Lê Ngọc Ái Linh (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Kiến trúc) cho biết thói quen ăn uống của bản thân thay đổi nhiều kể từ khi lên TP.HCM nhập học. Khi còn ở quê, cha mẹ Linh theo sát chế độ ăn của con, ăn cơm nhà đầy đủ nên cô gái có sức khoẻ tốt. Giờ đây, mỗi ngày Linh chỉ có khoảng 30 phút để ăn trưa trước khi vào tiết học buổi chiều nên chọn ăn ở cửa hàng tiện lợi. Hồi năm nhất, Linh xem món ăn vặt là bữa chính, mỗi ngày đều ăn bánh tráng, lạp xưởng nướng đá, lẩu ly... từ các quán vỉa hè.
Còn Mai Thu Hằng (19 tuổi, sinh viên trường ĐH Văn Hiến) thì gặp áp lực về cân nặng quá khổ. Tìm hiểu trên mạng xã hội Hằng chọn phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Mỗi ngày, Hằng nhịn ăn trong 20 tiếng và chỉ uống nước, 4 tiếng còn lại sẽ dành nạp năng lượng cho cả ngày với các món thanh đạm.
Thói quen nhỏ hệ luỵ lớn
Khảo sát của PV Thanh Niên cho thấy, thực trạng sinh viên ăn uống thất thường, ăn hàng quán và bỏ bữa như Ái Linh, Thu Hằng không phải hiếm.
Ái Linh kể: "Thói quen ăn uống không lành mạnh và thức khuya thường xuyên khiến tôi bị viêm loét dạ dày nặng khi vào năm hai". Dù cố gắng ăn uống đều đặn hơn nhưng Linh vẫn bị trào ngược dạ dày, vừa ăn xong đã muốn nôn ra hết, được bác sĩ chỉ định mổ vì bệnh biến chứng phức tạp.
Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Y khoa chuyên ngành Ngoại Tiêu hóa, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BV Đa khoa TP. Cần Thơ chia sẻ: "Thói quen ăn vặt và uống nước ngọt nhiều đường thay vì bổ sung các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe".
Đầu tiên là tăng nguy cơ béo phì và các bệnh chuyển hóa. BS Phú cho biết, các loại thực phẩm ăn vặt như khoai tây chiên, bánh kẹo, trà sữa chứa nhiều calo rỗng nhưng không cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết. Việc tiêu thụ quá mức các thực phẩm này dễ dẫn đến tăng cân không kiểm soát, béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu và gan nhiễm mỡ.
Khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ protein, vitamin và khoáng chất, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, suy giảm hệ miễn dịch, và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Đồ uống có đường như nước ngọt, trà sữa, và thực phẩm giàu carbohydrate dễ gây sâu răng, viêm lợi và hôi miệng do tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ăn vặt thay thế bữa chính khiến sinh viên dần mất cân đối trong chế độ ăn uống. Nếu kéo dài, điều này sẽ dẫn đến những rối loạn dinh dưỡng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Đăng ký lịch học dày đặc, vừa đi học vừa làm thêm... nên nhiều sinh viên có thói quen ăn không đúng giờ, ăn hàng quán, vỉa hè không đảm bảo vệ sinh… Về lâu dài, có thể dẫn đến một số hậu quả như: rối loạn tiêu hoá, ăn uống không đúng giờ làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng ruột kích thích. Hành vi ăn vội khiến thức ăn không được nhai kỹ, gây khó tiêu và tạo áp lực cho dạ dày.
Thức ăn đường phố, chế biến không hợp vệ sinh hoặc không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc như Salmonella, E.coli, hoặc viêm gan A. Ngộ độc thực phẩm kéo dài ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và hệ tiêu hóa.
Sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản và phụ gia hóa học làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và béo phì. Những thói quen này làm giảm khả năng miễn dịch, cơ thể dễ mắc bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy hoặc các bệnh lý khác liên quan đến đường tiêu hóa, suy giảm sức khoẻ tổng thể.
Theo lời Linh, sau phẫu thuật cơn đau dạ dày vẫn tái đi tái lại chứ không dứt. Hiện tại Linh phải ăn uống rất cẩn thận, kiêng khem, hạn chế tuyệt đối đồ cay hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ, không thể "theo đuổi" các món ăn vặt yêu thích như xưa.
"Sinh viên không chỉ là thế hệ trẻ mà còn là lực lượng lao động chính trong tương lai. Nền tảng sức khỏe tốt là yếu tố không thể thiếu để học tập và làm việc hiệu quả. Một lối sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ sẽ giúp các bạn duy trì sức khỏe tốt và phát huy tối đa tiềm năng của mình trong tương lai", BS Phú nhắn nhủ.
