Qua 2 nhiệm kỳ, Cơlâu Thị Giáp được bà con nhắc đến với cái tên trìu mến “Trưởng thôn của người nghèo”. Thôn J’Da đã được biết đến như một địa chỉ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, và bà con dân bản J’Da đều nói rằng, đó một phần nhờ sự năng động, nhiệt tình của nữ trưởng thôn Cơlâu Thị Giáp.
Nữ trưởng thôn đầu tiên ở huyện
Cơlâu Thị Giáp sinh ra trong một gia đình dân tộc thiểu số nghèo, đông anh em. Vừa học hết cấp 2, chị đã phải nghỉ học để theo cha mẹ lên nương rẫy kiếm cái ăn, trang trải cuộc sống. Phần khác, với quan niệm của đồng bào vùng cao, thế hệ trước đa phần họ đều cho rằng: “Học để biết cái chữ thôi, còn việc dựng vợ, gả chồng, làm nhà mới là điều quan trọng.”. Lặng lẽ rời bỏ sách vở vừa mượn được, Cơlâu Thị Giáp quay về bản làng với niềm khát khao được học hành. Ban ngày chị miệt mài lên rẫy, lên nương trồng ngô, trồng lúa. Đêm đến, chị tham gia phong trào đoàn. Vốn biết chữ sẵn, đam mê tìm tòi trong sách vở nên nhiều chủ trương của cấp trên chị đều tiếp thu rất nhanh. Đưa ra nhiều ý kiến được bà con đồng lòng. Chỉ một thời gian ngắn, Giáp được bà con thôn J’Da tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, trở thành nữ trưởng thôn đầu tiên của huyện Tây Giang. Đó là năm 2006.
“Lúc mình được giao phó trọng trách trưởng thôn, quả thực mình run lắm. Cũng may được sự ủng hộ của các bậc cao niên trong thôn nên công việc có phần suôn sẻ. Mình nghĩ rất nhiều về cuộc sống ngặt nghèo của bà con. Nguyên nhân do thiếu kiến thức làm ăn vì vậy với vốn chữ có sẵn mình bắt tay vào xóa mù cho bà con. Rồi tuyên truyền, vận động bà con về chủ trương, chính sách; xóa bỏ tập tục lạc hậu. Lâu dần bà con thấy đúng nên chấp hành rất đầy đủ. Từ đó việc xóa đói, giảm nghèo thực hiện được tốt hơn” Cơlâu Thị Giáp chia sẻ.
Vững vàng hai vai
Đảm đương công việc trưởng thôn kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ… Cơlâu Thị Giáp luôn năng động, chủ động và quyết đoán. Bà con thôn J’Da đến bây giờ vẫn thường nhắc đến chị với kho thóc tình thương đã đưa họ qua đận bão lớn năm 2009, khi cả thôn bị dòng nước lũ cuồn cuộn của sông A Vương chia cắt gần cả tháng trời. Năm đó, sau khi đi họp ở huyện về, Giáp phổ biến tinh thần xây dựng kho thóc tình thương của bản. Nghe qua ai cũng lắc đầu. Biết không thể chuyển được bà con khi chỉ nói. Nhân dịp trong thôn có người nghèo gặp hoạn nạn, Giáp đưa thóc nhà mình đến giúp đỡ và giải thích cho bà con hiểu. Hôm sau mỗi người bưng một ang lúa đến nhà trưởng bản xin nộp làm kho thóc. “Nhìn bà con đưa thóc đến mình mừng đến chảy nước mắt”, Giáp bộc bạch. Mỗi năm, kho thóc đã cứu đói kịp thời, ngăn hàng chục học sinh bỏ học. Ông Pin Tư, già làng J’Da nói: “Trưởng bản Giáp tốt cái bụng lắm. Nhờ nó mà bà con thôn bản hiếm khi lâm vào cảnh thiếu đói. Các cháu được đến trường học cái chữ”.
Bà con thôn J’Da còn nhắc đến hình ảnh người nữ trưởng thôn Cơlâu Thị Giáp với những lần đi vận động, tuyên truyền cách xây dựng nông thôn mới. Chị còn có mặt cả những trận thanh niên rượu chè ẩu đả hay gia đình bất hòa; Gia đình nào có người ốm, chị sẵn sàng đi bộ cả ngày cùng họ đến bệnh viện để chứng minh rằng ốm đau bệnh tật không phải vì ma giàng bắt phạt... Nhờ đó, thôn J’Da có hơn 120 hộ dân với gần 600 nhân khẩu đã có đời sống ổn định. Cơlâu Thị Giáp còn là một người vợ, người mẹ đảm đang. Hai con của chị đang học cấp 2 và đều nuôi ước mơ lên đại học để trở về quê giúp bà con phát triển kinh tế.
Cơlâu Thị Giáp được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp xã, huyện, tỉnh. Nhưng với chị, niềm vui lớn nhất là tìm được hướng thoát nghèo cho bà con để cho con cái họ có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.
Thụy Khuê
>> Sinh viên kiêm trưởng thôn
>> Trưởng thôn tuổi 25
Bình luận (0)