Nghỉ lễ 30.4 và 1.5: Hãy cẩn trọng với những chiêu lừa đảo du lịch này

Tấn Đạt
Tấn Đạt
27/04/2023 08:00 GMT+7

Nếu không muốn mất vui hay "ôm cục túc vào người" trong những chuyến đi chơi dịp lễ 30.4 và 1.5 thì mọi người hãy cẩn trọng với những chiêu lừa đảo du lịch này.

Cẩn thận với những tour giá rẻ trên mạng

Anh Nguyễn Minh Hiền (35 tuổi), làm hướng dẫn viên du lịch tự do ở TP.HCM, cho hay gần đến dịp lễ 30.4 và 1.5 mọi người hãy cẩn thận với những tour giá rẻ được người ta bày bán tràn lan trên mạng xã hội, nếu không thì sẽ... “ôm cục tức vào người”.

“Những người này thường dùng hình ảnh cá nhân của các anh, chị uy tín làm trong ngành du lịch rồi “hô biến” thành trang thông tin của mình đi lừa gạt. Họ đăng tin tức bán chương trình du lịch chỉ vài triệu đồng cùng với lời chào mời “nhân dịp này, dịp nọ tụi em có khuyến mãi sâu…”. Sau khi chèo kéo và đưa ra những hứa hẹn tuyệt vời trong hành trình đi chơi thì đối tượng sẽ bắt mình đặt cọc khoảng 1-2 triệu đồng”, anh Hiền nói.

121617846_1773538702784313_3573762042554118974_n.jpg

Người trẻ thích đi du lịch cần tỉnh táo trước những chương trình giá rẻ trên mạng

THANH TUẤN

Theo anh Hiền, nhiều khách đã “nhẹ dạ cả tin” vì số tiền tour du lịch quá rẻ nên đã “dằn” tiền một cách "ngọt xớt". Nhưng có một số người “bán tín bán nghi” đòi đối tượng cho xem giấy tờ.

“Tuy nhiên, việc dùng giấy tờ giả đối với họ hết sức dễ dàng. Bạn đã lọt vào tầm ngắm của họ thì khó mà thoát ra. Thường, khách sau khi chuyển khoản xong thì qua ngày hôm sau đối tượng sẽ “biến mất” hoặc chặn liên hệ…”, anh Hiền cảnh báo.

Anh Hiền còn cho hay những đối tượng lừa đảo bán tour thường “núp lùm” trong các nhóm, hội du lịch từ lớn đến nhỏ trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

z3723992759488-b06b08b84d123213f7bb01c5a50ecae6-1583.jpg

Anh Hiền làm du lịch gần 5 năm nay

Tấn Đạt

“Khi bạn có nhu cầu “cần tìm tour du lịch giá rẻ” trên các diễn đàn nào đó thì đối tượng sẽ làm nhiều cách, chèo kéo, đưa ra những thông tin tốt đẹp về tour du lịch để bạn tin tưởng. Mọi người chỉ nên mua tour đi chơi ở người thân, bạn bè mà mình quen biết. Nên lựa chọn và đặt mua tour, vé ở các trang web có thương hiệu hay qua các app (ứng dụng) uy tín nhiều năm. Nếu đặt chuyến đi chơi với các bạn bán tour trên mạng thì cần vào xem thật kỹ trang cá nhân của họ, từ số lượng bạn bè, thời gian hoạt động, tương tác thật của người bán trên trang trước khi quyết định”, anh Hiền cho lời khuyên.

lay18_NKIE (1).jpg

Cần tìm hiểu thật kỹ trước khi mua tour trên mạng

Tấn Đạt

Anh Hiền còn thông tin việc đặt vé máy bay trên các trang mạng xã hội cũng cần phải cẩn thận. “Các trang lừa đảo hiện nay rất tinh vi, đã sao chép từ hình ảnh đến thông tin của một công ty bán vé máy bay uy tín. Và bọn chúng chỉ cần thay một ít ký tự trên đường link thì sẽ dễ dàng qua mặt khách hàng”, chàng trai 35 tuổi nói thêm.

