Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong đó có Audi cho rằng họ bị động và không kịp phản ứng vì chính sách thuế thay đổi đột ngột cũng như những bất cập, chưa rõ ràng trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới.
>> Thị trường xe Việt sắp đón biến động giá từ 1.7?
>> Đề xuất giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô dưới 9 chỗ
>> Thuế TTĐB mới: Giá xe nhỏ giảm nhẹ, xe sang tăng mạnh
DN nhập khẩu ô tô cho rằng họ bị động và không kịp phản ứng vì chính sách thuế thay đổi đột ngột
|
Doanh nghiệp không kịp trở tay
Trong buổi họp báo ngày 22.4, ông Trần Tấn Trung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Liên Á Quốc tế - đơn vị nhập khẩu thương hiệu xe Audi bức xúc: “Chúng tôi cần một buổi họp mặt chính thức với Bộ Tài chính có sự tham gia của báo chí để làm rõ ràng, minh bạch, đầy đủ thông tin liên quan đến các chính sách về Thuế TTĐB không để mập mờ gây nhiễu loạn thị trường xe nhập như hiện tại.” Việc đột ngột thông qua thuế TTĐB mới trước thời điểm chính thức áp dụng một vài tháng cũng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay xây dựng chiến lược kinh doanh, giá bán…
Ông Trung dẫn chứng thêm, thời điểm trước khi thay đổi cách tính thuế TTĐB từ giá bán vốn sang giá buôn (1.1.2016), thị trường xe nhập tăng trưởng mạnh. Trong khi đó 2 tháng đầu năm thị trường bất ngờ chạm đáy bởi có nhiều thông tin giá xe sẽ giảm khi dự thảo thuế TTĐB mới được thông qua. Thị trường chỉ tăng trưởng trở lại khi có những thông tin sát thực hơn về thuế TTĐB mới. Tất nhiên, hai tháng đầu năm doanh số sụt giảm phần lớn là do trùng với Tết Nguyên đán, “chiếu nghỉ” của thị trường sau màn đua nước rút dịp cuối năm nhưng rõ ràng những chần chừ của người tiêu dùng về thông tin giảm giá xe cũng ảnh hưởng không nhỏ. Nó cũng chứng tỏ những “loanh quanh” về thuế, phí ảnh hưởng không nhỏ tới sự bình ổn chung của thị trường ô tô, từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp nhập khẩu.
Người tiêu dùng Việt loạn giá ô tô ngay ở hiện tại và tương lai
|
“Chai nước cũng tính vào giá xe”
Trước thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới, Bộ Tài chính cũng đã áp dụng cách tính thuế TTĐB mới với xe nhập khẩu kể từ 1.1.2016. Theo đó, giá xe nhập khẩu sẽ được tính theo giá buôn thay vì giá vốn (CIF) như trước đây. Chỉ riêng việc thay đổi cách tính thuế TTĐB kể trên đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài, trong suốt nửa cuối năm 2015. Theo giải thích từ phía Bộ Tài chính, việc tính thuế theo giá bán buôn (giá vốn + chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng, lợi nhuận) với xe nhập khẩu nhằm đảm bảo tính công bằng đối với xe lắp ráp trong nước. Tất nhiên, các doanh nhiệp lắp ráp trong nước tỏ ra hài lòng với quyết định của Bộ Tài chính trong khi phía doanh nghiệp nhập khẩu lại có phản ứng ngược lại. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới có thể khiến giá xe nhập cao hơn từ 5 - 15% làm giảm tính cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước cùng phân khúc. Phía doanh nghiệp lắp ráp trong nước gần như không chịu ảnh hưởng từ cách tính thuế TTĐB mới bởi danh mục sản phẩm nhập khẩu không nhiều, doanh số không cao.
Đề cập tới vấn đề trên trong buổi họp báo ngày 22.4, ông Trung cho biết không thị trường ô tô nào như Việt Nam, trong vòng 6 tháng thay đổi chính sách thuế 2 lần. Từng đó thời gian chưa đủ để doanh nghiệp ứng biến, xoay sở chiến lược kinh doanh mới. Ông này cũng dẫn lời chia sẻ vui của ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng Giám đốc Euro Auto - đơn vị nhập khẩu BMW, MINI rằng, từ nay về sau cốc nước, lương nhân viên và các hoạt động của nhà phân phối, đại lý cũng sẽ bị tính vào giá bán xe. Trên thực tế điều này hoàn toàn đúng bởi thuế TTĐB mới sẽ bao gồm cả lãi của doanh nghiệp nhập khẩu, đây cũng là khoản tiền chi trả cho mọi hoạt động từ khâu bán hàng, tiếp thị đến lương nhân viên.
Các hoạt động của nhà nhập khẩu, đại lý cũng có thể bị tính vào giá bán xe
|
Rõ ràng các nhà quản lý cần có một “cú chốt” thực sự cho chính sách thuế đối với xe nhập khẩu nhằm đảm bảo tính ổn định về lâu về dài cho thị trường. Người tiêu dùng không phải nghe ngóng, đắn đo thời điểm móc hầu bao, doanh nghiệp không cần liên tục tính toán, cân nhắc giá xe, cách kinh doanh cho phù hợp với chính sách mới. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sự bình ổn của thị trường cũng góp phần làm tăng nguồn tài chính nộp vào ngân sách Nhà nước do lượng xe bán ra tăng trưởng đều đặn hơn.
Bình luận (0)