Sinh viên không nên tự mình làm chuyên gia
Trái với Ái Linh, Thu Hằng chỉ ăn những món thanh đạm, tốt cho cơ thể để giảm cân. "Tôi tham khảo nhiều cách thì nhận thấy đây là phương pháp phù hợp nhất với mình, không cần tập thể dục nặng và tiết kiệm tiền ăn. Sau hai tuần, cân nặng tôi giảm từ 55 kg còn 50 kg khiến tôi rất phấn khích, muốn giảm nhiều hơn nữa", Hằng nói.
Tuy nhiên, những triệu chứng bất thường đã xuất hiện hai tháng sau đó. Hằng thường xuyên chóng mặt, buồn nôn, trễ kinh, đau bụng không rõ nguyên nhân. Đỉnh điểm, cô gái mệt ngất xỉu khi đang học trên lớp. Hằng đi khám thì được chẩn đoán rối loạn điện giải và suy giảm chức năng tiêu hóa vì thiếu hụt dinh dưỡng.
Bác sĩ La Văn Phú - TS Y khoa chuyên ngành Ngoại Tiêu hóa, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BV Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết, khi áp dụng một chế độ ăn kiêng, giảm cân nào đó cần chọn phương pháp phù hợp, làm theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nếu không sẽ "lợi bất cập hại". Như trường hợp của Thu Hằng, bạn sinh viên bị rối loạn điện giải, tức là cơ thể thiếu hụt các khoáng chất như natri, kali, canxi do cắt giảm thực phẩm không hợp lý, dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải. Điều này ảnh hưởng đến chức năng cơ, hệ thần kinh và tim mạch, gây ra các triệu chứng như chuột rút, mệt mỏi, thậm chí rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
Ngoài ra, ăn kiêng không đầy đủ chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể gây táo bón, khó tiêu, viêm dạ dày hoặc hội chứng ruột kích thích. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây suy giảm chức năng đường tiêu hóa kéo dài.
Thu Hằng thừa nhận: "Khoảng thời gian đó ảnh hưởng nặng nề từ sức khỏe đến tinh thần. Học hành cũng mất tập trung". Bởi vì, khi áp dụng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt thường đi kèm với căng thẳng, lo lắng hoặc rối loạn ăn uống như chán ăn tâm lý (anorexia) hoặc ăn uống không kiểm soát (binge eating), ảnh hưởng nhiều đến tâm lý.
"Về lâu dài, việc giảm cân nhanh bằng cách ăn kiêng không khoa học thường khiến cơ thể mất đi khối cơ (muscle mass), làm chậm quá trình trao đổi chất. Điều này dẫn đến tăng cân trở lại nhanh chóng sau khi ngừng ăn kiêng (hiệu ứng yo-yo) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch, rất nguy hiểm", BS Phú nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng và sức khỏe:
- Sức khỏe thể chất: Cơ thể khỏe mạnh giúp sinh viên có năng lượng để học tập, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội.
- Sức khỏe tinh thần: Dinh dưỡng đầy đủ góp phần quan trọng trong việc cải thiện tâm trạng, tăng khả năng tập trung và giảm căng thẳng.
- Phòng ngừa bệnh tật: Chế độ ăn uống khoa học giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và rối loạn tiêu hóa trong tương lai.
Lời khuyên dành cho sinh viên:
Để có một sức khỏe tốt đúng nghĩa cần có kiến thức về sức khỏe và dinh dưỡng. Sau đây là một số lời khuyên để các bạn đạt được điều đó:
1. Xây dựng chế độ ăn uống cân đối:
- Ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, kết hợp đầy đủ các nhóm chất (tinh bột, đạm, chất béo lành mạnh, chất xơ, vitamin và khoáng chất).
- Ưu tiên các thực phẩm tươi, sạch và chế biến tại nhà.
2. Hạn chế đồ ăn nhanh và đồ uống có đường:
- Thay thế đồ ăn vặt bằng trái cây, các loại hạt, hoặc sữa chua không đường để vừa tốt cho sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí.
- Uống nhiều nước lọc thay vì trà sữa, nước ngọt có gas.
3. Ăn uống đúng giờ, không ăn vội:
- Tạo thói quen ăn uống khoa học, không bỏ bữa sáng và tránh ăn uống trong trạng thái vội vàng.
- Chọn các quán ăn đảm bảo vệ sinh nếu phải ăn bên ngoài.
4. Tham khảo ý kiến chuyên gia khi cần thiết:
Khi muốn giảm cân hoặc thay đổi chế độ dinh dưỡng, nên tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khỏe.
5. Kết hợp vận động:
Duy trì lối sống năng động, tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe toàn diện.
Có thể nói, trong các biện pháp giảm cân, luyện tập đúng cách, nhất là chạy bộ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý là biện pháp khoa học và hữu hiệu nhất.
Bình luận (0)