Dịp lễ 30.4 và 1.5: Cách gì để tránh tình trạng vật vã khi đi du lịch?

Phúc Kha
Phúc Kha
29/04/2023 07:19 GMT+7

Dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30.4 và 1.5 kéo dài 5 ngày, nhiều bạn trẻ dự định sẽ đi du lịch, về quê bằng xe máy thay vì vật vã ngồi chờ đợi xe khách ở bến xe.

Chọn đi du lịch bằng xe máy cảm thấy sảng khoái hơn

Từ đầu tháng 4.2023, Trần Trọng Đạt (24 tuổi), đang làm việc tại địa chỉ 36 đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM lên kế hoạch đi phượt các tỉnh miền Tây cùng với nhóm bạn. Theo Đạt, việc chọn đi du lịch bằng xe máy cảm thấy sảng khoái hơn, vì được cầm lái và được quyết định hành trình của mình. 

Đạt nói: “Hôm nay (29.4), nhóm mình sẽ xuất phát đi các tỉnh miền Tây vì lộ trình từ TP.HCM đi miền Tây cũng tương đối gần. Hơn nữa, ở đây cũng có nhiều vườn trái cây để tham quan, trải nghiệm”.

Lễ 30.4-1.5: Đi xe máy về quê để tránh tình trạng vật vã ở bến xe - Ảnh 1.

Một số bạn trẻ chọn đi xe máy về quê, đi du lịch

PHÚC KHA

Lựa chọn xe máy là phương tiện di chuyển du lịch khi nghỉ lễ, Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Đi chơi bằng xe máy, mình tiết kiệm chi phí rất nhiều. Vé xe khách vào những ngày nghỉ lễ tăng cao lắm". 

Do ám ảnh tình trạng kẹt xe khi ngồi trên xe khách từ TP.HCM về quê ở An Giang vào dịp lễ 30.4 - 1.5, nên Nguyễn Lê Ngọc Phúc (24 tuổi), đang trọ tại chung cư The East Gate, P.Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương lựa chọn xe máy để di chuyển về quê.

Ngọc Phúc nhớ lại: “Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5.2021, mình đã chứng kiến cảnh tượng ùn tắc giao thông kinh hoàng nhiều giờ đồng hồ ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Mình mất khoảng 16 tiếng đồng hồ mới về tới nhà, trong khi ngày thường di chuyển khoảng 6 tiếng là đến nhà. Xe khách kẹt cứng phải di chuyển với tốc độ như đi bộ. Cảm giác kẹt xe rất kinh khủng”.

Lễ 30.4-1.5: Đi xe máy về quê để tránh tình trạng vật vã ở bến xe - Ảnh 2.

Bạn trẻ sợ cảnh chen chúc khi đi xe khách

PHÚC KHA

Cũng có một trải nghiệm không mấy suôn sẻ trong hành trình về quê ở Kiên Giang nghỉ lễ 30.4 -1.5.2022, Lê Thanh Bình, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM kể lại chuyến về quê “bão táp”: “Mình đặt vé lên xe vào 21 giờ 29.4 nhưng khi đến nơi thì nhà xe báo phải chờ vì kẹt xe dữ dội. Mình ngồi chờ ở nhà xe mòn mỏi đến 1 giờ sáng ngày hôm sau mới được lên xe. Lúc đó do quá đuối nên mình đã đánh một giấc đến 8 giờ sáng. Khi mở mắt ra mà xe vẫn chưa về đến nhà”.

Khoảng thời gian ngồi trên xe, ngồi trên xe, Thanh Bình không dám uống nước vì lo sợ không được đi vệ sinh. Lúc về gian nan nhưng lúc trở lại thành phố thì cũng trắc trở không kém. Vì vậy, năm nay Thanh Bình quyết định lựa chọn đi xe máy về quê để thoải mái thời gian đi lại, tránh tình trạng vật vã ở bến xe, về nhà có phương tiện đi lại thăm họ hàng, bạn bè, đi chơi những địa điểm gần nhà.

Nắm vững kiến thức giao thông đường bộ

Trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 kéo dài tới 5 ngày, nhiều bạn trẻ có xu hướng cùng nhau đi chơi xa, đi về quê bằng xe máy, vì thế để có chuyến đi an toàn, vui vẻ, họ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng phương tiện, sức khỏe và tìm hiểu lộ trình di chuyển.

Đối với Nguyễn Đình Huy, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, người từng đi phượt xuyên Việt vào năm 2019, khi di chuyển bạn trẻ phải hiểu và học về luật giao thông để mình luôn đi đúng tốc độ, đúng hướng dẫn an toàn của biển báo giao thông. Đình Huy chia sẻ: “Mình phải giữ an toàn cho bản thân mình, cho mọi người trên dọc đường nữa, phải đi đúng làn, tốc độ, chú ý quan sát đường, không vì một phút bốc đồng mà phóng nhanh, lạng lách, không vượt phải hoặc đi quá gần xe container. Chú ý tránh các điểm mù”.

Lễ 30.4-1.5: Đi xe máy về quê để tránh tình trạng vật vã ở bến xe - Ảnh 3.

Trước khi khởi hành đi về quê, đi du lịch bằng xe máy, người trẻ cần kiểm tra xe máy kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ hành lý, vật dụng

PHÚC KHA

Hoàn thành chuyến đi xuyên Việt vào tháng 10.2022, Trần Văn Sơn (26 tuổi), cựu Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội cho rằng trước khi thực hiện chuyến đi, người trẻ nên trao đổi với gia đình đi với mục đích gì, đi bao giờ về, đi có an toàn không. Các bạn phải tìm hiểu lịch trình, ăn uống ra sao, xe cộ phải sửa chữa như thế nào, nắm vững các biển báo giao thông trên đường, chú ý tốc độ tối đa trên mỗi khu vực. Khi di chuyển, hạn chế chạy quá tốc độ, đi còn trở về nữa.

“Về xe máy, trước khi đi, các bạn cần mang xe đi bảo dưỡng, thay dầu máy, nước mát, bugi, xăm lốp. Đồng thời kiểm tra: giấy tờ xe, cá nhân, các bạn nên chụp lại luôn, đề phòng quên hay thất lạc vẫn còn hình ảnh mà dùng”, Sơn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.