Nghe những lời thỏ thẻ ấy, chị Phạm Ngọc Trân, cô giáo ở "lớp học vui vẻ", thấy sống mũi cay cay.
Từ đầu tháng 1.2024, hai lớp học đặc biệt mang tên "lớp học vui vẻ" được mở ở các khoa Thận nội tiết, Nhiễm - thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nhằm giúp các bệnh nhi đang trong lứa tuổi tiểu học được ôn tập kiến thức, có thêm niềm vui, quên đi những cơn đau khi phải điều trị dài ngày.
TAY CẮM ỐNG KIM TRUYỀN VẪN RÁNG CẦM BÚT
Một buổi có mặt ở "lớp học vui vẻ", hình ảnh khiến tất cả chúng tôi xúc động là những em học sinh (HS) tay còn cắm ống kim truyền, khuôn mặt xanh xao nhưng vẫn háo hức chờ cô giáo. Cô ra bài tập nào các em cũng cố gắng hoàn thành, có em còn xin cô ra thêm bài tập để khi trở về phòng bệnh làm tiếp.
Cô bé tên Minh Thư khoảng 10 tuổi, rất sáng dạ, liên tục xung phong trả lời các câu hỏi. Học ở "lớp học vui vẻ" được một tuần, Minh Thư đã quen và còn giảng bài giúp các bạn chưa hiểu. Mới đây cô bé được xuất viện về quê, trước ngày chia tay lớp, Minh Thư tự tay làm những tấm thiệp ghi lời chúc gửi tới cô giáo, các bạn. "Có thể hai tuần nữa Minh Thư phải trở lại tái khám. Em sẽ tới lớp học tiếp. Thật lòng các cô giáo, các bác sĩ ở đây chỉ luôn mong các bệnh nhi sẽ sớm khỏi bệnh hoàn toàn, để các em được trở về nhà, được đi học ở trường, được nô đùa ở sân chơi như những bạn bè đồng trang lứa khác", chị Phạm Ngọc Trân, nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cô giáo của "lớp học vui vẻ", tâm sự.
Lớp học đặc biệt ở TP.HCM- Nơi ai cũng mơ ước về quê đón tết
Ngồi nhìn con nghe cô giảng bài, anh Toàn (39 tuổi, một phụ huynh ở TP.HCM) cho biết con anh đang phải theo dõi, điều trị ở khoa Nhiễm - thần kinh vì chân của bé bỗng dưng hay bị giật, mỗi lần giật kéo dài khoảng 10 giây, khiến bé dễ bị té. Bé phải uống thuốc thường xuyên, không biết bao giờ mới được xuất viện. Anh Toàn nói may mà có lớp học, con anh được ngồi học cùng các bạn, các cô để vơi đi nỗi nhớ trường lớp, bạn bè và bớt đi nỗi sợ khi phải điều trị dài ngày ở bệnh viện.
"VITAMIN NỤ CƯỜI"
Cùng 24 tuổi, cùng tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và cùng công tác ở Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, chị Phạm Ngọc Trân và chị Nguyễn Hoàng Chí Trâm được phân công làm cô giáo của "lớp học vui vẻ". Được giao nhiệm vụ hỗ trợ các em nhỏ ôn kiến thức các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh từ lớp 1 tới lớp 5, chị Trân, chị Trâm và các đồng nghiệp tại Phòng Công tác xã hội có sự chuẩn bị cẩn thận.
Ngoài việc cùng thống kê danh sách lớp, xem các em đang học trình độ nào, các thành viên còn hỗ trợ nhau tìm hiểu chương trình các môn học theo sách giáo khoa hiện hành để chuẩn bị giáo án cho từng ngày. Đồng thời, để việc dạy kiến thức được đảm bảo, chị Trân, chị Trâm cũng tham khảo thêm ý kiến từ các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
"Trước đây khi là sinh viên ngành Công tác xã hội, chúng tôi cũng từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở một số địa phương. Do đó, việc đồng hành với bệnh nhi ở "lớp học vui vẻ" cũng không quá bỡ ngỡ", chị Trân cho hay.
