Điều tra chống bán phá giá với thép là cần thiết

Mai Phương
Mai Phương
03/04/2024 06:40 GMT+7

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa đã nộp đơn lên Bộ Công thương kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ sau khi thép nhập gia tăng vào VN. Tuy nhiên Tập đoàn Hoa Sen đã có đơn phản đối về việc yêu cầu này.

Dấu hiệu bán phá giá đã rõ ràng

Theo quy định, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu có 3 điều kiện là bán phá giá với biên độ được xác định cụ thể; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa điều kiện 1 bán phá giá và thiệt hại của doanh nghiệp (DN) ở điều kiện 2.

Điều tra chống bán phá giá với thép là cần thiết- Ảnh 1.

Sản xuất thép cán nóng trong nước bị giảm thị phần, số lượng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng mạnh

CTV

Chiếu 3 yếu tố trên đối với ngành thép hiện tại, dấu hiệu bán phá giá khá rõ ràng. Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thép VN cho thấy lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm lĩnh thị phần thép cán nóng trong nước.

Cụ thể, năm 2022 lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc đạt hơn 3 triệu tấn, nhưng đến năm 2023, lượng nhập khẩu đã tăng lên hơn 5,72 triệu tấn, tăng hơn 47%. Ở chiều ngược lại, trong năm 2022, thị phần sản phẩm thép cán nóng HRC của Hòa Phát và Formosa đạt 45% trong tổng thị phần trong nước. Tuy nhiên, đến năm 2023, thị phần thép cán nóng sản xuất tại thị trường nội địa đã giảm xuống chỉ còn 30%. Rõ ràng việc HRC nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2023 và tiếp tục đà tăng của quý 1/2024 đã khiến ngành sản xuất trong nước đang dần mất đi thị phần tại thị trường nội địa cũng như thu hẹp dần cơ hội mở rộng kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành sản xuất trong nước.

Song song với đà tăng về lượng nhập khẩu, giá bán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2023 đã giảm mạnh so với năm 2022. Cụ thể, giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023. Hiện giá bán HRC của Trung Quốc dao động trong khoảng 520 - 560 USD/tấn. Theo các DN, điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, bóp nghẹt sản xuất trong nước.

Như vậy thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã "thỏa" các điều kiện theo quy định là có dấu hiệu bán phá giá, gây thiệt hại cho DN sản xuất trong nước.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định việc điều tra phòng vệ thương mại nói chung hay chống bán phá giá nói riêng sẽ được tiến hành theo luật định. Từ trước đến nay, nhiều sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào VN đã gây tác động tiêu cực cho sản xuất và thị trường trong nước. Thậm chí, không cần đợi đến khi DN có đơn yêu cầu điều tra, mà cơ quan quản lý nhận thấy có dấu hiệu tác động tiêu cực từ sản phẩm nhập khẩu cũng có thể tiến hành điều tra. Điều này là bảo vệ lợi ích chính đáng cho DN sản xuất trong nước. Còn hiện tại đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh thì cần phải có cuộc điều tra cụ thể.

Hơn nữa, Trung Quốc vốn được xem là "công xưởng" sản xuất thép của thế giới. Thời gian qua thị trường bất động sản nước này cũng đóng băng khiến nhu cầu tiêu thụ thép chậm lại. Các DN Trung Quốc luôn đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó VN là thị trường gần nhất nên có thể xem là ưu tiên. Nhiều sản phẩm thép của VN cũng bị "vạ lây" khi nhiều quốc gia đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc vì cho rằng bị gian lận xuất xứ. Do đó việc nhập khẩu thép ồ ạt từ Trung Quốc cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Tác động tiêu cực cho sản xuất trong nước là điều tra ngay

Điều tra chống bán phá giá với thép là cần thiết- Ảnh 2.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, nhấn mạnh DN yêu cầu khởi kiện điều tra chống bán phá giá là việc bình thường. Cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp nhận yêu cầu sẽ thực hiện theo quy trình cũng như các thỏa thuận quốc tế mà VN đã tham gia. Quan trọng nhất là cần đánh giá tác động đầy đủ nếu không áp thuế chống bán giá phá thì sẽ tác động đến sản xuất trong nước như thế nào? Còn áp thuế chống bán phá giá vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, vừa giảm thiểu tiêu cực cho DN sản xuất thì còn tác động thế nào đến tổng thể của ngành… Do đó một cuộc điều tra để có đánh giá cụ thể, chi tiết cũng là cần thiết.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM, đồng tình: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, việc cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá nhiều sản phẩm sẽ diễn ra nhiều hơn. Đặc biệt với ngành thép, hầu như DN từ lớn tới nhỏ trong các năm vừa qua đều đối diện với tình trạng thua lỗ, giảm sản xuất, đóng lò luyện thép, giảm bớt lao động. Khi đã có những dấu hiệu cho thấy thép nhập khẩu có thể bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh thì phải vào cuộc điều tra cụ thể. Vì vậy, quan điểm của ông là ủng hộ việc mở cuộc điều tra chi tiết về việc thép HRC nhập khẩu tăng mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước. 

Đây cũng là một trong những giải pháp để hỗ trợ DN, khôi phục kinh tế theo tinh thần mà Chính phủ đã thực hiện. Sau đó tùy thuộc vào kết quả điều tra từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Biện pháp phòng vệ thương mại cũng chỉ được áp dụng nhằm loại bỏ hành vi cạnh tranh "không lành mạnh" của hàng hóa nhập khẩu chứ không nhằm mục đích hạn chế tuyệt đối. Vì vậy, nó vẫn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý trên thị trường và được pháp luật thế giới cũng như pháp luật VN cho phép. Sau đó tùy thuộc vào kết quả điều tra từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.