(TNO) Hỏi địa bàn khó khăn phức tạp nhất ở biên giới Hà Giang từ trước đến nay, cán bộ huyện, tỉnh và Bộ đội biên phòng nhắc ngay đến thôn Mỏ Phàng (Thượng Phùng, Mèo Vạc). Dĩ nhiên, người ta cũng không quên kể chuyện cô gái Mua Thị Và làm trưởng thôn từ hồi 25 tuổi.
Mùa Thị Và đi cùng cán bộ Biên phòng kiểm tra khu vực biên giới
|
Việc của đồng bào
Mua Thị Và cao ráo, mặt tròn vành vạnh đúng “gu” thiếu nữ người Mông trên tít núi cao Mèo Vạc.
Trời lạnh thế, sương mù đặc quánh như thể bịt mắt thế, nhưng cô gái chỉ mong manh chiếc áo khoác mỏng, gùi rau cải trĩu nặng sau lưng, phóng xe vèo vèo trên con đường đất dọc biên, lanh lảnh gọi tôi và thượng úy Mua Mí Cáy (Đồn Biên phòng Săm Pun) thập thõm dò đường phía sau: “Nhà em dưới này, các anh nhanh vào sưởi cho đỡ lạnh!”...
|
Nhà Và tường đất dày cộp, nằm giữa xóm vàng rực hoa cải. Góc nhà làm bếp, lửa quấn quýt nhảy cẫng lên đón cô chủ đang tíu tít một tay thoăn thoắt đặt ấm nước, đảo nồi cơm, một tay ru nựng cô con gái út Thào Thị Ly mới 5 tuổi, má đỏ hồng như quả táo chín. Trên tường nhà, giấy khen của Và treo kề san sát.
Nói đến Mỏ Phàng là nói đến những khó khăn phức tạp liên quan đến tình hình an ninh chính trị vùng biên giới Việt - Trung. Năm 1979, mỏ Phàng là điểm đầu tiên bị phía Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công trên tuyến biên giới Hà Tuyên. Sau đó từ 1980 - 1988, cũng chính địa bàn này đã bị cụm phỉ Lý Nhè Lùng (được sự “giật dây” của Trung Quốc) mua chuộc, đánh chiếm để làm căn cứ phá hoại, gây rối trong toàn khu vực.
Những năm gần đây, việc phân giới cắm mốc hoàn tất, tình hình bất ổn biên giới đã giảm hẳn, nhưng ở Mỏ Phàng cái sự vất vả gian nan trong giữ gìn an ninh trật tự vùng biên vẫn còn đè nặng lên vai cả cán bộ lẫn người dân.
“Bất cứ mọi việc từ nhỏ đến lớn ở cơ sở, trưởng thôn đều phải đứng ra giải quyết”, Mua Thị Vàng kể vậy và thú thật: “Từ say rượu đánh nhau cho đến có người lạ ra vào địa bàn, người dân báo mình trước, sau mới đến công an viên”.
Tôi tò mò: “Phải uy tín lắm, người dân mới tin tưởng vậy”, khiến Mua Thị Và cười giòn tan: “Uy tín thì phải dành cho già làng trưởng bản. Mình trẻ, còn vấp váp non nớt nhiều lắm. Nhưng có lẽ làm nhiều việc chung cho bà con, giúp cho từng người nên cùng đồng bào, giúp nhau vậy thôi”.
Kiểm tra hiện trạng mốc 453
|
Uy tín trong công việc thì rành mạch ngay ở thực tế, khi người dân trong thôn Mỏ Phàng bầu chọn Mua Thị Và vào chức vụ trưởng thôn. Thế nhưng với đám thanh niên trong xã, sự bầu chọn còn hơn thế, bởi Và là tấm gương rõ nhất với họ về sự dấn thân, đánh đổi tất cả để đi theo tiếng gọi trái tim.
Theo tiếng tình yêu
Đầu năm 2006 khi mới 18 tuổi, Mua Thị Và quen chàng trai Thào Mí Gió (33 tuổi, ở Mỏ Phàng) và chỉ sau 2 tháng yêu nhau, đôi trẻ quyết định làm đám cưới.
Biết vậy, nhiều người bảo: “Ơ! Con gái ở thị trấn không sướng hay sao mà vào tận góc rừng, đỉnh núi Mỏ Phàng xa xôi, đi cả ngày đường mới tới?”. Rành rọt, Mua Thị Và bảo: “Con gái lấy chồng thì phải theo chồng. Vất vả đói khổ bao nhiêu cũng phải chịu, nữa là Mỏ Phàng cũng ở trong huyện mình, cũng toàn người Mông như mình” và khăn gói theo chồng, đi bộ cả ngày, đến sưng cả chân về nhà chồng ngay giáp đường biên.
