Đây là thông tin được ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), cho biết ngày 26.4.
Đình công tự phát, đình công tập thể trong quý 1/2022 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. |
Phúc Ngư |
Theo ông Lê Đình Quảng, trong hơn 3 năm qua, cả nước xảy ra 591 cuộc đình công. Nhìn chung các cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Nếu như năm 2018 có 214 cuộc đình công, ngừng việc trên cả nước thì đến năm 2021 chỉ còn 107 cuộc.
Tuy nhiên, quý 1/2022, cả nước đã xảy ra 64 cuộc, tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm ngoái là 44 cuộc (tăng 40%).
“Tất cả các cuộc ngừng việc tập thể, đình công đều tự phát, không đúng trình tự quy định, không do công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Tuy vậy, các cuộc đình công, ngừng việc tập thể đều trong phạm vi quan hệ lao động, chủ yếu vì mục đích kinh tế, diễn ra trong trật tự, không xảy ra hiện tượng đập phá máy móc, tài sản…”, ông Quảng cho biết.
Tiền lương thấp, hơn một nửa người lao động chỉ đủ ăn đủ sống |
Đáng chú ý, theo báo cáo của liên đoàn lao động các địa phương, thời điểm xảy ra các cuộc đình công, ngừng việc chủ yếu trước và sau tết Nguyên đán (chiếm 30% tổng số cuộc trong cả năm).
Thời gian ngừng việc, đình công phổ biến từ 1 - 2 ngày, có cuộc kéo dài đến 5 ngày.
Về nguyên nhân, ông Quảng cho hay chủ yếu đình công, ngừng việc là do vấn đề về tiền lương và phúc lợi cho người lao động. Trong năm 2021, nguyên nhân là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp, đặc biệt là vào dịp lễ, tết, nhiều doanh nghiệp chậm trả lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo.
Đáng chú ý, trong quý 1/2021, nguyên nhân của ngừng việc tập thể còn do doanh nghiệp chậm trả lương, thưởng, chi trả tiền thường tết không công bằng, doanh nghiệp né tránh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tổ chức tăng ca quá quy định của pháp luật, quản lý hà khắc và đối xử thô bạo của người sử dụng lao động với người lao động…
Phân loại theo loại hình sở hữu, tỷ lệ đình công lớn nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, tiếp theo là doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản và một số nước khác.
Phân loại theo ngành nghề kinh doanh, dệt may chiếm 40%, da giày chiếm 15%, điện tử chiếm 10%, chế biến gỗ 7% và các ngành nghề khác chiếm 28%.
Trước việc tiềm ẩn những mâu thuẫn, phát sinh thành các thanh chấp, ông Quảng cho rằng để giảm thiểu ngừng việc tập thể và đình công, cần có nhiều giải pháp một cách đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, việc cần thiết phải làm sớm là doanh nghiệp tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1.7.2021.
Bình luận (0)