Từ chất liệu kem bơ và bánh bông lan bình thường, qua bàn tay khéo léo của chị Lâm Ngọc Trân, từng đường nét của chiếc bánh kem dần thành hình.
Chị Lâm Ngọc Trân bên tác phẩm Mai vàng bonsai |
Đó là những cây mai vàng bonsai, giỏ tiền may mắn, hay tô mì ngon lành, cái bánh hamburger bắt mắt… tất cả đều tinh tế sắc nét như thật.
Nếu không biết đó là chiếc bánh kem, nhiều người khi được tặng hộp bánh do chị Lâm Ngọc Trân làm chắc chắn đều trầm trồ ngạc nhiên, có khi nghi ngờ không biết đây là tô mì thật hay đây là giỏ hoa thật, sao mà cắm khéo thế; rồi hỏi: cái bánh này ăn được không? Câu trả lời là: những chiếc bánh kem này được làm giống mô hình thật, các chi tiết bên ngoài được làm từ kem bơ, toàn bộ các chi tiết đều ăn được vì là bánh thật!
Bánh thật như… giả
Bắt đầu học làm bánh kem từ năm 15 tuổi, đến nay hơn 14 năm mở tiệm bánh ở Châu Đốc (An Giang), mỗi ngày chị Trân mang đến cho những người xung quanh bao niềm vui ngọt ngào khi họ nhận được món quà với những lời chúc cát tường may mắn. Và theo đó là cảm xúc, sự ngạc nhiên vì được tặng món quà tinh xảo, hút hồn với chiếc bánh thật giống... giả.
Có lẽ trời phú cho chị năng khiếu, chỉ cần nhìn ảnh hoặc mô hình là chị có thể pha màu tạo hình giống như đúc mà không ai có thể bắt bẻ được. Chị chia sẻ: “Nhiều khách hàng khi đến gặp mình đưa ra yêu cầu làm bánh, có người còn ngại ngần sợ “làm khó” chủ tiệm vì hình đó nhiều chi tiết sợ làm không được. Chỉ những cái bánh đã từng làm sẵn thì mình không ngại ngần, còn những mô hình mới cần có thời gian suy nghĩ. Có lần mình được nhờ làm đĩa sushi vì người khách thích ăn món Nhật, lần khác thì làm cái bánh hamburger cho người thích đồ ăn nhanh. Cơm nắm cho món sushi thì dễ nhưng làm sao tạo được đường vân cá hồi, màu hơi nhạt nhạt của miếng cá, con tôm, trứng cá hồi phải làm sao… Sau vài ngày tập pha màu, rồi tự lấy kìm chỉnh lại chuôi bắt bông kem, tập nắn, sản phẩm đã hình thành. Cái bánh hamburger thì đơn giản hơn chút, chỉ cần làm sao để tạo được lớp xốt giả tương ớt chảy tự nhiên trên bánh bằng kem bơ là hoàn hảo”.
Một mẫu mô hình cũng hơi gây khó dễ cho chị Trân là hình tô mì tôm với con tôm tươi đỏ au nổi trên nền những sợi mì vàng óng ánh sa tế, điểm xuyết những lá xà lách xanh, khoanh hành tím. Chỉ là tô mì thôi nhưng độ sắc nét, màu kem bơ bóng đều không khuyết điểm. “Tại ngày hội offline của thành viên Thế giới đường cách đây 1 năm mình có trình diễn lại cho các anh chị xem cách tạo hình bằng kem bơ, chia sẻ với anh chị trong ngành bánh về cách thức mình làm. Hôm đó vui lắm vì mình nhận được nhiều lời khen của những người trong nghề, dù họ còn khó tính hơn cả khách hàng. Lúc đưa từng đường sợi kem màu vàng lên mặt bánh làm sợi mì, tạo hình chú tôm hùm đỏ au phía trên, vẽ khoanh hành… từng bước hình thành một thố mì, mình từng bước chứng minh cho mọi người thấy có thể dùng chất liệu kem bơ mềm tạo hình được tất cả những sự vật xung quanh, không hề có hạn chế nào”.
