Đình chỉ công tác Chủ tịch và Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng

08/02/2012 03:51 GMT+7

* Thành ủy Hải Phòng nhận trách nhiệm 
* Kiểm điểm Trưởng công an huyện và 2 cán bộ xã

Chiều qua, 7.2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã trực tiếp chủ trì cuộc họp báo về vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng và thông báo quyết định đình chỉ công tác Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng để kiểm điểm trách nhiệm.


Đến cuộc họp báo lần thứ ba do Thành ủy tổ chức, nhiều phóng viên mới được cung cấp thông tin có giá trị -  ảnh: Thiên Bình

 
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành - ảnh: Thiên Bình

Mở đầu cuộc họp báo, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thẳng thắn: “Chúng tôi đã họp và kiểm điểm, đối với UBND TP mặc dù việc cưỡng chế thu hồi đất nói chung đã phân cấp cho huyện, song tập thể lãnh đạo cũng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, chỉ đạo để xảy ra vụ việc trên. Đối với Huyện ủy Tiên Lãng, mặc dù không có dấu hiệu tư lợi hay cố ý làm trái nhưng sự việc đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và cá nhân đồng chí Bí thư Huyện ủy về trách nhiệm do thiếu chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra hậu quả do chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của luật Đất đai.

Đình chỉ công tác đồng chí Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh, người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Kiểm điểm đồng chí Lê Văn Mải, Trưởng công an huyện Tiên Lãng; Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Cơ quan chức năng thành phố sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc sau khi có kết luận về trách nhiệm cá nhân. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trước Đảng bộ và nhân dân thành phố để sự việc xảy ra, gây dư luận không tốt trong nhân dân”.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trước Đảng bộ và nhân dân thành phố để sự việc xảy ra, gây dư luận không tốt trong nhân dân

Ông Thành cũng cho biết, lãnh đạo Thành ủy đã giao Ủy ban Kiểm tra căn cứ quy định Điều lệ Đảng, kiểm tra đôn đốc quy trình kiểm điểm tổ chức và cá nhân theo quy định; giao Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị phương án cán bộ thay thế theo phân cấp; giao Công an TP khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án nhà trông đầm (nằm ngoài diện tích cưỡng chế - PV), xử lý theo quy định của pháp luật. TP sẽ công bố công khai kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

“Trước đó, TP đã có 2 lần họp báo, lần này vì là công việc liên quan đến Thành ủy (Thường vụ Thành ủy họp, xử lý kỷ luật lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng- PV) nên Thành ủy chủ trì họp báo”, ông Thành cho biết. 

Huyện giao đất cho gia đình ông Vươn có 14 năm trong khi luật quy định thời hạn 20 năm, quan điểm của Bí thư Thành ủy như thế nào về điều này?

Hiện nay Bộ TN-MT đang có đoàn kiểm tra, sẽ đưa ra kết luận về quá trình giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Khi Bộ TN-MT có kết luận, TP sẽ công khai ngay và tuân thủ theo kết luận.

 

Xem xét ưu tiên cho thuê đầm

Trả lời các phóng viên, sau vụ việc này, chủ trương của thành phố về xử lý các khu đầm thủy sản hết thời hạn như thế nào? Gia đình ông Vươn có được thuê tiếp diện tích đang sử dụng? Ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng, nói: “Chúng tôi đang cho rà soát lại toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản. Tinh thần chung là nếu khu vực nào phù hợp với quy hoạch sẽ tiếp tục cho thuê tiếp, người đang canh tác sẽ được ưu tiên cho thuê theo đúng quy định. Nếu khu vực nào trái với quy hoạch sẽ phải dừng việc sản xuất nuôi trồng thủy sản. Với gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng vậy, sẽ được xử lý theo chủ trương chung này”.

Trước khi cưỡng chế, huyện Tiên Lãng đã có văn bản xin ý kiến lãnh đạo TP. Bây giờ xảy ra việc này, những cơ quan tham mưu cho huyện có bị xem xét trách nhiệm?

Ở đây có sơ suất của các ngành như thanh tra, tài nguyên - môi trường đã kiểm tra, hướng dẫn cho cấp dưới chưa đến nơi đến chốn cho nên xảy ra hậu quả. Lãnh đạo TP đang yêu cầu lãnh đạo các ngành đã tham mưu cho huyện Tiên Lãng phải làm giải trình, TP sẽ xử lý trách nhiệm những người đứng đầu đã ký văn bản tham mưu không hợp lý.

Nhà ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế bị san phẳng, đầm nhà ông Vươn bị bắt hết thủy sản, vậy TP sẽ xử lý việc này thế nào, thưa ông?

