>> Bắt một cán bộ ngân hàng chiếm đoạt hơn 14 tỉ đồng
>> Đề nghị truy tố nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hơn 14 tỉ đồng
Theo cáo trạng, tháng 6.2010, thấy Hội sở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) quy định lãi suất tiền gửi thấp hơn các ngân hàng TMCP khác nên Giám đốc SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiển trao đổi với Phó giám đốc SHB Đà Nẵng Lê Thị Hồng Phương sử dụng vốn điều động của SHB cho chi nhánh Đà Nẵng đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác để thu lợi.
Phương giao nhiệm vụ cho Đồng Thị Kiều Linh, Trưởng phòng dịch vụ khách hàng SHB Đà Nẵng phân công Dạ Thảo, nhân viên kiểm soát phòng dịch vụ đi khảo sát lãi suất.
Sau đó, Linh báo cáo lãi suất 13,2%/năm do Phòng giao dịch số 2 Ngân hàng Nam Việt chi nhánh Đà Nẵng áp dụng cho Lê Văn Hiển và Lê Thị Hồng Phương.
Hai lãnh đạo SHB Đà Nẵng này đồng ý lấy tên em ruột Dạ Thảo là Lê Tấn Nam Kha để gửi 22 tỉ đồng của SHB Đà Nẵng vào Ngân hàng Nam Việt kỳ hạn 3 tháng.
Ngoài ra, ông Hiển còn chỉ đạo SHB Đà Nẵng gửi 28 tỉ đồng vào Ngân hàng Đại Tín Đà Nẵng để hưởng lãi suất chênh lệch.
|
Chiều 21.6, Thảo đến Ngân hàng Nam Việt mở tài khoản Lê Tấn Nam Kha, gọi Kha đến để đăng ký chữ ký và nhờ Kha ký khống 3 tờ ủy nhiệm chi để chia 22 tỉ đồng SHB Đà Nẵng chuyển khoản cho Kha thành 3 hợp đồng gửi tiền.
Sau đó, Thảo giả chữ ký của Kha trong 3 hợp đồng gửi tiền này, theo yêu cầu của SHB Đà Nẵng, Thảo mang 3 hợp đồng về để SHB Đà Nẵng lập thủ tục cho Kha vay lại 22 tỉ đồng với mục đích cân đối quỹ trong ngày 21.6. Thảo tiếp tục giả chữ ký của Kha để hoàn tất thủ tục nhưng vẫn được SHB Đà Nẵng chấp nhận.
Ngày 1.7.2010, theo yêu cầu của Thảo, Kha đến Ngân hàng Nam Việt Đà Nẵng báo mất 3 hợp đồng tiền gửi 22 tỉ đồng, yêu cầu được cấp mới và cầm cố 3 hợp đồng mới tại Ngân hàng Nam Việt Đà Nẵng được 15 tỉ đồng.
Thảo tiếp tục yêu cầu Kha chuyển khoản 3 tỉ đồng trả nợ cho Nguyễn Thị Kim Oanh, rút 1 tỉ đồng nộp trả lại Ngân hàng Nam Việt, chuyển 10,995 tỉ đồng vào tài khoản của Kha ở Công ty CP Chứng khoán Tân Việt và Công ty CP Chứng khoán FPT (chi nhánh Đà Nẵng) rồi ủy quyền cho Thảo sử dụng kinh doanh chứng khoán.
Phát hiện Hợp đồng tiền gửi của Kha cầm cố cùng lúc ở 2 ngân hàng, Ngân hàng Nam Việt Đà Nẵng đã trích khoản tiền 22 tỉ đồng Kha gửi để thu nợ trước hạn số tiền Kha vay gần 14,2 tỉ đồng.
Do đó, số tiền 22 tỉ SHB Đà Nẵng giao cho Thảo đi gửi chỉ còn lại hơn 7,8 tỉ đồng. Sau đó, SHB Đà Nẵng tiếp tục thu hồi số tiền của Kha gửi tại Ngân hàng Nam Việt, thu hồi chứng khoán tại 2 công ty Thảo kinh doanh được gần 12,65 tỉ đồng, còn lại hơn 9,35 tỉ đồng Thảo không khắc phục được.
Đề nghị làm rõ hành vi của lãnh đạo SHB Đà Nẵng
Trong quá trình xét xử, Dạ Thảo quanh co chối tội, cho rằng chính Giám đốc Lê Văn Hiển đã chỉ đạo Thảo rút tiền ra để chơi chứng khoán. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng Thảo vu khống.
Thảo cũng không thừa nhận việc yêu cầu Kha báo mất hợp đồng để làm hợp đồng mới tại Ngân hàng Nam Việt, không thừa nhận một số chữ ký trong chứng từ liên quan.
Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, bị cáo Thảo cho rằng chưa được đối chiếu số liệu về số tiền được thu hồi và số tiền bị cáo gây thiệt hại nên cần phải điều tra làm rõ, cho bị cáo đối chiếu với SHB Đà Nẵng.
Ngoài ra, trong quá trình xét hỏi, số liệu Viện kiểm sát và SHB cung cấp không trùng khớp với nhau, do đó việc tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết.
Cũng theo cáo trạng, việc Lê Văn Hiển và các cá nhân SHB Đà Nẵng dùng 22 tỉ đồng của SHB chuyển vào tài khoản Lê Tấn Nam Kha gửi Ngân hàng Nam Việt Đà Nẵng để khai thác chênh lệch lãi suất là trái với quyết định của SHB.
Hơn nữa, SHB Đà Nẵng lập chứng từ, hợp thức các thủ tục kế toán phát sinh thuộc hợp đồng cầm cố giấy tờ của Lê Tấn Nam Kha tại SHB Đà Nẵng đã phản ánh không đúng bản chất sự việc, nội dung của nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh là trái với luật Kế toán, vi phạm Nghị định Chính phủ về vi phạm quy định chứng từ kế toán.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lại cho rằng SHB là doanh nghiệp có 88% vốn cổ phần (tư nhân), Hội đồng quản trị SHB đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ, nhân viên liên quan, mà để SHB xử lý nội bộ.
Mặc dù vậy, theo Hội đồng xét xử, lãnh đạo và các cá nhân SHB Đà Nẵng đã chủ trương, tham gia sử dụng nguồn vốn của SHB nhờ người thân của nhân viên gửi ngân hàng khác để khai thác chênh lệch lãi suất là trái quy định của SHB nói riêng và Ngân hàng Nhà nước nói chung.
Đồng thời việc hợp thức hóa các chứng từ trái luật Kế toán, hành vi các lãnh đạo và cá nhân của SHB Đà Nẵng có dấu hiệu "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước", do đó Hội đồng xét xử đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ.
Trước đó, hôm 27.9, phiên tòa xét xử Lê Nữ Dạ Thảo cũng đã tạm hoãn với lý do luật sư của Dạ Thảo vô cớ vắng mặt trong khi bị cáo cho rằng có nhiều vấn đề trình bày cần được luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Nguyễn Tú
>> Một cán bộ ngân hàng vỡ nợ hơn 20 tỉ đồng
>> Tin thêm về phiên xử vụ lừa đảo trên 140 tỉ đồng
>> Thủ quỹ ngân hàng lấy tiền đánh đề lãnh án
>> Lấy gần 800 triệu đồng của ngân hàng đi đánh đề
>> Lừa đảo tiền tỉ
>> Xét xử vụ lừa đảo trên 20 tỉ đồng
>> Bắt 3 người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả
Bình luận (0)