Ngày 13.12, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp viêm cơ tim cấp nguy kịch.
Trước đó, nữ sinh N.T.M.L (10 tuổi, ngụ Bình Tân) sốt, ói và nhức mỏi, triệu chứng như cảm cúm thông thường và đã được uống thuốc 3 ngày nhưng không đỡ. Bỗng nhiên em than mệt, mặt mày tái mét, hỏi han ít trả lời...
Gia đình đưa em đến Bệnh viện Q.Bình Tân (TP.HCM) khám bệnh. Bác sĩ phát hiện em liên tục rối loạn nhịp, hạ huyết áp và theo dõi tình trạng viêm cơ tim cấp đe dọa tính mạng của bé… Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và nhập viện vào Khoa Hồi Sức tích cực trong tình trạng hạ áp nặng, môi tái, lừ đừ.
Bệnh nhi nhập viện lúc 17 giờ, ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, ngay sau nhận được báo động, ê kíp chuyên môn gồm bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc, bác sĩ CK2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cùng ê kíp ECMO, ê kíp Ngoại Lồng ngực mạch máu đã nhanh chóng từ nhà trở lại bệnh viện cùng tham gia hội chẩn và tiến hành phối hợp hành động cứu bệnh nhi.
Trong lúc ấy, ê kíp bác sĩ trực hồi sức tích cực và tim mạch đã nhanh chóng đặt một đường truyền tĩnh mạch trung tâm, ống thông tiểu, đặt ống nội khí quản hỗ trợ thở máy cho em.
Đến 19 giờ, nhịp tim bệnh nhi nhanh với trên 200 nhịp, đe dọa đến tính mạng. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Tiến Lợi - Trưởng Khoa tim mạch - đã nhanh chóng đặt máy tạo nhịp tạm thời và bác sĩ hồi sức tiến hành sốc điện.
Một giờ sau, tim bệnh nhi vẫn đờ đẫn, loạn nhịp không cải thiện mặc dù đã dùng thuốc vận mạch và thuốc chống loạn nhịp, sốc điện lẫn máy tạo nhịp.
Trước diễn biến nghiêm trọng này, lãnh đạo bệnh viện và Khoa Hồi sức tích cực đã quyết định chỉ định phương pháp ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation - ECMO).
Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi ô xy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như một máy tim phổi nhân tạo, ECMO sẽ giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục.
Sau hơn 40 phút căng thẳng vừa nhồi tim vừa tiến hành đặt đường truyền kết nối máy ECMO, sinh hiệu bệnh nhi đã tạm ổn định. Sau khoảng 2 giờ, tim của bệnh nhi đã đập lại và tình trạng huyết động cải thiện.
Tuy nhiên, khoảng 2 ngày sau đó, bệnh nhi bị rối loạn liên tục, phải dùng nhiều loại thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch ổn định chức năng co bóp cơ tim. Chức năng gan thận cũng suy giảm nặng nề do sốc sâu và tình trạng ngừng tim trước đó, em được hội chẩn lọc máu liên tục đồng thời.
Sau 6 ngày chạy ECMO, 4 ngày lọc máu, tình trạng viêm cơ tim bệnh nhi ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt, chức năng gan thận cải thiện ngoạn mục.
Bệnh nhi được cai ECMO, cai máy thở, ngưng lọc máu, tập ăn uống đường miệng, tỉnh táo dần và vui vẻ trò chuyện cùng các cô bác đơn vị hỗ trợ tâm lý.
Các bác sĩ kể lại, khi tỉnh táo, chức năng tim bình thường, ăn uống tốt, bệnh nhi rất thích ôm gấu bông mẹ mua cho. Đặc biệt là bệnh nhi luôn miệng đòi ăn bánh tráng trộn, uống trà sữa.
Dự kiến bệnh nhi sẽ có thể ra viện trong 7-10 ngày tới.
Được biết, đây là ca thành công thứ 8 sau gần 2 năm triển khai ECMO tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Viêm cơ tim cấp do vi rút
Theo các bác sĩ, viêm cơ tim do vi rút thể tối cấp có thể biểu hiện như cảm cúm (sốt, ho, chảy mũi nước, mệt mỏi, bỏ ăn ..) trước đó 3-7 ngày. Vi rút tấn công vào cơ tim gây viêm cơ tim, dẫn tới những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim cấp gây khó thở, tụt huyết áp. Thể bệnh nặng cần phải chạy tuần hoàn - hô hấp ngoài cơ thể (ECMO) chờ cơ tim hết viêm và hồi phục. Viêm cơ tim tối cấp nếu được chạy ECMO khả năng được cứu sống cao.
|
Bình luận (0)