Định vay 200 triệu đồng qua app, bác sĩ tá hỏa bị lừa mất 360 triệu đồng

09/02/2023 12:17 GMT+7

Với ý định vay 200 triệu đồng, bác sĩ Tuấn liên hệ một app cho vay trên mạng xã hội, tuy nhiên lại bị lừa 360 triệu đồng trong vòng vài tiếng đồng hồ.

"Mình gần như đã bị thao túng hoàn toàn"

Anh Dương Minh Tuấn (32 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ lên trang Facebook cá nhân (với hơn 68.000 người theo dõi) câu chuyện bản thân bị lừa khi vay tiền qua app. Anh đã bị lừa 360 triệu đồng chỉ trong vài tiếng đồng hồ vào tối 7.2. Anh Tuấn hiện đang là bác sĩ ở Hà Nội.

Anh Tuấn kể lại, do đang có việc cần tiền nhưng ngại mượn người thân, đi vay ngân hàng mất thời gian thẩm định nên anh tìm đến app vay tiền qua mạng xã hội. Anh thấy công ty tài chính S.H (công ty S.H) cho vay không mất thời gian thẩm định, lãi thấp, giải ngân nhanh nên tìm hiểu. Anh mở mạng tra thấy công ty có mã số thuế nên yên tâm đăng ký.

Sau khi khoản vay được phê duyệt, anh bấm nút tải từ ví điện tử của công ty này về tài khoản nhưng bị lỗi. Anh liên hệ với một người có tài khoản Facebook là Trần Thông Dũng (bộ phận chăm sóc khách hàng), người này nói anh nhập sai số tài khoản.

"Dũng gọi điện nói để sửa được thông tin, mình phải nộp 20 triệu phí ủy quyền để sửa lại. 20 triệu này là cọc, sau đó sẽ được giải ngân cùng khoản kia. Dũng cũng gửi văn bản đóng dấu đỏ online. Mình chuyển 20 triệu theo nội dung Dũng gửi sẵn", anh kể lại.

Lúc sau, Dũng gọi lại báo anh Tuấn chuyển tiền nhưng nội dung chuyển tiền bị sai dù anh Tuấn cho hay, mình đã sao chép nội dung chuyển tiền như nhân viên chăm sóc khách hàng. Dũng yêu cầu chuyển thêm 40 triệu để sửa lại thông tin, số tiền này sẽ được hoàn đầy đủ khi giải ngân.

Định vay 200 triệu đồng qua app, bác sĩ bị lừa mất 360 triệu đồng - Ảnh 3.

Anh Tuấn nhận được công văn báo lỗi sai thông tin cá nhân

NVCC

"Dũng đã đưa điện thoại cho một người bên phòng ủy quyền, người này mắng mình vì không làm đúng hướng dẫn. Đến đây mình gần như đã bị thao túng hoàn toàn, mọi sự đều nhờ Dũng và người đó", anh chia sẻ.

Khi tiền đã về ví điện tử đầy đủ cả khoản vay và 60 triệu đồng ủy quyền, anh yên tâm nhấn vào nút "Rút tiền vào tài khoản liên kết".

Định vay 200 triệu đồng qua app, bác sĩ bị lừa mất 360 triệu đồng - Ảnh 5.

Anh Tuấn chuyển 40 triệu đồng lần giao dịch thứ 2

NVCC

Người đàn ông tên Dũng gọi điện lại và mắng anh rút tiền sai cách thức rút tiền. Anh Luật - người cùng công ty S.H với Dũng cũng gọi điện mắng và yêu cầu chuyển thêm 100 triệu để bảo lãnh để giải quyết vấn đề thuế, liên quan đến ngân hàng.

Anh Tuấn lo sợ nhưng vẫn mượn bạn bè để chuyển thêm cho họ 100 triệu đồng với hy vọng sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền vay và 160 triệu đồng.