Trưởng thôn Mùa Thị Và bên mốc 453
|
Cả năm trời làm quen với ruộng nương, trồng cấy, mãi sang năm 2007, Và mới sinh con bé đầu Thào Thị Pà và 3 năm sau (2010) sinh tiếp cô bé Thào Thị Ly. Cứ nghĩ “đắm đuối chồng con” như bao phụ nữ Mông khác, cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát Mùa Thị Và sẽ “lủi thủi như con rùa trong xó cửa”. Nhưng không, ngay từ khi mới về nhà chồng, Và đã nhanh chóng trở thành “hạt nhân” trong các hoạt động kết nối đồng bào Mông trong bản và thậm chí còn là tự mình giúp các đôi vợ chồng hòa giải, hàn gắn gia đình.
Năm 2008, khi con gái đầu mới tròn 1 tuổi, chị em phụ nữ trong thôn quyết liệt bầu Và phụ trách Hội Phụ nữ của Thôn với lý do rất đơn giản: “Có người nói hộ cái bụng của chị em thôi”.
|
Thẳng thắn đúng chất người Mông, Và đứng lên phát biểu: “Mọi người bầu thì Và nhận, nhưng do con còn nhỏ, đường về UBND xã thì xa, nên Và làm được đến đâu thì làm. Khi nào con lớn, Và sẽ làm hết sức”, khiến bà con vỗ tay rung cả nhà, gật gù đồng ý.
Nói thì vậy, nhưng từ hồi nhận công việc, cứ đều đặn hàng tháng Và địu con, đi gần 20 km đường rừng xóc nảy đom đóm, cơm nắm cơm đùm về xã họp hành, rồi lại lút cút về thôn, đến từng nhà thủ thỉ truyền đạt chủ trương, đường lối chính sách. Chính cách tuyên truyền đến tai từng người như vậy mà phong trào phụ nữ của Mỏ Phàng vượt lên hẳn các thôn bản trong xã.
Tháng 5.2014, dịp bầu trưởng thôn mới, mọi người trong thôn ồ à: “Giờ con lớn rồi, Và ra làm cán bộ cho bà con nhờ đi” và 100% giơ tay bầu cô làm trưởng thôn, vẫn kiêm nghiệm luôn nhiệm vụ hội phụ nữ của chị em.
Thượng úy Mua Mí Cáy, người đã có 6 năm gắn bó với thôn vùng biên Mỏ Phàng, kể: “Hồi đầu thấy bà con bầu cán bộ nữ quá trẻ, anh em cũng lo lắm vì địa bàn phức tạp, rộng lớn. Đến đàn ông mạnh khỏe cũng khó quản lý nổi, nữa là phụ nữ một nách hai con nhỏ” và thành thật: “Thời điểm ấy, đồn phải cử cán bộ biên phòng làm... trợ lý cho Và”.
Tất nhiên, thời gian “trưởng thôn có trợ lý” cũng chỉ diễn ra 1 - 2 tháng bởi tố chất xông xáo, ham học chăm làm của Và đã là nhân tố chính khiến công việc trôi chảy. Nói chuyện với tôi, Mua Thị Và tỉ mẩn: “Thôn nhưng có đến 4 khu nằm xa nhau, mỗi tuần phải qua các khu ít nhất 2 lần. Toàn thôn có 77 hộ với 380 nhân khẩu người Mông, Hoa, Tày cũng phải đến thăm từng hộ trong tháng” và thú thật: “Vất vả nhất là tháng nào cũng phải đi rừng tuần tra gần 20 km đường biên, kiểm tra 30 cột mốc cùng bộ đội, dân quân”.
Hình như cái sự vất vả với biên cương đã ăn vào máu, nên khi ngồi nói chuyện với tôi, thi thoảng Và lại quay sang... nói chuyện riêng với Thượng úy Mua Mí Cáy về tình hình biên giới trong thôn và cả 2 thống nhất ngay việc huy động Đoàn viên Thanh niên cùng Tổ công tác Biên phòng dọn dẹp vệ sinh mốc 450 sau lễ hội chung giữa người dân 2 nước dịp Tết vừa xong.
Tò mò hỏi: “Ngày 8.3, nữ trưởng thôn ước gì?”, Và cười tít mắt: “Chỉ ước chồng vẫn thông cảm, giúp mình nấu nướng, việc nhà, chăm con những lúc mình lo công việc cho dân bản” rồi quay sang nhìn anh chồng Thào Mí Gió đang hiền lành ngồi bên: “Vợ chồng với nhau, phải nhờ chồng thôi”.
Bình luận (0)