Điều kiện thành lập trường mầm non theo quy định mới nhất của Chính phủ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
12/10/2024 14:05 GMT+7

Nhiều cán bộ quản lý, chủ đầu tư đang quan tâm tới điều kiện thành lập trường mầm non, trường mẫu giáo hiện nay như thế nào theo quy định mới nhất của Chính phủ.

Điều kiện thành lập trường mầm non theo quy định mới nhất của Chính phủ- Ảnh 1.

Trường mầm non Nam Sài Gòn (trường công lập, trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3

ẢNH: THÚY HẰNG

Ngày 5.10.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21.4.2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04.10.2018).

Những điểm mới

Nghị định số 125/2024/NĐ-CP có một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông:

  • Về điều kiện thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, nghị định đã chỉnh sửa điều kiện này theo hướng đề án thành lập trường phải "phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương" để phù hợp với quy định của luật Quy hoạch.
  • Về điều kiện cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hoạt động giáo dục, nghị định quy định các điều kiện cơ bản về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, còn những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể, mang tính chuyên môn, kỹ thuật sẽ được thực hiện theo văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục. Các quy định nhằm phù hợp với thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn, định mức về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy, học tập và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại Điều 104 luật Giáo dục. Đồng thời, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp cần điều chỉnh các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, nhà giáo, cán bộ quản lý… phù hợp với việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh chương trình giáo dục theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Điều kiện thành lập trường mầm non theo quy định mới nhất của Chính phủ- Ảnh 2.

Trẻ em một cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục tại TP.Thủ Đức, TP.HCM

ẢNH: NGỌC NGA

Có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng

Nghị định số 125/2024/NĐ-CP bổ sung quy định: "Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em/học sinh theo quy định".

Lý do của sự điều chỉnh này là tại các khu vực đô thị mới, địa bàn đông dân cư đang gặp tình trạng quá tải trường học, trong khi đó diện tích đất để xây dựng các cơ sở giáo dục tại các khu vực này ngày càng hạn chế. Vì vậy, bổ sung quy định này nhằm khắc phục phần nào những hạn chế này tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao, đặc biệt là Hà NộiTP.HCM.

Quy định mức vốn đầu tư để trường mầm non, phổ thông tư thục hoạt động giáo dục

Để bảo đảm nguyên tắc nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định số 125/2024/NĐ-CP đã quy định mức vốn đầu tư để cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong nước hoạt động tương tự như mức vốn để cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động.

Việc quy định cụ thể về mức vốn bảo đảm hoạt động của trường nhằm bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như duy trì và phát triển hoạt động của nhà trường; là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; tăng cường vai trò và trách nhiệm của nhà đầu tư khi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Về quy định mức vốn đầu tư để trường mầm non, phổ thông tư thục hoạt động giáo dục như sau: "Ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất)…" đối với trường mầm non và "ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất)..." đối với trường phổ thông; bên cạnh đó, đối với trường hợp trường tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động giáo dục thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định.

Điều kiện thành lập trường mầm non theo quy định mới nhất của Chính phủ- Ảnh 3.

Trẻ em Trường mầm non Hoa Hồng, Q.7 vui chơi cùng cô giáo

ẢNH: THÚY HẰNG

Thủ tục thành lập trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục

Thủ tục được quy định tại Điều 4, Nghị định số 125/2024/NĐ-CP. Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh quyết định thành lập trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục.

Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; Đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non.

Trình tự thực hiện:

  1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nếu đề nghị thành lập trường mầm non công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục) gửi 1 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến ủy ban nhân dân cấp huyện;
  2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; nếu hồ sơ hợp lệ, ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng GD-ĐT tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non;
  3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chỉ đạo của ủy ban nhân dân cấp huyện, phòng GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non tại hồ sơ, lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định tại Điều 3 Nghị định này; trình chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định;
  4. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của phòng GD-ĐT, nếu đủ điều kiện thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non và nêu rõ lý do.
  5. Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non (theo mẫu 10 phụ lục 1 kèm theo nghị định này) được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nghị định số 125/2024/NĐ-CP nêu rõ: Sau thời hạn 2 năm kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non có hiệu lực, nếu trường mầm non không được cho phép hoạt động giáo dục thì phòng GD-ĐT báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường.

Trường hợp trường mầm non chuyển địa điểm hoạt động giáo dục thì phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non, cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục quy định tại nghị định này. Trong đề án (theo mẫu số 02 phụ lục 1 kèm theo nghị định này), trường mầm non phải cam kết kế thừa các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của trường mầm non đề nghị chuyển địa điểm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.