Sau đó, anh Tuấn lại bị báo là thực hiện sai cú pháp. Người đàn ông tên Dũng và tên Luật liên tục gọi điện, hối thúc anh chuyển thêm 2 lần giao dịch với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Tổng cộng, anh chuyển liên tiếp 5 lần cho nhân viên công ty S.H cùng một số tài khoản cá nhân là 360 triệu đồng.

Cuối cùng, khi một người thứ 3 xuất hiện tự xưng là trưởng phòng giải ngân gọi điện nhắc về việc lấy mã OTP và yêu cầu anh chuyển thêm 200 triệu đồng để kịp giải ngân, anh Tuấn mới vỡ lẽ mình bị lừa. Anh thông tin thêm là phía công ty tài chính S.H đe dọa sẽ tìm đến tận nhà để xử lý, buộc phải nộp thêm 200 triệu đồng.

Mong mọi người cảnh giác

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tuấn cho biết anh đã trình báo công an. PV cũng gọi điện tới số 0586870xxx ghi trên phần giới thiệu công ty S.H nhưng số điện thoại này đã bị tạm khóa.

Cũng theo anh Tuấn, anh chia sẻ câu chuyện cùng nội dung tin nhắn, các lần chuyển khoản lên mạng xã hội để mọi người biết và tránh mắc phải. Anh cũng gửi lời xin lỗi và cảm ơn đến người thân, bạn bè mà anh đã gọi để mượn tiền.

"Mong mọi người ai đọc được câu chuyện của mình có thể rút ra bài học là đừng bao giờ bấm vay tiền trên mạng, trên app hay bất cứ thứ gì mà chưa được kiểm chứng. Tiền mất trên mạng rất khó lấy lại vì tội phạm công nghệ lừa đảo càng tinh vi", anh nói.

"Các đối tượng dẫn dắt câu chuyện khéo léo, hợp lý để tránh nghi ngại"

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH A&H - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết đây không phải là thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là đánh vào tâm lý muốn được vay với thủ tục nhanh gọn. Các đối tượng thường sử dụng sim, tài khoản mạng xã hội để hướng dẫn việc thực hiện thủ tục vay thông qua ứng dụng tài chính online với hứa hẹn sẽ cho vay số tiền lớn, thủ tục nhanh. Tuy nhiên, thông qua việc trao đổi sẽ thao túng tâm lý để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản cung cấp nhằm chiếm đoạt tài sản. Lý do các đối tượng đưa ra như chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức… Sau khi nhận được tiền của người dân, các đối tượng này nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc với nạn nhân trước đó, rút tiền khỏi tài khoản và xóa mọi thông tin có liên quan nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật.

"Vì nắm được tâm lý người dân muốn vay gấp, cách thức nhanh chóng, thuận tiện nên các đối tượng dễ dàng dẫn dắt câu chuyện khéo léo, hợp lý để tránh sự nghi ngại của người vay. Bên cạnh đó, cách thức liên hệ qua mạng xã hội như Zalo, Messenger cũng là một trong các điều kiện cho đối tượng lừa đảo. Chúng không vội vã yêu cầu chuyển số tiền lớn một lúc mà thường dẫn dụ từng khoản một dẫn đến việc người vay phải đuổi theo chính số tiền mà mình đã chuyển", luật sư Phương Anh phân tích.

Trong trường hợp này, nạn nhân cần đến cơ quan công an gần nhất để trình báo và cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan về vụ việc như toàn bộ quá trình trao đổi, số điện thoại đã dùng để liên hệ, tài khoản ngân hàng đã sử dụng để chuyển tiền... Cơ quan điều tra sẽ tiếp nhận thông tin trình báo và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh những đối tượng có liên quan, từ đó mới có cơ sở để kết luật, thu hồi được số tiền mà người dân đã bị chiếm đoạt.

"Người dân cần tỉnh táo và tuyệt đối không vay tiền qua các app, không công khai thông tin cá nhân trên mạng, cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan, thực hiện các biện pháp bảo mật tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; cung cấp thông tin, tố giác tội phạm với cơ quan công an để nhanh chóng xử lý theo quy định của pháp luật", nữ luật sư nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.