Việc phá nhà, chúng tôi đã giao cho công an xác minh, sẽ khởi tố vụ án để điều tra, xử lý những người vi phạm. Còn về thủy sản ở đầm, theo báo cáo xác minh sơ bộ của công an, trước khi xảy ra vụ cưỡng chế, nhà ông Vươn đã thuê một số người đánh bắt tôm cá đem bán.

Việc phá nhà ông Vươn có sự phát ngôn của Phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại khiến nhiều người dân bất bình. Vậy ông Thoại có công khai xin lỗi người dân?

Anh Thoại có phát ngôn chưa chuẩn, không rõ ràng, để cho một số báo hiểu lầm. Cá nhân anh Thoại đã rút kinh nghiệm trước TP về vấn đề này. Sau này, khi có kết luận của cơ quan chức năng thì sẽ tính toán cụ thể đồng chí Thoại có xin lỗi không, xin lỗi ai, vào thời điểm nào cho phù hợp.


Trong cuộc họp báo ngày 12.1, ông Lê Văn Hiền vẫn khẳng định huyện làm đúng - ảnh: Nguyễn Đức

5 sai phạm của lãnh đạo huyện Tiên Lãng

Tại cuộc họp báo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành cho biết, qua kiểm tra bước đầu cho thấy, huyện Tiên Lãng đã chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của luật Đất đai nên để xảy ra chống đối người thi hành công vụ. Cụ thể, có 5 sai phạm:

- Không công bố công khai phương án sử dụng đất sau khi thu hồi.

- Không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi.

- Không tổ chức đối thoại giữa người bị thu hồi với người ký quyết định cưỡng chế thu hồi.

- Việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm không hợp lý, sát tết cổ truyền, gây phản ứng trong dư luận nhân dân về đạo lý và mối quan hệ giữa chính quyền huyện Tiên Lãng với nhân dân.

- Sau cưỡng chế để xảy ra việc nhà trông đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy.

Chủ đầm Kết tố cáo vụ phá nhà

Sau nhiều lần hẹn, chiều qua chủ đầm Vũ Văn Kết đã đồng ý gặp các nhà báo để tiết lộ những thông tin quan trọng liên quan đến vụ phá 2 căn nhà của anh em ông Đoàn Văn Vươn.


Ông Vũ Văn Kết (bìa trái) chỉ cung cấp thông tin, các PV (PV Báo Thanh Niên ngồi ở bìa phải) không được hỏi gì - ảnh: Đông Bắc  

Tuy nhiên, khi đến trước nhà ông Kết, chúng tôi liên lạc lại thì ông đề nghị ra khu vực chợ phía ngoài đường lớn để chờ ông liên lạc cụ thể, vì không muốn đông người vào nhà khiến hàng xóm dị nghị.

“Không ai được hỏi tôi bất cứ câu hỏi nào”

Gần nửa giờ sau, một người bạn của ông Kết có mặt tại khu vực chợ để dẫn đường cho các nhà báo. Sau nhiều đoạn đường vòng vèo chạy ra hướng đê biển, chúng tôi được dẫn về một căn nhà nhỏ nằm sâu phía trong trụ sở của Xí nghiệp thủy sản Đình Vũ (nơi ông Kết thuê lại đầm để nuôi trồng thủy sản), thuộc xã Tiên Hưng.

Cả ba ông Khanh, Hoan và Liêm đều nhờ tôi gọi hộ một chiếc máy xúc để lực lượng cưỡng chế giải tỏa mặt bằng

Chủ đầm Vũ Văn Kết

Một người đàn ông xuất hiện yêu cầu kiểm tra thẻ nhà báo và CMND của các phóng viên rồi ghi chép vào sổ rất cẩn thận.

15 phút sau, ông Kết xuất hiện. Ông vào đề ngay với lời nhắc nhở: “Không ai được hỏi tôi bất cứ câu hỏi nào”. Sau đó, ông Kết mang một tờ giấy ra và đọc trong đó thông tin cần cung cấp cho phóng viên chỉ có vài dòng vỏn vẹn. Khi thấy phần thông tin này không nêu ra được vấn đề cần làm rõ nên PV yêu cầu ông Kết cung cấp thêm. Ông Kết lập tức đứng dậy và từ chối thẳng thừng.

Phải mất đến 30 phút sau các PV mới thuyết phục được ông Kết thông tin thêm. Tuy nhiên lần này ông cũng chỉ đọc thông tin đã ghi sẵn trong sổ (trong đó bổ sung một số ý mà PV đã đề nghị làm rõ) và không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Đến lượt ông Vũ Văn Đoàn (chủ máy xúc) và ông Đặng Văn Tài (người lái máy xúc) cũng vậy. Lần lượt từng người vào một phòng gần đó viết ra giấy rồi lần lượt vào đọc đúng theo phần đã chép. Thậm chí khi hai ông Đoàn và Tài nói thì luôn có người đứng cạnh nhắc nhở.

