Người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống: Để thích ứng trước những biến động xã hội

Thanh Nam
Thanh Nam
02/12/2023 14:33 GMT+7

Nhiều mô hình đã được các trường, đơn vị "trình làng" với mục đích giúp nâng cao kỹ năng sống cho người trẻ. Và không ít cách làm hay đã đem lại hiệu quả thiết thực với những chuyển biến tích cực.

Đa dạng hóa hình thức trang bị kỹ năng sống

Anh Nguyễn Tất Toàn, Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, cho biết Thành đoàn TP.HCM nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống đối với thanh thiếu nhi thành phố nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng, nên thời gian qua đã triển khai thực hiện chương trình trang bị về vấn đề này.

Cụ thể, chương trình tập trung vào 4 nhóm kỹ năng: phòng vệ, thoát hiểm; nhận thức và phát triển bản thân; giao tiếp, ứng xử xã hội; tư duy.

"Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM đã xây dựng và phát hành hơn 110.000 sản phẩm tuyên truyền về các kỹ năng sống cho người trẻ. Đó là những bộ ấn phẩm tuyên truyền bằng inforgraphic, phim ngắn... giới thiệu về kỹ năng sống một cách sinh động, dễ hiểu, nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của học sinh, sinh viên bằng 2 hình thức là trực tiếp tại nhiều đơn vị và trực tuyến trên website, fanpage của các trung tâm, trường. Bên cạnh đó còn xây dựng và vận hành chatbot kỹ năng sống trên trang cộng đồng SAC, ứng dụng SV360", anh Toàn thông tin.

Ngoài ra, Thành đoàn TP.HCM cũng phối hợp cùng nhiều cơ quan, đơn vị khác như: ĐH Quốc gia Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM… tổ chức nhiều chương trình trang bị kỹ năng sống cho học sinh.

Có thể kể như: "Hành trình văn hóa giao thông" để trang bị các kỹ năng ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; "Bác sĩ học đường" với các kỹ năng sơ cấp cứu, nhận biết các chất cấm; "Hành trình văn hóa ứng xử mạng xã hội" giúp học sinh nhận biết tin giả tin thật, kỹ năng ứng xử trên không gian mạng… Hay các chương trình tham quan, kiến tập, trang bị kỹ năng việc làm tại những xí nghiệp cũng được đầu tư và đổi mới nhằm đa dạng hóa hình thức trang bị kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Theo anh Toàn, từ những chương trình cụ thể ấy đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là nhận thức của học sinh, sinh viên về vai trò và sự cần thiết của kỹ năng sống có chuyển biến tích cực.

"Thời gian tới, Thành đoàn TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, hoạt động với mục tiêu nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Tại Đại hội lần thứ XI, Thành đoàn TP.HCM đã xác lập thực hiện chương trình huấn luyện, trang bị kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi thành phố giai đoạn 2023 - 2027 và hướng đến nhiều mục tiêu. Có thể kể như nâng cao nhận thức về vai trò của ngoại ngữ, các kỹ năng thực hành xã hội, hội nhập quốc tế… trong bối cảnh hội nhập. Qua đó, giúp người trẻ của thành phố có thể chủ động và tích cực phấn đấu trở thành công dân toàn cầu, là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập", anh Toàn cho biết.

Người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống: Để thích ứng trước những biến động xã hội - Ảnh 1.

Nhiều trường chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng sống cho sinh viên qua môi trường ngoại khóa đa dạng

THANH NAM

Đào tạo kỹ năng sống qua môi trường ngoại khóa

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, với sinh viên, trình độ kiến thức chuyên môn là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài kiến thức, sinh viên cần phải trau dồi kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân, sẵn sàng thích ứng linh hoạt và ứng xử phù hợp trong công việc, cuộc sống.

Xuất phát từ thực tế này, trường chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng sống cho sinh viên qua môi trường ngoại khóa đa dạng.