"Thấy khách sạn có dịch vụ đặt phòng với giá thấp nhất khu vực thì hãy cẩn thận"

Là người khám phá 63 tỉnh thành ở Việt Nam, anh Nguyễn Thanh Tuấn (35 tuổi), ngụ Q.12, TP.HCM, cho hay mình đã từng trải qua và chứng kiến nhiều người bạn đi du lịch vì ham giá rẻ, mà phải “ôm cục tức vào người”.

“Mùa du lịch, đặc biệt là dịp lễ 30.4 và 1.5 sắp tới, trên mạng xã hội xuất hiện các bài đăng quảng cáo dịch vụ phòng khách sạn, giá tour chuyến đi chơi trọn gói. Cụ thể, nếu mình thấy khách sạn có dịch vụ đặt phòng với giá thấp nhất khu vực thì hãy cẩn thận. Vì những trường hợp này, sau khi khách đặt và trả tiền xong hoặc cọc trước, nhưng khi đến nơi thì địa chỉ không tồn tại", anh Tuấn nói.

337551368_187753410772410_4668441373803587893_n.jpg

Anh Tuấn khuyên người trẻ hãy kiểm tra, hỏi thăm mọi người trước khi chọn tour du lịch

Thanh Tuấn

Chàng trai 35 tuổi khuyên hãy lên mạng kiểm tra một nơi nào bạn muốn đến có thật sự tồn tại hay không, xem đánh giá của cộng đồng mạng về nơi này… chứ đừng thấy một dịch vụ, món hàng gì đó giá quá rẻ mà mình mua ngay, nhiều người do không có thời gian, sợ phiền phức mà bỏ qua, không khiếu nại, khiến bản thân bị mất tiền.

Cũng theo anh Tuấn, mọi người hãy hạn chế tối đa việc đón xe khách, taxi dù, chịu khó đi các phương tiện công cộng, hay vào trực tiếp bến xe để đi. "Ngay cả vé vào cổng, các dịch vụ tiện ích, hạn chế mua từ người bán vé "chợ đen" vì vé đó có thể bị làm giả. Đối với phòng khách sạn, nhà nghỉ mình thường đặt trước trên các ứng dụng uy tín, vé máy bay hay xe khách cũng đặt trước từ hãng, nên rất ít phải giao dịch bằng tiền trực tiếp", anh Tuấn nói.

10c0fed8df731a2d4362-5817.jpg

Hãy là người lựa chọn thông minh trong chuyến đi du lịch

Tấn Đạt

“Đừng vì tiện đường mà chọn một dịch vụ lạ, không uy tín. Chỉ cần bạn bị lừa, chặt chém, hay thậm chí mua hàng không đúng giá khi đi du lịch, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của cả chuyến đi, nói chung là mất vui”, anh Tuấn bộc bạch.

Trong khi đó, giám đốc của một công ty truyền thông và dịch vụ du lịch lữ hành cho hay mùa du lịch một số đối tượng sử dụng vô số chiêu trò để lựa gạt khách hàng như: tạo niềm tin bằng hình ảnh giả mạo trên trang cá nhân. Khi thấy khách hỏi mua, đối tượng sẽ tư vấn tới tấp, luôn đưa ra nhiều bằng chứng rằng mình là bạn thân của chủ nhà nghỉ, khách sạn. Đặc biệt, đối tượng còn làm giả hóa đơn ngân hàng để lừa khách rằng đã chuyển khoản đủ tiền để khách yên tâm...

lay8_YLNQ.jpg

Người trẻ đừng để chuyến du lịch mất vui chỉ vì một phút lơ là, nhẹ dạ cả tin

Tấn Đạt

Vì thế theo vị giám đốc này nên liên hệ trực tiếp với chủ khách sạn, homestay qua số điện thoại trên trang mạng xã hội hoặc Google Maps. Hạn chế đặt dịch vụ du lịch qua những Facebook “ảo” rao bán combo du lịch giá rẻ. Việc đặt phòng qua các ứng dụng cũng nên xem xét vì đã xảy ra nhiều trường hợp khách đến nơi thì chủ nói không có phòng với lý do “quên khóa booking (đặt trước)" rồi sau đó họ chuyển mình qua những nơi có giá cao hơn. Đồng thời, tìm hiểu thật kỹ trước khi chuyển khoản để đặt phòng, tour hay các dịch vụ du lịch.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.