“Cả ba ông” nhờ gọi máy xúc

Chúng tôi xin trích lời ông Kết đã đọc:

"Vào lúc 14 giờ ngày 5.1, ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang có điện thoại gọi tôi ra ngay trụ sở Tổng đội Thanh niên xung phong, đóng trên địa bàn xã Vinh Quang, gặp Ban tổ chức cưỡng chế của huyện, có việc nhờ. 14 giờ 30 phút, tôi (ông Kết - PV) đến nơi và gặp anh Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo cưỡng chế, cũng có mặt tại đây. Ngoài ra, còn có ông Hoan và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã cùng các thành viên ban cưỡng chế. Cả ba ông Khanh, Hoan và Liêm đều nhờ tôi gọi hộ một chiếc máy xúc để lực lượng cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Tôi nhận lời và gọi cho một người tên Thái, là chủ máy xúc ở xã Tiên Hưng, tuy nhiên ông Thái bận nên tôi gọi cho anh Vũ Văn Đoàn đề nghị điều máy xúc. Anh Đoàn còn hỏi tôi cụ thể là ai nhờ, tôi nói, anh Khanh, anh Hoan và anh Liêm nhờ. Anh Đoàn nhận lời. Tuy nhiên khoảng tầm 17 giờ chiều cùng ngày, anh Khanh và anh Hoan điện thoại lại cho tôi nói, hôm nay muộn quá, để mai (6.1) làm. Sáng 6.1, anh Đoàn đưa máy xuống khu vực đầm nhà anh Vươn làm việc. Khi các ông lãnh đạo huyện và xã gọi điện nhờ tôi thuê máy xúc có rất nhiều người làm chứng, lúc này ở trụ sở Tổng đội Thanh niên xung phong cũng rất đông, có cả biên phòng, công an xã". Ông Kết cũng trình bày, chiếc máy xúc của ông Đoàn dùng phá nhà chính là chiếc máy xúc mà ông đã nhượng lại cho ông Đoàn từ hơn một năm nay, do vậy nhiều người tưởng lầm đó là máy xúc của ông.

Cho máy phá đến 11 giờ thì xong

Ông Vũ Văn Đoàn cũng xác nhận: "Vào thời điểm trên, tôi được ông Kết thông tin về việc Ban cưỡng chế huyện, cụ thể là ông Khanh, ông Hoan và ông Liêm muốn thuê máy xúc để giải phóng mặt bằng với giá 500.000 đồng/giờ. Tôi gọi cho công nhân lái máy xúc là anh Đặng Văn Tài, cũng ở Tiên Hưng, đưa máy xúc ra hiện trường, sau đó tôi đi công việc".

Còn theo Đặng Văn Tài, SN 1987, người trực tiếp lái chiếc máy xúc vào khu vực trên, nhớ lại: “Sau khi nhận được lệnh của ông Đoàn, chủ máy, 7 giờ sáng 6.1, tôi lái máy xúc ra khu vực đầm của gia đình ông Vươn nhưng mãi 8 giờ, ông Hoan, ông Liêm và khoảng hơn chục người của Ban cưỡng chế mới đến. Lúc này tôi thấy căn nhà nhỏ phía ngoài đường đi vào của nhà anh Quý đã bị phá nham nhở, còn căn nhà hai tầng thì vẫn còn nguyên. Sau đó, ông Hoan và ông Liêm chỉ đạo tôi phá căn nhà hai tầng này. Tôi cho máy phá đến 11 giờ thì xong, tôi đưa giấy đề nghị thanh toán cho ông Hoan rồi lái máy xúc về”.

Phạm Hải Sâm

Káp Long - Hải Sâm - Nguyễn Đức

>> Bí thư Thành ủy Hải Phòng: "Sẽ khởi tố vụ đập nhà ông Quý
>> Đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng
>> Vụ cưỡng chế đầm tại Tiên Lãng, Hải Phòng: Nhiều bộ, ngành vào cuộc
>> Việc cấp, thu hồi, cưỡng chế đất ở Tiên Lãng “có vấn đề”
>> Nhiều điều khó hiểu trong vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng
>> Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Hải Phòng
>> Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp giải quyết vụ việc ở Tiên Lãng
>> Về vụ cưỡng chế đầm ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: San phẳng ngôi nhà trước mắt cơ quan chức năng
>> Chính quyền thuê “người ngoài” trông coi đầm ông Vươn!
>> Xã hội đen" được giao quản lý đầm ông Vươn?
>> Hàng chục tấn thủy sản trong đầm của ông Đoàn Văn Vươn "bốc hơi
>> Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.