Vậy, chế độ ăn uống của sinh viên ở TP.HCM thời điểm hiện tại đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh hay phải kiêng khem vì eo hẹp kinh tế?
Ăn mì tiết kiệm vì…
Những năm trước, Nguyễn Lâm Quốc Chiến (21 tuổi), sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM thường chọn ăn bên ngoài vì tiện và đa dạng lựa chọn. Rồi Chiến dần nhận ra đây chính là nguyên nhân khiến bản thân tăng cân không kiểm soát.
Theo anh, những món ăn ở ngoài các hàng quán phần lớn đều được chế biến sử dụng nhiều dầu và gia vị. Bên cạnh đó, Quốc Chiến còn thường bị say xẩm mặt mày vì bột ngọt trong thức ăn. Do đó, chàng sinh viên đã bắt đầu tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát chế độ ăn của mình.
Tuy nhiên, Chiến cho biết vẫn cảm thấy mình chưa ăn uống lành mạnh và khoa học. "Mỗi ngày tôi chỉ ăn hai bữa, có khi chỉ ăn vào mỗi buổi trưa. Nhiều lúc tối đi học về, tôi mệt lả người do chế độ ăn cắt tinh bột. Nhưng rồi tôi lại chọn uống nước lọc thay vì ăn bổ sung vì sợ ăn tối sẽ dễ lên cân", Chiến chia sẻ.
Chiến cũng cho biết dù ăn ít nhưng bản thân lại là một "con nghiện trà". Chàng sinh viên thường tiêu một số tiền không nhỏ cho những lần đặt nước, trà chiều cùng bạn bè. Theo lời Chiến, "trung bình mỗi ngày tôi uống từ 1 đến 2 ly, mỗi ly dao động từ 50.000 - 70.000 đồng. Vì vậy có những tháng tôi bị thâm hụt tiền ăn, đành phải ăn mì cho tiết kiệm".
Nói về chế độ ăn của mình, Võ Ngọc Khải (19 tuổi), sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cho biết bản thân thường chạy deadline đến rất khuya, không thể dậy sớm để ăn sáng nên thường gộp hai cử làm một vào bữa trưa, dẫn tới buổi tối ăn trễ nên nhiều lúc bỏ bữa.
"Khối lượng bài tập trên trường lớn nên tôi áp dụng cách này liên tục. Những món ăn cũng mang tính tạm bợ như mì gói, bánh mì, đồ ăn mua từ cửa hàng tiện lợi. Nhiều khi đói quá nên tôi mệt tới mức không thể ăn nổi, kèm theo các triệu chứng đau bụng, nhức đầu, tinh thần rã rời”, Khải chia sẻ.
Trong giai đoạn tập trung cao điểm để làm bài, Khải ưu tiên bổ sung thức uống thay vì những món ăn dinh dưỡng. Khải cho biết: "Thức khuya làm năng suất ban ngày của tôi giảm đáng kể. Do đó, tôi thường nạp cà phê lúc làm bài, nếu vẫn buồn ngủ thì phải mua thêm nước tăng lực thì mới có thể tỉnh táo được. Uống xong thì tim đập nhanh, tập trung hơn, trong khi ăn tốn nhiều thời gian, đã vậy còn khiến mình buồn ngủ".
Sau đó, Khải chọn "bù đắp" cho bản thân sau thời gian này bằng những bữa ăn sang như buffet thịt nướng, sushi tại các chuỗi nhà hàng. Khải sẵn sàng chi hơn một nửa số tiền có được dù biết rằng mình phải "dè sẻn từng đồng" cho các khoản khác. Tuy nhiên, thói quen này nhiều khi khiến Khải rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, uống cà phê thay cơm để tập trung làm bài cũng như tiết kiệm tiền thuê trọ.
Phải đến bệnh viện vì chế độ ăn uống
Chia sẻ với PV Thanh Niên, Lê Quỳnh Giao (18 tuổi) Trường đại học Văn Lang, cho biết thời gian đầu mới vào TP.HCM học, vì chưa biết nấu ăn, Giao chủ yếu mua các món chế biến sẵn tại cửa hàng tiện lợi hoặc các hàng quán dọc đường. Những ngày không đến trường, chị sẽ đặt giao hàng ứng dụng về hoặc "nhịn luôn cho khỏe".
Ngoài ra, Giao cho biết thường xuyên đi chơi với bạn bè: "Mỗi lần như vậy, tôi và nhóm bạn thường chọn các quán ăn vặt, mì cay, trà sữa cho "có không khí" chứ ăn đồ lành mạnh thì không hợp. Đặc biệt là buffet cá viên chiên, có thời gian tôi ăn đến 3-4 lần/tuần".
Tuy nhiên, sau 3 tháng, Giao sụt cân, da nổi mụn, rối loạn tiêu hóa, hay mệt và bị đau bụng thường xuyên. Giao đến bệnh viện thì được chẩn đoán viêm loét dạ dày, phải dùng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt.
"Vào TP.HCM để học, chỉ cần ăn no, đủ chất…"
Trái ngược với Chiến, Khải và Giao, Trương Thanh Long (19 tuổi), hiện theo học tại một trường đại học y tại TP.HCM cho biết mình quản lý việc ăn uống chặt chẽ. Theo đó, "tiêu chuẩn" mỗi bữa ăn của Long là 30.000 đồng, thêm tiền ăn vặt, mỗi ngày Long cho biết bản thân được chi 100.000 đồng cho việc ăn uống.
"Mình theo nhu cầu ăn no mặc ấm chứ không phải ăn ngon mặc đẹp, vì mình xác định vào TP.HCM là để học nên thường chỉ cần ăn no, đủ chất là được. Thực tế, mỗi ngày mình cũng không tiêu quá 100.000 đồng vào việc ăn uống, ví dụ buổi sáng mình ăn bánh mì, miến… cũng tầm 15.000 đồng đổ lại nên cuối tháng cũng còn dư tiền ăn, số tiền đó có thể ăn "sang" được nhiều bữa", Long cho biết.
Trong khi đó, bữa trưa và bữa tối của Long chủ yếu là những phần cơm giá 30.000 đồng. Chàng sinh viên nói rằng bữa ăn đảm bảo no, cung cấp đủ năng lượng, dinh dưỡng cho việc học tập nên khá hài lòng về những bữa ăn ngoài.
"Cơ bản thứ mình cần chỉ là nhu cầu năng lượng nên bữa ăn chỉ cần đầy đủ bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước là được. Thực tế một suất ăn 30.000 đồng đều đảm bảo các nhóm chất dinh dưỡng mình đã liệt kê, rất ít khi thiếu, đa phần có thiếu thì là thiếu canh, nhưng nếu thiếu thì về uống nước bù cũng được", Long bày tỏ.
Long hài lòng về bữa ăn của mình
ẢNH: NVCC
Để quản lý tốt việc chi tiêu thời sinh viên, Long còn lập "nhật ký chi tiêu" mỗi ngày. Chính nhờ cuốn nhật ký này, chàng trai cho biết mình chưa bao giờ lâm vào cảnh "sáng ăn cơm sườn, chiều ăn cơm... nước tương", ngược lại còn tích cóp được tiền vào "quỹ đen công khai", dùng trong những trường hợp cần thiết.
Bình luận (0)