Điều kiện học sinh được lái xe máy từ 1.1.2025

Dương Quỳnh Trang
Dương Quỳnh Trang
27/12/2024 08:31 GMT+7

Luật quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe máy (xe gắn máy); người chưa đủ 16 tuổi không được phép lái xe máy dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngày 27.6.2024, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Căn cứ theo khoản 1 điều 59 của luật này, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định cụ thể:

  • Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
  • Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
  • Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C, BE;
  • Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D1, D2, C1E, CE; 
  • Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D, D1E, D2E, DE;
  • Tuổi tối đa của người lái ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Như vậy, người đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy; người chưa đủ 16 tuổi không được phép lái xe gắn máy dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu vi phạm quy định này, sẽ bị phạt cảnh cáo theo khoản 1 điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Điều kiện học sinh được lái xe máy từ 1.1.2025- Ảnh 1.

Nhiều học sinh ở TP.HCM trong giờ tan trường đã vi phạm luật giao thông đường bộ

ẢNH: NHẬT THỊNH

Những hành vi bị cấm khi điều khiển xe máy

Căn cứ theo khoản 3, khoản 5 điều 33 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, từ 1.1.2025, người lái xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau:

  • Đi xe dàn hàng ngang;
  • Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
  • Sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
  • Buông cả hai tay; đi xe bằng một bánh đối với mô tô, xe gắn máy hai bánh; đi xe bằng hai bánh đối với mô tô, xe gắn máy ba bánh;
  • Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;
  • Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;
  • Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 m, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 m theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 2 m.
Chế tài xử phạt

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, cụ thể:

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

2. Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
  • Người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe.

Chấp hành luật giao thông là tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh

Song song đó, Nghị định 151/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15.11.2024, có hiệu lực từ 1.1.2025 nhằm tăng cường an toàn giao thông và nâng cao ý thức của học sinh khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy. 

Theo Nghị định 151/2024/NĐ-CP, việc chấp hành luật giao thông sẽ là một tiêu chí để đánh giá hạnh kiểm của học sinh.

Điều kiện học sinh được lái xe máy từ 1.1.2025- Ảnh 2.

Học sinh ở TP.HCM đi xe máy vi phạm luật giao thông đường bộ

ẢNH: NHẬT THỊNH

1. Quy định mới về kỹ năng lái xe gắn máy an toàn

Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định, học sinh trung học phổ thông (THPT) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được huấn luyện kỹ năng lái xe gắn máy an toàn. Các nội dung chính bao gồm:

  • Nhận biết và xử lý tình huống nguy hiểm khi điều khiển xe;
  • Bảo dưỡng và kiểm tra an toàn phương tiện;
  • Nâng cao ý thức văn hóa giao thông;
  • Thực hiện trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới và các kỹ năng sơ cứu người bị tai nạn giao thông.

2. Trách nhiệm của gia đình và nhà trường

Vai trò của nhà trường: Các trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, gia đình và học sinh về việc tuân thủ luật giao thông, cụ thể:

  • Không điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện;
  • Không giao xe cho học sinh khi chưa hoàn thành chương trình huấn luyện kỹ năng lái xe;
  • Đưa nội dung chấp hành luật giao thông vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm của học sinh.
  • Nhà trường cũng phối hợp với gia đình thường xuyên nhắc nhở, nắm bắt thông tin để đảm bảo học sinh thực hiện nghiêm túc các cam kết.

Vai trò của gia đình: Gia đình học sinh cần phối hợp với nhà trường và các lực lượng chức năng trong việc giáo dục pháp luật giao thông, đồng thời không giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.