Điều lạ kỳ trên đất Ấn: Choáng ngợp với nhiều tương phản

19/04/2018 09:36 GMT+7

Từ khách sạn chúng tôi ở tại Delhi có thể băng qua đường, đến Jantar Mantar. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi là những khách viếng thăm đầu tiên.

Hệ thống 2 giá vé chênh lệch hơn 10 lần
Người gác cửa còn ngái ngủ, bán cho chúng tôi hai vé vào cổng. Tôi nhận ra ở Ấn Độ có hai hệ thống giá: dành cho người Ấn Độ và cho người nước ngoài. Cụ thể ở Jantar Mantar, vé cho người Ấn Độ là 15 rupee, còn chúng tôi phải trả 200 rupee (hơn 70.000 đồng) một vé.
Hệ thống hai giá vé này ở VN đã bị xóa bỏ từ lâu. Cách nay 20 năm, khi còn là sinh viên, tôi dẫn khách nước ngoài đi tham quan TP.HCM, giá vé quá cao dành cho họ so với người VN làm họ rất khó chịu. Tôi cố giải thích vì mức sống chênh lệch cao, giá vé dành cho người nước ngoài cao cũng là bình thường. Với tiền thu được từ vé dành cho người nước ngoài, nhà nước sẽ dành để bảo trì và trùng tu các khu di tích lịch sử.
Giữa một công viên rộng, chúng tôi thấy hình thù lạ lẫm của hai tòa tháp vòng tròn và một công trình hình giống như trái tim. “Không phải đền đài, không phải lăng tẩm!”, tôi tự nhủ.
Tiến tới gần, chúng tôi cũng không nhận ra được đây là cái gì. May mà có những tấm bảng ghi chú cẩn thận bằng tiếng Anh. Thế là chúng tôi “à” lên.
Điều lạ kỳ trên đất Ấn: Choáng ngợp với nhiều tương phản1
Người nghèo kiếm sống trên đường phố các thành phố lớn
Đài thiên văn độc đáo
Thì ra Jantar Mantar, nói một cách tóm gọn, là một đài quan sát thiên văn được xây từ năm 1724. Đây là một trong năm công trình thiên văn được Maharaja Jai Singh II của xứ Jaipur xây nên. Jantar Mantar là một tổ hợp có 13 công cụ kiến trúc thiên văn. Mục đích xây đài quan sát thiên văn này là vì Maharaja Jai Singh II muốn kết hợp những bảng biểu thiên văn và dự đoán sự xê dịch, đồng thời đo giờ của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.
Cái tên Jantar Mantar có nghĩa là công cụ để tính toán. Các công cụ được xây bằng gạch tổ ong đỏ rồi trát vôi bên ngoài. Chúng được bảo trì và sửa chữa đúng thời hạn mà không làm tổn hại cấu trúc chính. Bên trong khuôn viên Jantar Mantar, tôi thấy có bốn công cụ chính được đề tên là Samrat Yantra, Jai Prakash, Ram Yantra và Misra Yantra.
Trên các bảng ghi chú, tôi đọc được là Maharaja Jai Singh II của xứ Jaipur còn xây bốn đài quan sát thiên văn ở những tỉnh khác khắp Ấn Độ để đo lại lịch và theo dõi các bảng biểu thiên văn. Tôi đi tới đi lui nhìn ngắm các công cụ tính toán. Có bảng ghi chú giải thích và vẽ hình để du khách mường tượng: mặt trời chiếu vào đâu, tạo nên vạch gì, từ đó hiểu được sự xê dịch của các hành tinh ra sao...
Delhi và New Delhi
Trước khi đi Ấn Độ, tôi khá hoang mang giữa Delhi và New Delhi, không biết vì sao có tới hai tên cho cùng một vị trí. Lên mạng tra cứu thì được biết Delhi và New Delhi là hai địa điểm khác nhau. Cụ thể, Delhi là một thành phố lớn, có New Delhi nhỏ hơn nằm bên trong. Và New Delhi chính là thủ đô của Ấn Độ.
Delhi có tổng cộng 11 quận, trong đó có một quận là thủ đô New Delhi (đối với cách suy nghĩ của người VN thì hơi lạ, nhưng tóm lại thì bạn có thể hình dung, thủ đô New Delhi chỉ nhỏ như một cái quận, nằm lọt giữa Delhi).
Delhi gồm Old Delhi (đại loại là khu phố cổ), New Delhi (khu phố mới) và South Delhi (khu phía nam, mở rộng ra).
