Điều trị với ECMO bên lằn ranh 'cửa tử'

12/04/2020 11:06 GMT+7

ECMO là kỹ thuật thay cho chức năng của phổi và tim, giúp cứu sống những bệnh nhân suy hô hấp, suy tim nghiêm trọng mà các biện pháp hồi phục tim phổi khác không thể cứu chữa.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 18.3, bệnh nhân Covid-19 thứ 91 (phi công người Anh) sốt cao liên tục, suy hô hấp tăng dần. Kết quả X-quang phổi cho thấy tổn thương nặng, diễn tiến ngày càng xấu...
Ngày 5.4, bệnh nhân chuyển qua thở máy, tuy nhiên tình trạng phổi vẫn bị tổn thương nặng.
Sáng 6.4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO để điều trị cho bệnh nhân 91. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chăm sóc tích cực tại phòng áp lực âm với sự hỗ trợ của các chuyên gia tuần hoàn ngoài cơ thể của Bệnh viện Chợ Rẫy.

ECMO là gì?

Theo ghi nhận của Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2019, kỹ thuật ECMO được các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM triển khai thực hiện đã giúp cứu sống nhiều trường hợp viêm cơ tim cấp, suy hô hấp, suy tim cấp trong tình trạng nguy kịch, cấp cứu thất bại với các biện pháp hồi sức chuyên sâu khác, có nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM), giải thích: ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể hay ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể. Hệ thống ECMO hoạt động như tim phổi nhân tạo, giúp đưa máu ra ngoài cơ thể, sau đó loại bỏ CO2 và cung cấp ô xy vào máu. Máu sau khi đã được “bơm” ô xy được chuyển lại vào hệ tuần hoàn trong cơ thể đi nuôi các mô và các cơ quan trong cơ thể.

ECMO giúp điều trị những bệnh nhân suy hô hấp, suy tim, tuần hoàn nghiêm trọng khi tất cả các kỹ thuật hồi sức cấp cứu khác không thể phục hồi

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM)

“Phương pháp này giúp điều trị những bệnh nhân suy hô hấp, suy tim, tuần hoàn nghiêm trọng khi tất cả các kỹ thuật hồi sức cấp cứu khác không thể phục hồi”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trước đây những ca viêm cơ tim tối cấp thường tử vong (với tỷ lệ lên đến 70 - 90%). Tuy nhiên, với hệ thống ECMO, các bác sĩ đã giữ được tính mạng cho nhiều bệnh nhân viêm cơ tim tối cấp, tim đờ, đập rối loạn và thậm chí ngưng tim; suy hô hấp, ngưng thở, ngay lằn ranh “cửa tử”.
Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tiên phong tại TP.HCM áp dụng ECMO và hỗ trợ cho các bệnh viện khác. Tại đây, ngoài hồi sức cấp cứu các ca viêm cơ tim cấp, suy hô hấp nghiêm trọng, ECMO từng được sử dụng trong phẫu thuật cắt ghép khí quản cho bệnh nhân.
“Trong ca phẫu thuật cắt ghép khí quản, bệnh nhân không thể thở được. Vì vậy, ECMO sẽ giúp bệnh nhân trao đổi khí - tức là “thở” ngoài cơ thể - qua ECMO, chứ không cần qua hệ hô hấp của bệnh nhân”, bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, ECMO là kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu, đòi hỏi sự phối hợp của đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, tim mạch, ngoại khoa, rất khó thực hiện nên chỉ làm được ở một số bệnh viện tuyến cuối và vô cùng tốn kém.
Hiện nay, tại TP.HCM, kỹ thuật ECMO chỉ thực hiện được tại số ít các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng TP và Bệnh nhiệt đới.
Chuyên trang Medline Plus ghi rõ: ECMO chỉ là "điều trị duy trì sự sống", chứ không thể chữa khỏi các bệnh lý hoặc chấn thương dẫn đến suy hô hấp hoặc tuần hoàn. Kỹ thuật ECMO giúp kéo dài cuộc sống của bệnh nhân để các bác sĩ có nhiều thời gian hơn cho các phương pháp điều trị bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.