Đinh Ngọc Diệp với ‘Hành trình’ thơ

18/04/2021 16:00 GMT+7

Hành trình (6) là tập thơ vừa ấn hành của nhà thơ, nhà báo Đinh Ngọc Diệp. Tập thơ là bản ghi chép ngắn gọn nhất, súc tích nhất hành trình sống mà Đinh Ngọc Diệp đã đi qua.

Với Hành trình (6), người đọc nhận ra những ngổn ngang, bề bộn của muôn mặt đời sống được nhà thơ gói gọn trong những vần thơ mang tính hiện thực, đậm chất trữ tình nhưng cũng giàu tính triết luận. Giữa dây thừng treo và họng súng/ Hơi thở cho nhau là lựa chọn sau cùng (Lựa chọn sau cùng).
Hành trình (6), đó chính là cuộc đi dài của nhà thơ với sự trải nghiệm - chiêm nghiệm về tình yêu, cuộc sống, con người, sự quan sát về những vấn đề thời sự - xã hội, văn hóa - lịch sử của quê hương, đất nước. Đó không chỉ là tình yêu với văn chương mà còn là ý thức trách nhiệm của một người công dân sống hết mình và luôn hướng về những điều tốt đẹp ở phía trước.
Thơ Đinh Ngọc Diệp thể hiện một cái tôi chân thành, luôn dõi theo những thăng trầm, biến động của xã hội. Bão gió biển Đông có tiếng hú Trống Đồng/ ngày giặc cướp Hoàng Sa tiếng trống quằn trong dạ/ Giặc lại chiếm Gạc Ma, tiếng trống từ đất liền bung ra mặt biển/ ôm chiến sĩ quấn cờ hồng giọt máu như nung (Cháy bỏng giọt thanh âm).
Thơ Đinh Ngọc Diệp chính là những lời trần tình của một người đã đi qua và chứng kiến bao điều “ẩm ương” của xã hội. Những điều tưởng chừng không thể, không bao giờ xảy ra thì lại xảy ra: Ăn cắp thuốc của bệnh nhân/ Lại chính là thầy thuốc/ Loại kẻ cắp hảo hạng không phải đêm hôm chui rúc, leo tường/ Mà ở sẵn bên trong/ Lỉnh kỉnh chùm chìa khóa kho và hơn thế nữa!/ Thì kẻ cắp này đã an toàn trong hàng ngũ những người đi bắt trộm/ Hết giờ làm, những dáng áo Blouse trắng ra về, nhòa nhập phố đông (Trong và ngoài bệnh viện tâm thần). Điều đáng lên án ở đây là những người được coi là thầy thuốc cứu người lại đi ăn cắp, mà ăn cắp thuốc của bệnh nhân tâm thần thì đáng ghê sợ hơn nhiều. 
Cái tôi ý thức và vô thức hòa trộn vào nhau tạo thành một một mớ hỗn độn khó hiểu. Phải chăng đó là điềm báo trước về sự khủng hoảng niềm tin của con người khi các thang bậc giá trị đời sống chao đảo. Viết ở đền Cô Bơ là một bài thơ hay, bởi ở đó nhà thơ đã giãi bày rất nhiều về những sự thật của đời sống. Nhìn mà xót, nghĩ mà đau, mà nhức nhối. Để rồi, nhà thơ lại đặt ra liên tục những câu hỏi tu từ. Bản thân câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời. Nhưng câu trả lời đầy đủ, thấu đáo, hợp tình hợp lý không hề đơn giản trong xã hội đầy biến động mà nhà thơ đang sống hôm nay. Trốn hương khói mịt mờ trở ra tôi thấy/ Có cánh buồm lờ lững Ngã Ba sông/ Và chòm lá không còn nơi vũng đợi/ Phải thuyền Cô Bơ trôi... lạc giữa dòng?// Nơi Hổ nằm, tôi nhìn thấy khác:/ Dục vọng có ngủ yên giữa hòm kính chôn mình?/ Đâu đó ngoài kia vẫn tung hoành cái ác/ Tôi với con thuyền, chòm lá/ hóa vô minh?
Điều ấn tượng và dễ nhận thấy khi đọc Hành trình (6) của Đinh Ngọc Diệp là cách đặt tên nhan đề các bài thơ, đọc lên đã đầy sức ám gợi, như: Từ hôm nay tôi biết sợ những bông hoa, Ngọn gió anh không có chỗ để ngang tàng, Tuổi như lá rau bị sâu ăn hết, Giọt biển mặn mòi toan giết chết dòng sông, Lột, Thắt, Ước...
Thơ Đinh Ngọc Diệp sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, so sánh độc đáo nên có sự ý vị, kín đáo với sức hấp dẫn mãnh liệt. Con mực to sẽ là con tuộc?/ Mực lên bờ sẽ hóa thành em?/ Em kín hở giữa thu dưới đèn như nắng mỏng/ Ngúng nguẩy thăng hoa nhạc rock chân dài//... Giữa đại dương từng nuốt nhau để sống/ Cá lặn biển bơi sông. Anh chực khuấy góc nồi/ Ăn nhậu hả hê, quên mình: chiến bại/ Sân khấu em hạ màn. Mực trắng đã bùng khơi... (Mực trắng đã bùng khơi). 
Nhưng có lẽ phương thức ẩn dụ được nhà thơ Đinh Ngọc Diệp vận dụng nhiều nhất, đó là cách thức quan trọng để bộc lộ nội tâm, gửi gắm những thông điệp kín đáo ẩn sau bề mặt ngôn ngữ. Đi qua những được thua ở cõi người, nhà thơ nghiệm ra nhiều điều về lẽ sống, niềm tin. Sự từng trải ấy đã giúp cho Đinh Ngọc Diệp luôn bình tâm, vững chãi, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ đã, đang và sẽ “dội” về. Và đó có thể là cái chết, nhưng dẫu sao cũng là quy luật vĩnh hằng. Mặt đất cong/ mở mắt -/ xe lùi một vòng/ trở về nơi xuất phát/ gặp lại, chào nhau những gương mặt nhàu nhĩ/ nghĩa trang/ trả lại chốn vĩnh hằng (Trả lại vĩnh hằng). Tất cả rồi cũng sẽ trở về cát bụi!
Đinh Ngọc Diệp không hề dễ dãi với thơ và công việc làm thơ. Anh chú trọng đến từng chi tiết nhỏ trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, tứ thơ, các biện pháp tu từ... Từ ngữ trong thơ anh chắt lọc, dồn nén, mang giá trị biểu cảm lớn. Đây là thế mạnh trong thơ Đinh Ngọc Diệp nhưng cũng chính điều này khiến thơ anh “kén” độc giả, người đọc cần có kiến văn và sự liên tưởng đa dạng để hiểu và giãi mã hết những thông điệp mà nhà thơ gửi gắm.
Hành trình (6) là tập thơ phản ánh và tổng hợp khá nhiều phương diện của đời sống xã hội cũng như phong cách và khả năng chuyển tải vào thơ của Đinh Ngọc Diệp. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận xét khi đọc Hành trình (6): “Thơ trong tập thơ này có phổ suy tư khá rộng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thiêng liêng Tổ quốc đến trầm mặc những không gian văn hóa lịch sử, từ xung năng hấp lực tình yêu đôi lứa đến chộn rộn đa đoan cõi thế cuộc người. Hiển diện trong đây là một cái tôi đa sự và đa nghĩ, phong tình và phong trần”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.