"Lớp học vui vẻ" học vào buổi sáng các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong tuần. Sĩ số lớp có ngày có 6 bạn, nhưng cũng có ngày 10 bạn, 12 bạn, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe các bệnh nhi. 9 giờ lớp bắt đầu học, nhưng từ 8 giờ hơn chị Trân, chị Trâm và đồng nghiệp đã chuẩn bị phòng học sẵn sàng, đồng thời chia nhau tới từng phòng bệnh dẫn các bé tới lớp vì không phải phụ huynh nào cũng biết về lớp học này.
Các bé được chuẩn bị sẵn sách giáo khoa, tập, vở, dụng cụ học tập. Không chỉ được ôn tập, bổ sung kiến thức các môn văn hóa, các cô giáo còn mang tới cho các em những bài giảng sinh động về kỹ năng sống, dạy múa, hát, cho các em cùng vẽ, chơi trò chơi... Đúng như tên gọi, lớp học trước tiên mong muốn giúp các em có thêm "vitamin nụ cười", để các em vui vẻ, lạc quan, từ đó mau lành bệnh hơn.
ĐIỀU ƯỚC MÙA XUÂN
Chị Ngọc Trân kể quá trình đồng hành với các bệnh nhi đã cho chị nhiều kỷ niệm đáng nhớ. "Có bé tâm sự với tôi "giờ này ở trường là các bạn con đang thi học kỳ. Con vẫn ở bệnh viện, không được thi với các bạn. Con ráng ôn bài tốt, sau con đi học lại thì cũng không lo là học không hiểu bài, cô ha?". Hay có bé nói "Con muốn được về nhà, con nhớ ông bà, nhớ nhà con, nhớ các bạn". Nghe thương lắm. Chúng tôi chuẩn bị những phần bánh kẹo để tặng, động viên bé khi làm hết bài, hay học ngoan. Chỉ mong các bé sớm khỏi bệnh, để chúng ta được gặp lại nhau, nhưng không phải ở trong bệnh viện".
Còn chị Chí Trâm cho biết để đảm bảo việc cùng dạy, cùng chơi với các bệnh nhi hiệu quả, chị và các đồng nghiệp phải đọc nhiều tài liệu, để không chỉ có kiến thức mà còn hiểu về tâm lý trẻ em, để dễ dàng hơn khi trò chuyện, cùng chơi, cùng động viên các bé.
Những ngày gần tết, không khí ở Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, chộn rộn hơn. Những con đường hoa, địa điểm "check in" được trang trí trên "đường hoa xuân" trong bệnh viện. Nét mặt của những bệnh nhi và phụ huynh cũng giãn ra, bớt chút âu lo. Tết sắp đến, các bé mong được về quê đón một cái tết thật ấm áp bên gia đình, người thân. Bệnh tật rồi cũng sẽ qua, các bé sẽ lại được cắp sách đến ngôi trường của mình, lâu thật lâu bên bạn bè - như những ước mơ các em đang hy vọng…
Sẽ có thêm tình nguyện viên dạy kèm các bé ngay trên giường bệnh
Ông Chu Văn Thành, Phó phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết "lớp học vui vẻ" là một trong những hoạt động nhằm giúp khoảng thời gian phải nằm viện của các bệnh nhi được thoải mái hơn. Các bé học mà chơi, chơi mà học, vừa được ôn tập kiến thức vừa thêm vui vẻ, lạc quan, tăng hiệu quả khi điều trị bệnh. Thời gian tới, ông Thành cho hay sẽ có thêm các tình nguyện viên là sinh viên các trường sư phạm, có thể mở rộng thêm "lớp học vui vẻ" ở một số khoa, hoặc các bệnh nhi không thể di chuyển tới lớp thì sẽ dạy kèm các bé ngay trên giường bệnh.
Bình luận (0)