Delhi có diện tích khoảng 1.500 km2 (gần bằng TP.HCM) và New Delhi thì có diện tích khoảng 43 km2.
Khi quan sát các công cụ này trong cùng một ngày, người ta sẽ thấy bóng nắng di chuyển để xác định giờ, thấy nước từ hào chảy ra theo từng cấp bậc của hệ thống những bậc thang để xác định lực hút của mặt trăng... Trình độ của tôi nhìn những công cụ này thì không hiểu gì cả, tôi chỉ có một lòng ngưỡng mộ khi nhìn những bậc thang, những rãnh hào, những hàng cột... được xây một cách tỉ mỉ, chính xác từng chút một.
Người Ấn Độ không phải vô cớ mà được thế giới nhìn nhận là một dân tộc trí dũng hơn người. Ấn Độ cũng không phải vô cớ là một trong những cái nôi văn minh của loài người.
Và Jantar Mantar không phải vô cớ mà nằm trong danh sách các trang du lịch Ấn Độ khuyên nên đến tham quan.
Chúng tôi đi ra cửa, anh bán vé xá tay chào tạm biệt. Từ lúc xuống máy bay đến giờ, tôi thấy rất nhiều người Ấn Độ chào chúng tôi kiểu đó. Thì ra đó là cách chào thông dụng ở đây, nhìn hơi trịnh trọng và kiểu cách.
Tương phản trên đường phố
Đường phố của Ấn Độ là cả một sự tương phản lớn. Dĩ nhiên nơi nào cũng có khu sang trọng và khu ổ chuột, nhưng Ấn Độ là nơi kỳ lạ nhất. Ngồi trên xe taxi nhiều ngày chạy dọc ngang các thành phố, tôi nhận ra có những nơi rác rến ngập ngụa, những túp lều lụp xụp của người vô gia cư, những bộ quần áo dơ bẩn phơi phóng khắp các hàng rào, cảnh tắm gội giữa thanh thiên bạch nhật. Điều kiện sống thấp, mức vệ sinh đáng báo động. Delhi trong những ngày tôi viếng thăm bị Tổ chức SOS cho là báo động đỏ vì nạn ô nhiễm bụi bẩn. Chụp hình tấm nào về xem trên máy tính cũng thấy một màu trời âm u dù nắng gắt. Vì đó là khói bụi ô nhiễm chất chứa trong không khí.
Tại các chốt giao thông, khi xe đậu lại chờ đèn đỏ tôi đều thấy có nhiều bé trai bán hàng rong áp sát kính xe. Trời nóng như đổ lửa, các bé đen nhẻm, mệt lả, khệ nệ tay bưng hàng. Đối nghịch với những đứa trẻ nghèo khổ là những đứa trẻ con nhà giàu ngồi trên xe đưa rước của các trường tư thục.
Nhưng Delhi cũng có những khu đường phố thật sạch, không một bóng người ngủ ngoài đường, hai bên là những biệt thự cổ kéo dài thẳng tắp. Khu nhà này đều có vườn tược trồng đẹp mắt phía trước, nhà nào nhà nấy đúng nghĩa là những dinh thự xa hoa. Một khu khác là đại lộ Rajpath rộng lớn, kéo dài từ phía đông sang tây.
Một mâu thuẫn khác, Delhi tuy là thành phố lớn và đã có hệ thống metro chạy trên cao, nhưng rác thì nhiều vô kể. Giao thông hỗn loạn, xui xẻo leo lên chiếc taxi nào ông tài xế vừa chạy vừa làm xiếc đánh võng thì chúng tôi chỉ còn biết thầm niệm Phật. Trên taxi không có dây đai an toàn, taxi cũng không có đồng hồ tính giờ (trừ chiếc taxi đi từ phi trường ra) mà phải trả giá từ trước.
Trên những đoạn đường cao tốc để đi từ Delhi đến tỉnh Agra, có đoạn không có trạm thu phí, các xe phải trả tiền cho một thanh niên ngồi trong một cái chốt, trên bàn là chiếc máy tính cũ. Sau khi trả tiền xong, xe chạy một đoạn ngắn chừng vài mét thì có thêm một hàng các thanh niên đứng bên cạnh các thùng phuy to chặn ngang, ghi chép lại số xe, dường như là động tác kiểm tra lại. Trông hành động của họ, chợt nghĩ Ấn Độ rất phát triển về công nghệ tin học, nhưng với một số việc thì có cách xử lý cực kỳ thủ công.
Quả là một đất nước nhiều tương phản. Sự tương phản lớn nhất trong số 30 nước tôi đã đi qua, làm tôi “động tâm” rất nhiều!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.