"Hiện trường có hơn 60 CLB ở đa lĩnh vực như: học thuật, nghệ thuật, thể thao, tình nguyện, vui chơi, giải trí… được tổ chức hoạt động liên tục. Ở lĩnh vực học thuật, mỗi khoa, ngành đều có những CLB khác nhau để sinh viên tự tổ chức các hội thảo chuyên ngành, tìm kiếm và kết nối doanh nghiệp, chia sẻ kiến thức cùng nhau. Qua đó giúp sinh viên học được những kỹ năng sống như: giao tiếp, thuyết phục, thiết lập mối quan hệ, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình", chị Dung nói và thông tin thêm: "Đối với lĩnh vực nghệ thuật, có nhiều CLB từ ca hát, nhảy, múa, thời trang như: thanh nhạc, MC, model, guitar, nhiếp ảnh… Đó là môi trường để sinh viên theo đuổi sở thích nghệ thuật, phát triển năng khiếu cá nhân bên cạnh học tập. Ngoài ra, các CLB tình nguyện với nhiều hoạt động thiện nguyện đa dạng, những chuyến đi đến vùng khó khăn trên mọi miền giúp sinh viên học cách đồng cảm, biết sống vì cộng đồng".

Cũng theo chị Dung, một hoạt động khác giúp nâng cao kỹ năng sống cho sinh viên đó là trường thường tổ chức những cuộc thi về tài năng, sắc đẹp, khởi nghiệp… Từ các sân chơi này, sinh viên có cơ hội trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, đàm phán thuyết phục, giải quyết vấn đề, giao tiếp, tổ chức sự kiện, chịu được áp lực. Trường cũng tổ chức các buổi hội thảo về kỹ năng sống cho sinh viên với sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia uy tín.

Người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống: Để thích ứng trước những biến động xã hội - Ảnh 2.

Một hoạt động giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng phỏng vấn ứng tuyển của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

THANH NAM

Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết trường liên tục tổ chức nhiều hoạt động để giúp sinh viên nâng cao kỹ năng sống.

Cụ thể, trường thường xuyên mời những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để huấn luyện cho sinh viên các kỹ năng sống như: làm việc nhóm, quản lý thời gian, xử lý khủng hoảng, tổ chức sự kiện, kỹ thuyết trình, viết báo cáo...

Bên cạnh đó, trường còn có hệ thống 65 CLB thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học thuật, thiện nguyện, công tác xã hội… để sinh viên tham gia, rèn luyện và trau dồi kỹ năng sống.

"Nhờ vậy, sinh viên trở nên dạn dĩ và trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn cho bản thân", tiến sĩ Trí cho biết.

Theo tiến sĩ Trí, khi sinh viên có nhiều kỹ năng sống sẽ được những "điểm cộng" trong cuộc sống, công việc. Chẳng hạn như biết cách tiếp cận, xử lý công việc linh hoạt, nhạy bén, được doanh nghiệp đánh giá cao.

"Nếu có kỹ năng sống, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ thích ứng tốt hơn trước những biến động và sự yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại. Cũng như dễ dàng cạnh tranh hơn trên thị trường lao động vốn dĩ khắc nghiệt như hiện nay", tiến sĩ Trí nói.

Người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống: Để thích ứng trước những biến động xã hội - Ảnh 3.

Tham gia các CLB nghệ thuật, các hoạt động ngoại khóa... cũng là cách để sinh viên nâng cao kỹ năng sống, trở nên dạn dĩ hơn

THANH NAM

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), kỹ năng sống rất cần cho người trẻ trong thời hội nhập. Vì lẽ đó, để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, trường có nhiều CLB như: nghệ thuật nói trước công chúng, hùng biện… "Từ việc tham gia các CLB này, kỹ năng sống của học sinh được nâng cao", ông Phú khẳng định.

Ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp, Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết từ đầu năm học, sau khi tiếp nhận sinh viên nội trú là triển khai nhiều hoạt động nhằm kịp thời trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho sinh viên khi ở KTX. Có thể kể như: thích nghi với cuộc sống mới, môi trường tập thể; kỹ năng và kiến thức phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; nhận diện lừa đảo trên không gian mạng; chăm sóc sức khỏe tinh thần…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.