thông tin và tương tác với phụ huynh và học sinh. Việc đầu tư vào cải thiện trang web giúp thu hút sự quan tâm của người dùng, cũng là một cách để thể hiện cam kết với việc cung cấp trải nghiệm tốt và tận hưởng lợi ích của công nghệ số trong lĩnh vực giáo dục”.

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS Group, cho biết từ góc nhìn của một phụ huynh thông thường, khi truy cập vào các trang web trường học mà thông tin không được cập nhật hoặc cảm giác cũ kỹ có thể tạo ra ấn tượng ban đầu không tốt và tạo ra sự không tin tưởng đối với trường học.

Theo ông Bảo, trải nghiệm số của phụ huynh và người học về các đơn vị giáo dục là rất quan trọng trước khi quyết định chính thức học tập tại một trường. Trang web và fanpage chính thức của một đơn vị giáo dục không chỉ là nơi cung cấp thông tin về chương trình học, mà còn là hình ảnh đầu tiên về trường học. Nó thể hiện tính chuyên nghiệp, sự chăm sóc đến từ phía trường học và sẽ ảnh hưởng đến niềm tin và sự hứng thú của phụ huynh và học sinh.

“Tôi đồng ý quan điểm mục đích chính của trường học là dạy học và rèn luyện tốt, tuy nhiên, trải nghiệm số cũng liên quan đến sự tiện lợi và truy cập thông tin dễ dàng bằng phiên bản di động. Nên việc cải thiện trải nghiệm số cần được phát triển song song trong việc đào tạo tốt”, ông Bảo nói.

Thúy Hằng

Một số bậc cha mẹ không tiếp xúc nhiều với công nghệ nên không thể tìm kiếm thông tin các trường ĐH cùng con. Chị Phạm Thị Kim Huê, phụ huynh của học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Q.8, cho hay: "Tôi là dân lao động, đi làm suốt nên không dùng mạng xã hội nhiều, cũng không biết tìm thông tin tuyển sinh ra sao để giúp con. Con tự xem rồi nói lại cho tôi biết".

Tương tự, chú Lê Văn Hùng, phụ huynh của học sinh Trường THPT Bình Phú, Q.6, chia sẻ: “Tôi thử truy cập vào website của một số trường ĐH nhưng thông tin trình bày rối mắt nên chỉ biết để con trai tự tìm hiểu”.

Vì vậy, các trường ĐH nên chú trọng đầu tư hơn trong việc thiết kế giao diện website để đáp ứng đủ nhu cầu tìm kiếm thông tin đồng thời để các phụ huynh/học sinh có thể dễ dàng tiếp cận trang web tuyển sinh.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH là thái độ của người tư vấn tuyển sinh. Chẳng hạn, nhân viên tư vấn của Trường ĐH Quy Nhơn gần đây có thái độ không tốt, thiếu tôn trọng thí sinh. Ngay sau đó, nhà trường đã ra công văn xin lỗi và kỷ luật nhân viên này.

Vai trò của nhân viên tư vấn

Theo cô Nguyễn Thùy Dương, Trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, để làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh thì nhân viên tư vấn phải luôn giữ cho mình một tâm thế bình tĩnh, sáng suốt. Cũng như để lại cho học sinh, phụ huynh ấn tượng tốt, thân thiện về trường.

Cô Dương cho biết thêm: “Nhà trường cần phải có những buổi huấn luyện kỹ lưỡng cho nhân viên hay cộng tác viên tư vấn tuyển sinh nhằm đảm bảo tạo cảm giác dễ gần, để lại thiện cảm trong mắt học sinh và phụ huynh".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.