Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa công bố điều lệ mới nhất có quy định cấm đảng viên chơi golf. Ở VN, từ tháng 10.2011, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã từng đề cập đến vấn đề này, đối với cán bộ chủ chốt của ngành, trong một văn bản ban hành nội bộ.
Điều cấm dường như có gì đó rất khó nghĩ, vì cớ sao lại cấm chơi một môn thể thao lành mạnh và sang trọng như thế. Thậm chí có thể đặt vấn đề khó nghĩ về sự vi phạm quyền tự do cá nhân.
Nhưng thật ra, còn có những điều khó nghĩ hơn thế!
Trước hết là chuyện cán bộ công chức nhà nước chơi golf. Món chơi có thể tiêu tốn cả ngày mỗi lần chơi. Cái chất sành điệu, thong dong của golf dường như chỉ phù hợp với giới chủ doanh nghiệp lớn - những người dường như đã đủ điều kiện để thoát ra khỏi cái khuôn khổ ràng buộc của khối lượng công việc mỗi ngày phải xử lý. Giới chủ cũng cần có những ngữ cảnh riêng biệt để thiết lập các quan hệ đối tác thương trường. Vậy thì liệu những người thuộc giới công chức nhà nước đang chịu trách nhiệm triển khai các đề án, dự án hoặc điều hành những công việc hành chính mỗi ngày có nhất thiết phải tiêu tốn cả ngày trời cho một món chơi nào đó hay không? Chưa kể, tại sao những người thuộc giới công chức nhà nước lại cần “ngữ cảnh đặc biệt” của cuộc chơi golf để thiết lập các quan hệ “đối tác thương trường”?
Điều khó nghĩ nữa là, golf vốn là món chơi của giới thượng lưu lắm tiền nhiều của, giờ lại có thể là món chơi của giới cán bộ công chức nhà nước thì không khỏi lấy làm lạ. Mỗi tháng chơi golf có thể tiêu tốn của người chơi đến cả trăm triệu đồng. Thẻ hội viên thì giá đến vài chục nghìn đô la Mỹ. Lương công chức nhà nước, kể là lương của cán bộ có chức vụ, gom lại cả năm chắc cũng chỉ chơi golf được vài lần. Vậy mà vẫn chơi được.
Đằng sau những cuộc gặp gỡ giữa công chức - mà thật ra là cấp quản lý doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo với giới chủ kinh doanh trong những lần chơi golf là gì? Không ai trong chúng ta được quyền suy diễn vô căn cứ về điều này. Nhưng một vài trường hợp đã từng xảy ra ở đây đó cho thấy, có thể có những điều rất cần được nghĩ lại. Năm 2006, Thủ tướng Hàn Quốc Lee
Hae-chan phải rút lui khỏi ghế thủ tướng chỉ vì thú chơi golf trong bối cảnh công nhân ngành đường sắt của đất nước ông dấy lên một cuộc đình công trên phạm vi toàn quốc. Sau đó không lâu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Lee Gi-woo cũng phải từ chức vì lý do liên quan đến chơi golf.
Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra quy định cấm đảng viên chơi golf trong bối cảnh của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” với nỗ lực chống tham nhũng. Đằng sau quy định ấy có lẽ là những thực tế khó nghĩ về sự lãng phí thời gian, tiền bạc của giới quan chức liên quan đến chơi golf.
Bình luận (0)