Không giấu nghề, khi được mời dạy cho những người yêu thích làm bánh, chị Trân chỉ dạy rất nhiệt tình, truyền bí quyết để sau khóa học ai cũng làm được. “Các bạn đến học lớp được mình cầm tay chỉ việc và để ý theo dõi xem khi về nhà có làm được không, nếu chưa làm được thì mình hỏi lý do, có khó khăn gì sẽ hướng dẫn lại. Các học viên của mình từ khắp nơi trong cả nước đến học nên mình cũng điều chỉnh công thức hợp với khí hậu từng vùng, từ Huế ra Hải Phòng, Hà Nội mùa hè nóng gần 40 độ thì công thức phải gia giảm sao để kem không bị chảy, khu vực Đăk Lăk, Lâm Đồng nhiệt độ lạnh hơn thì công thức thay đổi để kem không bị cứng quá… Thời điểm dạy học cũng được tính toán kỹ như gần tết thì dạy bánh hình giỏ tiền vàng để làm dịp tết và đầu năm, cuối tháng 2 học bánh nhân dịp 8.3, đầu tháng 10 học cách làm bánh hình giỏ hoa cho ngày 20.10, đầu tháng 11 học để kịp làm và luyện tập cho 20.11, đầu tháng 12 học làm bánh khúc cây bán cho ngày Noel… Học xong học viên có thể luyện tập và thực hành để lấy lại vốn”.
Mai vàng bonsai cho ngày xuân
Ý tưởng nảy sinh từ tết năm 2015, khi chị Trân muốn có một chậu mai nhỏ trang trí trên bàn ngày tết cho khác lạ. Vậy là chị bắt tay vào phác thảo cốt bánh, dùng kem bơ để trang trí bông mai nhiều cánh, làm sao tạo được thế uốn éo, vỏ sần sùi của thân cây lâu năm…. Ban đầu chỉ là chậu nhỏ chưng trên bàn gia đình, nhưng đến tết năm 2016, rất nhiều người đặt hàng chị làm cây mai kiểng bánh để chào năm mới. “Bây giờ mình làm quen rồi, biết cách làm hàng loạt cốt bánh chiffon một lần, chuẩn bị nguyên liệu một lần để đến gần lúc giao hàng thì làm thật nhanh, không để khách đợi. Cứ ghép sẵn chậu mai, thân cây sẵn thì chỉ cần 20 phút là mình có thể phết kem và bắt hình bông kem cho cây mai bonsai cao nửa mét. Bánh sau khi chiêm ngưỡng được cắt ra như món ngọt thông thường, ăn được từ... gốc đến ngọn”.
Ảnh: Hoàng Thụy
Một mẫu sản phẩm “hot item” chị Trân nhận đơn hàng quanh năm là mẫu bánh hình giỏ đựng tiền vàng. Không chỉ sắc nét như thật mà bên trong bánh còn chứa lời chúc mà nhiều khách hàng yêu thích, nhờ vậy sản phẩm bán khá chạy. Chị kể: “Ban đầu có một chị đặt bánh khai trương muốn hình thỏi vàng, nhưng mình nghĩ thỏi vàng thì đơn giản quá nên làm nguyên giỏ đựng tiền để may mắn hơn. Không những vậy, lúc làm giỏ tiền mình thêm kem bắp bên trong, cứ 1 lớp bánh 1 lớp kem bắp sữa bắp để cho bánh ngon hơn. Ông bà mình hay nói “chắc như bắp”, đầu năm hay lúc mở cửa hàng mà nhận được giỏ tiền với lời chúc may mắn như vậy ai cũng mừng”.
Có lẽ, bí quyết thành công của chị Lâm Ngọc Trân là luôn chú ý các tiểu tiết, luôn sáng tạo, tìm hướng đi riêng, sáng tạo những sản phẩm độc đáo. Nhờ vậy mà chị không bao giờ sợ bị “ăn cắp nghề”, cứ dạy mẫu bánh này xong người ta thấy chị sáng tạo ra mẫu bánh khác… không ngừng nghỉ.
Những mẫu bánh mô hình đặt hàng riêng có giá từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/cái tùy theo kích thước. Bánh chậu mai bonsai có giá từ 3-10 triệu đồng
|
Bình luận (0)